Tại Thông tư 43/2015/TT-BLĐTBXH được sửa đổi tại Thông tư 34/2018/TT-BLĐTBXH, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định: Đối tượng tuyển sinh đào tạo thường xuyên: Người từ đủ 15 tuổi trở lên, có trình độ học vấn và sức khoẻ phù hợp với nghề cần học. Đối với các ngành, nghề đặc thù trong danh mục do Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch ban hành sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội được tuyển sinh đối với người dưới 15 tuổi. Trường hợp học nghề, tập nghề để làm việc cho người sử dụng lao động thì phải đủ 14 tuổi và phải có đủ sức khoẻ phù hợp với yêu cầu của nghề.
Tại dự thảo, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định về đối tượng tuyển sinh đào tạo thường xuyên như sau: Người từ đủ 15 tuổi trở lên, có trình độ học vấn và sức khỏe phù hợp với nghề cần học. Đối với các ngành, nghề đặc thù trong danh mục do Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch ban hành sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội được tuyển sinh đối với người dưới 15 tuổi.
Trường hợp học nghề, tập nghề để làm việc cho người sử dụng lao động thì người học nghề, người tập nghề phải đủ 14 tuổi trở lên và phải có đủ sức khỏe phù hợp với yêu cầu học nghề, tập nghề.
Người học nghề, người tập nghề thuộc danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành phải từ đủ 18 tuổi trở lên, trừ lĩnh vực nghệ thuật, thể dục, thể thao.
Dự thảo nêu rõ: Hình thức tuyển sinh là xét tuyển và được thực hiện nhiều lần trong năm. Hồ sơ, thủ tục tuyển sinh do người đứng đầu cơ sở đào tạo quy định.
Người dạy chương trình đào tạo thường xuyên
Theo dự thảo, người dạy các chương trình đào tạo thường xuyên là nhà giáo; nhà khoa học, kỹ sư, cán bộ kỹ thuật, nghệ nhân, người có tay nghề cao, nông dân sản xuất giỏi và có chứng chỉ kỹ năng dạy học hoặc chứng chỉ sư phạm.
Cụ thể: Nhà giáo dạy chương trình đào tạo thường xuyên là nhà giáo trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Nhà khoa học là người được cấp có thẩm quyền công nhận là nhà khoa học/nhà khoa học chuyên ngành theo quy định của Luật Khoa học và Công nghệ.
Kỹ sư là người được đào tạo và cấp bằng kỹ sư theo quy định của Luật Giáo dục, Luật Giáo dục nghề nghiệp.
Cán bộ kỹ thuật là người đã được đào tạo và cấp bằng, chứng chỉ, có kinh nghiệm làm trực tiếp đối với nghề được đào tạo từ 05 năm trở lên.
Nghệ nhân dạy các chương trình đào tạo thường xuyên là nghệ nhân cấp tỉnh, nghệ nhân làng nghề.
Người có tay nghề cao dạy các chương trình đào tạo thường xuyên là người có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia bậc 2/5 hoặc chứng nhận bậc thợ 3/7, 2/6 trở lên.
Nông dân sản xuất giỏi dạy các chương trình đào tạo thường xuyên là nông dân sản xuất giỏi cấp huyện, người trực tiếp làm nghề liên tục từ 5 năm trở lên.
Cơ sở đào tạo thường xuyên
Theo dự thảo, cơ sở đào tạo thường xuyên gồm: Cơ sở giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp; tổ chức, cá nhân thành lập lớp đào tạo nghề để tổ chức thực hiện các chương trình đào tạo thường xuyên.
Cơ sở đào tạo thường xuyên được tổ chức đào tạo chương trình đào tạo thường xuyên khi đáp ứng các điều kiện sau: 1- Có chương trình, tài liệu đào tạo thường xuyên của từng nghề được xây dựng, phê duyệt theo quy định; 2- Có người dạy nghề theo quy định trên; 3- Có cơ sở vật chất, thiết bị, phương tiện đào tạo phù hợp với nghề sẽ tổ chức đào tạo và theo số lượng người học, thời gian đào tạo.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý Tham khảo thêm