Đề xuất người đấu giá đất phải chứng minh năng lực tài chính, ngăn bỏ cọc, 'thầu tặc'

29/10/2024 00:02

(Chinhphu.vn) - Nhiều đại biểu Quốc hội đã đưa ra những giải pháp để ngăn tình trạng đầu cơ, thổi giá nhà và đất, như người đấu giá đất phải chứng minh năng lực tài chính, tăng phí đặt cọc...

Đề xuất người đấu giá đất phải chứng minh năng lực tài chính, ngăn bỏ cọc, 'thầu tặc'- Ảnh 1.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn)

Ngày 28/10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội thảo luận tại hội trường về "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023".

Nêu ý kiến, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn) bày tỏ: "Chính phủ từ đầu nhiệm kỳ đến nay đã rất quyết liệt, đã tổ chức nhiều hội nghị, nhiều cuộc làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững".

Tuy nhiên, đại biểu cũng lo lắng về việc tình trạng giá nhà đất tại một số thành phố lớn tăng rất cao, nhất là Hà Nội và TPHCM đã khiến cho thị trường bất động sản vừa mới phục hồi thì lại xuất hiện những dấu hiệu bất ổn.

Do đó, đại biểu kiến nghị Chính phủ tiếp tục quyết liệt chỉ đạo để tháo gỡ những vướng mắc của các dự án nhà ở hiện nay và nếu thuộc thẩm quyền của cấp cao hơn thì báo cấp có thẩm quyền để tháo gỡ những vướng mắc trong các dự án này.

Bên cạnh đó, cần có những chính sách ưu đãi, đủ sức hấp dẫn để khuyến khích các doanh nghiệp phát triển phân khúc nhà ở thương mại phù hợp với túi tiền của phần đông người lao động; nghiên cứu triển khai các biện pháp mạnh để kiểm soát tình trạng đầu cơ nhà đất trong thời gian vừa qua.

Đại biểu Dương Văn Phước (ĐBQH tỉnh Quảng Nam) cho rằng đấu giá không thực chất sẽ rất nguy hiểm, thị trường buôn bán trở thành nơi để trục lợi và chúng ta cần phải nghiêm trị.

Đại biểu đề nghị tăng giá đặt cọc để tránh "thầu tặc"; tăng tiền đặt cọc theo từng vòng đấu, theo lũy tiến để buộc người đấu giá phải cân nhắc khi bỏ cọc; cần phải có chế tài mạnh để cấm các doanh nghiệp này tiếp tục đấu giá trên các lĩnh vực, ví dụ như không cho đấu giá vật liệu xây dựng.

Đề xuất người đấu giá đất phải chứng minh năng lực tài chính, ngăn bỏ cọc, 'thầu tặc'- Ảnh 2.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn ĐBQH TP.Hà Nội)

Tranh luận với ý kiến này, đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn ĐBQH TP.Hà Nội) cho rằng, không nên tăng phí đặt cọc mà cần tăng thêm điều kiện về những người tham gia đấu giá.

Theo lý giải của đại biểu Cường, hiện nay phí đặt cọc đang được quy định từ 5%-20%. Chẳng hạn như, giá bất động sản ban đầu là 10 tỷ thì phí đặt cọc là 2 tỷ, không phải ai tham gia đấu giá thì đều được mua bất động sản đó ngay, 10 người tham gia thì chỉ được một người mua. Chi phí dồn tiền đặt cọc vào đó sẽ tạo ra cản trở tâm lý nên rất ít người tham gia đăng ký mua. Nếu chúng ta tăng phí đặt cọc lên thì càng tăng chi phí này, dẫn đến ít người tham gia đấu giá.

Đại biểu Hoàng Văn Cường đề nghị bổ sung người tham gia đấu giá phải minh chứng được năng lực về tài chính có thể mua được tài sản đó, sau khi trúng đấu giá bằng việc xác nhận các khoản như tiền gửi ngân hàng hoặc các tài sản khác để minh chứng khả năng có thể huy động vốn và phải cam kết nếu như trúng đấu giá, bỏ cọc, sẽ bị xử lý.

"Nếu như chúng ta có quyết định như thế, những người có nhu cầu thật, sẽ không ngại gì trong việc minh chứng khả năng thanh toán của mình. Như vậy, sẽ loại bỏ được những người không có khả năng thanh toán, chỉ tham gia đấu giá để mua đi, bán lại, đặc biệt sẽ loại được những người bỏ giá cao rồi bỏ cọc", đại biểu Cường nêu ý kiến.

Quy định này cần làm khi minh chứng, khi nộp hồ sơ, không phải khi vào cuộc chúng ta mới minh chứng hay bổ sung. Như vậy, chúng ta hoàn toàn có đủ điều kiện, có đủ thời gian để người tham gia chuẩn bị cũng như cơ quan quản lý đấu giá kiểm soát. 

Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị cần phải thực hiện ngay Điều 31 của Luật Giá về kiểm tra các yếu tố hình thành giá khi có sự biến động giá bất thường để các doanh nghiệp bất động sản không lợi dụng khi thị trường khan hiếm nguồn cung để đưa ra giá bán cao một cách bất thường.

Việc kiểm tra yếu tố hình thành giá sẽ không chỉ phát hiện được sự bất thường của các giá bán cao để bảo vệ người tiêu dùng và ổn định thị trường mà còn là cơ sở để thu thuế điều tiết phần thu nhập tăng lên do giá cao. 

Đồng thời đề xuất hàng hóa bất động sản của các doanh nghiệp bán ra lần đầu trên thị trường thứ cấp thuộc đối tượng phải kê khai giá. Nếu thực hiện được kê khai giá và kiểm tra giá như thế sẽ ngăn chặn được tình trạng vô lý, tự nhiên giá này tăng lên cao. Điều này là một giải pháp rất căn bản, hữu hiệu để chúng ta kiểm soát giá sử dụng bất động sản.

Có chính sách đủ hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư phát triển nhà ở xã hội

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương) đánh giá tại kỳ họp này, Chính phủ đã trình Quốc hội xem xét các luật sửa nhiều luật và nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án đất đai trong kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại TPHCM, Đà Nẵng và Khánh Hòa.

Quốc hội cũng đã xác định rõ tại khoản 1 Điều 2 dự thảo nghị quyết là Chính phủ có cơ chế giải quyết phù hợp, xử lý dứt điểm đối với những dự án bất động sản gặp khó khăn, vướng mắc kéo dài, trường hợp vượt thẩm quyền thì trình Quốc hội xem xét quyết định trong năm 2025.

"Điều này thể hiện sự quyết liệt, đồng hành của Quốc hội với Chính phủ trong giải quyết các điểm nghẽn trong thực tế", đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân nói.

Đại biểu kiến nghị Quốc hội sớm ban hành nghị quyết thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất mà đất đó không phải là đất ở. Bởi theo đại biểu, nội dung này đã được nêu rõ khi thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) và được rất nhiều doanh nghiệp ở rất nhiều tỉnh thành mong mỏi có cơ chế thực hiện hiệu quả.

Đối với nhà ở xã hội, đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân cho rằng cần có cơ chế, chính sách ưu đãi thực chất, đủ hấp dẫn để thu hút, khuyến khích các thành phần kinh tế trong và ngoài nước tham gia đầu tư phát triển nhà ở xã hội, nhất là cho công nhân và lực lượng vũ trang.

Đồng thời phân tích rõ đối tượng có khả năng thuê, mua nhà ở xã hội để có chính sách cụ thể riêng cho từng đối tượng; cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư, xây dựng, mua bán, cho thuê nhà ở xã hội; bảo đảm nguồn cung đủ lớn, giá cả hợp lý cho người có thu nhập thấp...

Cũng nêu ý kiến về nhà ở xã hội, đại biểu Mai Văn Hải (Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hoá) nhấn mạnh, nhà ở của người dân nói chung, nhà ở xã hội nói riêng luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm, chăm lo.

Trong thời gian qua, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã quan tâm, chỉ đạo thực hiện việc xây dựng nhà ở xã hội, một số vướng mắc từng bước được tháo gỡ, kể cả về pháp luật cũng như việc tổ chức thực hiện trong việc lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch sử dụng đất, một số địa phương đã bố trí quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội độc lập, một số địa phương bố trí nhà ở xã hội là quỹ đất 20% trong dự án nhà ở thương mại.

TIN LIÊN QUANĐánh giá thực chất việc thực hiện chính sách nhà ở, thị trường bất động sảnTỔNG THUẬT: Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sảnTỔNG THUẬT: Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản

Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại, vướng mắc trong triển khai thực hiện các dự án trong việc bán, cho thuê, cho thuê mua đối với nhà ở xã hội. 

Đại biểu đề nghị các cấp có thẩm quyền tiếp tục quan tâm chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, các điểm nghẽn trong thực hiện các chính sách, pháp luật về nhà ở xã hội trong lĩnh vực đầu tư đất đai, quy hoạch; sửa đổi các chính sách để thu hút các nhà đầu tư giúp cho người có thu nhập thấp, công nhân lao động có nhu cầu nhà ở xã hội tượng được tiếp cận tốt hơn với chính sách.

Hoàn thiện các cơ chế chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tham gia phát triển nhà ở xã hội cho công nhân ở các khu công nghiệp để giải quyết nhu cầu nhà ở của công nhân, lao động...

Hải Giang