ĐBQH tranh luận về vụ 39 thi thể trong container đông lạnh ở Anh

04/11/2019 20:45

"Vụ việc xảy ra tại Anh, nên xác định tội danh gì là do phía Anh kết luận. Tuy nhiên, theo luật pháp Việt Nam, hành vi này không phải “buôn người” mà là "tổ chức đưa người ra nước ngoài trái phép", theo Điều 349 Bộ Luật Hình sự", Thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An nhận định. Còn bên hành lang phiên họp Quốc hội, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, đoàn công tác của Bộ Công an đã sang đến Anh và sớm nhất là 3 giờ chiều nay (4-11), lực lượng được Bộ cử sang mới có báo cáo đầu tiên về cho Bộ trưởng.

Phát biểu tại hội trường phiên họp Quốc hội sáng 4-11, Thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu, Giám đốc Công an Nghệ An cho biết, liên quan đến vụ việc 39 thi thể trong xe container tại Anh, ngày hôm qua 3-11, cơ quan công an đã khởi tố, bắt tạm giam 8 đối tượng để điều tra, xử lý đường dây tội phạm có liên quan.

ĐBQH tranh luận về vụ 39 thi thể trong container đông lạnh ở Anh ảnh 1Thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An phát biểu tại Quốc hội sáng 4-11-2019.
Nhìn nhận đây là một thảm họa nhân đạo gây chấn động dư luận quốc tế thời gian vừa qua, ĐB Nguyễn Hữu Cầu bày tỏ chia buồn sâu sắc với các gia đình bị nạn.

“Vụ việc xảy ra tại Anh, nên xác định tội danh gì là do phía Anh kết luận. Tuy nhiên, theo luật pháp Việt Nam, hành vi này không phải “buôn người” mà là “tổ chức đưa người ra nước ngoài trái phép, theo Điều 349 Bộ Luật Hình sự. Hiện Bộ Công an đã chỉ đạo Công an Nghệ An đã tiến hành khởi tố vụ án và ngày hôm qua 3-11, chúng tôi đã bắt giữ 8 đối tượng liên quan đến đường dây này”, ĐB Nguyễn Hữu Cầu thông tin.

Ngay trước đó, cũng đề cập đến vụ việc này, ĐB Nguyễn Mạnh Cường, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho rằng, đây là vụ việc làm cả thế giới bàng hoàng. ĐB Nguyễn Mạnh Cường chia sẻ với gia đình các nạn nhân và căm phẫn trước hành vi của bọn tội phạm buôn bán người.

Theo ĐB Nguyễn Mạnh Cường, trong vụ việc đau xót này, các cơ quan hữu quan của Việt Nam đã kịp thời phối hợp với cơ quan liên quan của Anh để xử lý. Đặc biệt, cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án, bắt tạm giam một số đối tượng để điều tra đường dây đưa người đi nước ngoài lao động trái phép. Tuy nhiên, dành phần lớn thời gian phát biểu để nhìn nhận nguyên nhân, ĐB Nguyễn Mạnh Cường khẳng định có sự “hạn chế trong thực hiện vai trò, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước”.

“Trước hết, nó nói lên rằng công tác quản lý nhà nước trong một số vụ việc chưa theo kịp thực tiễn. Mỗi năm chúng ta đưa hơn 100.000 người đi lao động ở nước ngoài theo con đường chính thức, nhưng con số thực tế lớn hơn nhiều, điều này có nghĩa là số người đi lao động chui rất nhiều. Trong khi đó, tội phạm mua bán người rất phức tạp, câu kết với nhiều chủ thể, hoạt động đa quốc gia, chúng dụ dỗ, lôi kéo các gia đình khó khăn, có nhu cầu đi lao động nước ngoài, đưa họ vào những rủi ro, nguy hiểm không thể lường trước”, ĐB Nguyễn Mạnh Cường phân tích.

Hiện trạng này đã diễn ra từ lâu nhưng “công tác thông tin, tuyên truyền về pháp luật còn rất hạn chế. Trách nhiệm này trước hết về chính quyền địa phương. Việc quản lý nhân khẩu, hộ khẩu chưa chặt chẽ. Công tác đấu tranh chống loại tội phạm buôn bán người, đưa người đi lao động “chui” còn chưa hiệu quả”.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đề nghị Chính phủ chỉ đạo chính quyền địa phương làm tốt các công tác nêu trên, tổ chức thực hiện hiệu quả việc đưa người đi lao động ở nước ngoài đúng pháp luật.

ĐB Nguyễn Mạnh Cường bình luận: “Phòng ngừa phải là chính, đặc biệt là tuyên truyền, phổ biến pháp luật. Đồng thời đẩy mạnh công tác hợp tác quốc tế trong phòng, chống tội phạm mua bán người”.

Ngay trước đó, trả lời báo chí bên lề phiên họp sáng 4-11, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn xác nhận thông báo của cảnh sát hạt Essex, Anh cho rằng phía Anh tin rằng 39 nạn nhân trong container đều là người Việt Nam có sự thống nhất cao. Tuy nhiên, Đoàn công tác của Việt Nam tại Anh cần khớp thông tin, chính xác sẽ công bố.

Theo Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn, đoàn công tác của Việt Nam (gồm đoàn của Bộ Công an, đoàn của Bộ Ngoại giao) đã sang tới Anh, đang chờ làm việc với các cơ quan phía bạn để khớp thông tin về các nạn nhân. Trên cơ sở đó mới có thể trao đổi, khẳng định cụ thể về danh tính các nạn nhân.

Hiện tại, thông tin từ Tổng đài Bảo hộ công dân, Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao vẫn dừng ở con số 14 trường hợp các gia đình thông báo người thân mất liên lạc trên đường đi Anh.

“Tiến độ xác minh của phía Anh rất nhanh, các cơ quan phía bạn đã làm rất tích cực. Các cơ quan Việt Nam cũng phối hợp chặt chẽ. Việc nhanh chóng cử đoàn công tác sang Anh trong những ngày nghỉ cuối tuần là để sớm khớp thông tin xem để xác định danh tính các nạn nhân trong vụ việc”, Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định.

Trao đổi về việc thông báo của cảnh sát hạt Essex, Anh cho thấy phía bạn tin rằng 39 nạn nhân trong container đều là người Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn giải thích: “Thông tin trao đổi giữa 2 bên có sự thống nhất cao rồi. Chính vì thế nên Việt Nam mới nhanh chóng phải sang Anh để khớp lại thông tin. Tuy nhiên, cái khó trong việc xác định danh tính chính xác các nạn nhân là vì những người này đều không xuất phát từ Việt Nam, mà được cho là tới Anh từ một điểm xuất phát khác. Vậy nên phải tập hợp, đối soát thông tin từ nhiều hướng. Theo ông Sơn, có những trường hợp mà thông tin sinh trắc học chưa thể khẳng định thì phải đối chiếu, xem xét bằng ADN, mức độ phức tạp sẽ cao hơn.

Sớm nhất 3 giờ chiều nay, đoàn công tác sẽ báo cáo Bộ trưởng

Bên hành lang phiên họp Quốc hội sáng 4-11, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, ngày 3-11, đoàn công tác của Bộ Công an đã sang đến Anh. Trong ngày hôm nay, 4-11, cơ quan chức năng 2 bên sẽ làm việc với nhau.

ĐBQH tranh luận về vụ 39 thi thể trong container đông lạnh ở Anh ảnh 2Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trả lời phỏng vấn báo chí sáng 4-11-2019. Ảnh: VIẾT CHUNG 
Bộ trưởng Tô Lâm thông tin: “Bộ Công an chỉ đạo mấy công việc chính:

Nhanh chóng xác nhận danh tính. Thông tin là có nhiều người Việt Nam. Chúng tôi cũng mang theo rất nhiều tài liệu Bộ Công an đã xác minh liên quan tới các trường hợp gia đình báo mất tích để đối chiếu với bên Anh, để có kết luận sớm rồi cùng với bên Anh giải quyết. Đấy là việc ưu tiên nhất.

Tiếp theo, chúng tôi xác định nếu có người Việt Nam thì phải tập trung làm công tác bảo hộ công dân để giải quyết các hậu quả có thể xảy ra.

Đấu tranh phòng chống tội phạm, trước mắt phải ngăn chặn các loại tội phạm này. Bây giờ việc này là điều tra quốc tế rồi, phải điều tra, có kết luận sớm, vạch trần tội phạm, đưa những đối tượng tham gia việc này ra xét xử. Hiện nay Bộ Công an đã có chỉ đạo khởi tố một số vụ án và phát hiện, bắt giữ một số đối tượng có liên quan.

Thứ tư là phải ổn định được tình hình cuộc sống của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, trong đó có ở Anh. Trước tình hình này thì hiện nay cảnh sát một số nước có tiến hành truy quét (người nhập cư trái phép), chúng tôi có đề nghị Chính phủ các nước tạo điều kiện cho người Việt Nam ở nước ngoài ổn định cuộc sống, không gây xáo động.

Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị báo chí, kể cả trong nước và quốc tế, đưa tin vụ việc một cách chính xác, đặc biệt không được suy diễn. Trường hợp cần thiết, có thể phối hợp với Bộ Công an, cơ quan chức năng để xác minh, trao đổi cho thông tin rõ ràng. “Thông tin báo chí cung cấp là rất quan trọng, nhưng không đưa tin để làm phức tạp thêm tình hình trong nước và quốc tế”, ông nói.

Theo Bộ trưởng Tô Lâm, một số gia đình ở Nghệ An, Hà Tĩnh hiện đã nhận được thông báo của cảnh sát Anh và đang phối hợp với cảnh sát Anh để rà soát. “Một số gia đình không liên lạc được với con em mình đều cho rằng họ là nạn nhân trong vụ việc này, nhưng thực tế có nhiều gia đình đã phát hiện không phải. Vì lý do này, lý do kia bị mất liên lạc, nhưng thân nhân của họ vẫn đang ở trong nước, đang đi làm ăn chỗ này chỗ kia, ở nước này nước khác. Vấn đề di cư cũng phức tạp, hiện chúng tôi đang phối hợp với cảnh sát Anh, có thêm căn cứ, chứng cứ chính xác mới có thể kết luận. Tất cả những thông tin gia đình báo mới là suy đoán và chúng tôi cũng căn cứ vào đó để xác minh”, Bộ trưởng Tô Lâm nói.

Sớm nhất cũng phải 3 giờ chiều nay, lực lượng được Bộ Công an cử sang mới có báo cáo đầu tiên về cho Bộ trưởng.

Bộ trưởng cũng cho biết, Chính phủ đã bàn bạc, sau khi đã xác định được là người Việt Nam rồi sẽ phối hợp để đưa thi hài những người xấu số đó trở về nước theo đúng luật pháp của Việt Nam và Anh và thông lệ quốc tế.

Về việc gửi ADN của các nạn nhân sang Anh để xác minh, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, đoàn công tác của Bộ Công an có mang theo đầy đủ các tài liệu cần thiết. “Rất nhiều trường hợp mang theo để đối chứng. Có những trường hợp gia đình chủ động cung cấp thông tin, nhưng không phải thân nhân của họ nằm trong số 39 người đó. Chúng tôi mang đi cũng rất nhiều để đối chứng chính xác nhất”.

ANH PHƯƠNG/ SGGPO