Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến thừa nhận, vẫn có tình trạng lạm dụng các dịch vụ, kỹ thuật cao không cần thiết, ngoài danh mục bảo hiểm y tế chi trả để tăng thu, làm cho người bệnh phải chi phí nhiều hơn.
Một vấn đề đáng lưu ý nữa là sự chênh lệch thu nhập do chưa có chính sách đãi ngộ, thu hút đối với cán bộ y tế, nhất là người có trình độ cao về làm việc tại các bệnh viện, cơ sở y tế vùng khó khăn; đang có tình trạng chuyển dịch lao động từ vùng sâu, vùng xa đến các trung tâm, từ khu vực bệnh viện công sang bệnh viện tư.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến giải trình tại phiên họp, ngày 3-10-2019. Ảnh: QUOCHOI
Tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Bình Thuận) cho rằng, đây là chủ trương đúng, từng bước nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Tuy nhiên, mặt trái của cơ chế thị trường làm chênh lệch lớn thu nhập giữa bác sĩ bệnh viện công và tư. Điều này khiến một bộ phận bác sĩ xin nghỉ việc ở bệnh viện công để ra làm bên ngoài. Đại biểu Nguyễn Thị Phúc đề nghị cho biết, “sắp tới có chính sách gì để giữ chân đội ngũ y bác sĩ giỏi ở lại bệnh viện công lập”.
Chia sẻ nỗi lo lắng này, đại biểu Nguyễn Quang Tuấn (Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội) phân tích, việc giảm biên chế, tự chủ tài chính đã khiến nhân viên y tế không còn trong biên chế nhà nước mà do bệnh viện tự trả lương. Mặc dù vậy, theo luật hiện hành, bệnh viện không thể bổ nhiệm cán bộ nếu đó không phải là công chức, viên chức. “Các cơ quan chức năng cho biết biện pháp để tháo gỡ vướng mắc”, ông Tuấn nêu chất vấn.
Từ thực tế địa phương, đại biểu Nguyễn Thanh Xuân (Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Cần Thơ) nêu thực trạng, Cần Thơ có 13 bệnh viện tự chủ (2 bệnh viện trung ương, 11 địa phương), đã bộc lộ tồn tại lớn nhất là vướng mắc về giá trần dịch vụ khám chữa bệnh là vấn đề nhân sự.
Theo đại biểu Nguyễn Thanh Xuân, tuy đã giao quyền tự chủ nhưng các bệnh viện không được tự quyết, mọi chuyện đều phải xin ý kiến. Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) thẳng thắn: “Nhiều đồng nghiệp phản ánh là có giao tự chủ nhưng không biết tự chủ gì”.
Đi giám sát thì thấy nhiều đơn vị cũng than “giao tự chủ nhưng không được tự quyết”, nhất là tự quyết về nhân lực. Bao giờ những vướng mắc này được tháo gỡ?", đại biểu Nguyễn Thanh Xuân nêu
Phản hồi ý kiến các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhận xét, các vấn đề đại biểu đặt ra cũng chính là chuyện ngành y tế đặc biệt quan tâm.
Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định, nên trao thêm quyền tự chủ cho các bệnh viện, đây là nguyên tắc hàng đầu đề ra “nhưng ở đây thẩm quyền xử lý không thuộc về Bộ Y tế mà là Bộ Nội vụ”.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến trần tình, mô hình ưu việt trong khám chữa bệnh cần thiết là 1 bác sĩ phải có 3 điều dưỡng, như thế bệnh nhân mới không cần người nhà chăm sóc, giảm áp lực, quá tải ở bệnh viện.
Nhưng thực tế hiện nay, bệnh viện nào cũng khó tuyển dụng người vì vướng trần biên chế, vướng quy định về tinh giản biên chế nên vẫn phải duy trì mô hình 1 bác sĩ, 1 điều dưỡng chăm sóc nhiều bệnh nhân nên bệnh nhân nào vào viện cũng cần ít nhất 1 người nhà chăm sóc, vất vả, tốn kém mà chất lượng chăm bệnh không thể như điều dưỡng chuyên nghiệp.
Được mời cùng giải trình, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa khẳng định, Bộ này ủng hộ quan điểm tháo gỡ vướng mắc về bộ máy, nhân sự cho các bệnh viện. Theo đó, quan điểm chung là bệnh viện phải xác định vị trí việc làm, khung trình độ năng lực của từng vị trí ra sao, khi đã có bản mô tả vị trí việc làm, được cấp tỉnh, thành phê duyệt, thì các bệnh viện tự chủ việc tuyển dụng.
Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Anh Trí tranh luận lại, chỉ tiêu mỗi năm giảm 10% biên chế phải là nhắm tới giảm người ăn lương từ ngân sách nhà nước, nhưng bệnh viện thì vẫn phải tăng người làm mới có thể tăng quy mô, chất lượng dịch vụ.
“Thực tế ở Viện Huyết học thời tôi làm giám đốc, số cán bộ, nhân viên y tế tăng 1.000 người, nhưng bệnh viện dùng cơ chế tự chủ, tự chi trả lương thưởng nên số biên chế ăn lương nhà nước vẫn giảm”, đại biểu Nguyễn Anh Trí nói.
Bên cạnh đó, hiện tượng lạm thu, lạm dụng chỉ định xét nghiệm, kê thuốc cũng là vấn đề được nhiều đại biểu “truy vấn” người đứng đầu ngành Y tế.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thừa nhận việc tự chủ quá nhiều cũng tạo nên sự bất công bằng giữa người thu nhập cao với người thu nhập thấp. Tỷ lệ chi tiền túi của người dân cho dịch vụ y tế, vì thế cũng cao hơn.
Cũng có tình trạng lạm dụng các chỉ định xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, tình trạng gửi máy, đưa bệnh nhân ra ngoài khám máy dịch vụ… Với những bệnh viện thực hiện tự chủ, hiện tượng lạm dụng kỹ thuật, lạm dụng xét nghiệm, lạm dụng thuốc... là có, cũng vì yêu cầu tăng chi, bệnh viện cần có nguồn thu nhiều hơn nên để bác sĩ chỉ định dịch vụ kỹ thuật, kê thuốc vượt danh mục bảo hiểm thanh toán.
Tham gia giải trình, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam Phạm Lương Sơn cho biết, cơ quan bảo hiểm đã áp dụng nhiều biện pháp để chống lợi dụng, lạm dụng dịch vụ kỹ thuật, xét nghiệm như áp dụng công nghệ thông tin trong kiểm soát. Vậy nên cơ quan bảo hiểm mới phát hiện được những trường hợp người đã cắt tử cung rồi vẫn đi đẻ, hoặc một bệnh nhân được yêu cầu thanh toán chi phí mổ…3 mắt. Nhưng những trường hợp này khi truy lại phía bệnh viện thì chỉ nhận được giải trình là… nhầm.
ANH PHƯƠNG/SGGP