
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu kết luận Hội nghị - Ảnh: VGP
Ngày 25/7, tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ những tháng cuối năm 2025 của ngành Nội vụ, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà đã đánh giá cao sự tham gia tích cực của lãnh đạo Sở Nội vụ các địa phương trong công tác sắp xếp đơn vị hành chính và triển khai mô hình chính quyền địa phương 2 cấp thời gian qua.
Bộ trưởng nhấn mạnh ngành Nội vụ tự hào vì được đóng góp vào cuộc cải cách tổ chức bộ máy mang tính cách mạng. Đây là niềm hạnh phúc, là vinh dự lớn không gì có thể so sánh được.
Về nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, Bộ trưởng yêu cầu toàn ngành vừa bảo đảm ổn định tổ chức bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp, vừa đẩy mạnh hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, phục vụ người dân tốt hơn.
Trong quá trình thực hiện, Bộ trưởng Bộ Nội vụ yêu cầu vừa làm, vừa điều chỉnh khẩn trương, trọng tâm, hiệu quả gắn với đổi mới quản trị địa phương và quản trị quốc gia trong vận hành chính quyền địa phương 2 cấp.
Nhiệm vụ hàng đầu được Bộ trưởng nêu bật là tiếp tục hoàn thiện đầy đủ, đồng bộ hệ thống thể chế, chính sách, các quy định pháp luật của Đảng, Nhà nước để phù hợp với mô hình mới. Riêng Bộ Nội vụ phải hoàn thành 16 nghị định có liên quan đến chính quyền địa phương, tổ chức bộ máy, công chức, viên chức, tiền lương, bảo hiểm xã hội…
Về quản lý biên chế, Bộ trưởng cho biết Bộ Nội vụ đang tham mưu xác định số lượng vị trí việc làm cho hệ thống chính trị, chính quyền cấp xã giai đoạn 2026 - 2030, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quy mô dân số, diện tích, đặc thù địa phương và yêu cầu phân cấp, phân quyền.
Đối với việc xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là công chức cấp xã đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới, theo Bộ trưởng, đây là nhiệm vụ trọng tâm. Trước mắt, cần tạm thời tăng cường cán bộ, công chức, viên chức đặc biệt là cán bộ có chuyên môn sâu cho cấp xã.
"Đánh giá cán bộ công chức cấp xã công khai, dân chủ, chính xác để kịp thời cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ, gắn với chính sách hiện hành. Đặc biệt, cần giữ chân những người có năng lực", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Thời gian tới, Bộ Nội vụ sẽ tham mưu cho Chính phủ ban hành nghị định quy định việc áp dụng KPI để đánh giá cán bộ, công chức. Các tiêu chí đánh giá sẽ được xây dựng từ thực tiễn, phù hợp với đặc thù của địa phương.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng đề nghị các địa phương chú trọng đến tư tưởng, đời sống, nơi ở của cán bộ khi chuyển về trung tâm hành chính mới, đồng thời đẩy mạnh tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức.
Về phân cấp, phân quyền, Bộ trưởng khuyến khích các địa phương đủ năng lực thì mạnh dạn đề xuất để được phân cấp, phân quyền, nhưng trước hết cần thực hiện tốt những nội dung đã được giao.
Bộ trưởng cũng lưu ý việc tham mưu giải quyết hiệu quả những vấn đề phát sinh sau sắp xếp tổ chức bộ máy và đơn vị hành chính, trong đó có tài sản công, nhà ở công vụ và trụ sở cấp xã.
Riêng về nhà công vụ và trụ sở của hệ thống chính trị cấp xã, Chính phủ đã có kế hoạch cụ thể quan tâm, ưu tiên đầu tư nguồn lực để bảo đảm trụ sở cấp xã đáp ứng được yêu cầu vận hành, đồng thời đề nghị các địa phương quan tâm đến nhà công vụ và giải quyết chế độ chính sách cho công chức, viên chức chịu sự tác động trực tiếp sắp xếp tổ chức bộ máy một cách kịp thời, đúng đối tượng.
Một nhiệm vụ được Bộ trưởng đặc biệt nhấn mạnh là nâng cao hiệu quả hoạt động của Trung tâm phục vụ hành chính công cấp xã. Đây là nơi thể hiện rõ nét nhất tinh thần phục vụ và gần dân. Vì vậy, cần bố trí những cán bộ, công chức có năng lực, tâm huyết, trách nhiệm để đảm đương nhiệm vụ. Hiện nay, Bộ Nội vụ đang nghiên cứu, đề xuất chính sách hỗ trợ phù hợp cho nhóm này.
Thu Giang