Đảm bảo an toàn cho tàu cá khi rời cảng

31/12/2024 20:30

(Chinhphu.vn) - Bộ NN&PTNT vừa có Văn bản số 9979/BNN-TS gửi UBND các tỉnh, thành phố ven biển về việc tăng cường công tác quản lý tàu cá, đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động thủy sản. Theo đó, các địa phương cần kiểm soát chặt chẽ việc đăng ký thuyền viên tàu cá, việc thay đổi thuyền viên, người lao động trên các tàu cá theo chuyến biển.

Đảm bảo an toàn cho tàu cá khi rời cảng- Ảnh 1.

Các địa phương cần định kỳ tổ chức diễn tập các phương án ứng phó sự cố tàu cá trong khu vực cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão.

Văn bản nêu rõ, thời gian qua, các cơ quan có liên quan của Trung ương và địa phương đã quan tâm, tích cực triển khai thực hiện công tác quản lý tàu cá, đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động thủy sản. Hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước và công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về quản lý tàu cá trên cả nước đã được tăng cường, góp phần làm giảm đáng kể số vụ tai nạn tàu cá so với trước đây.

Tuy nhiên, hiện nay công tác bảo đảm an toàn cho người và tàu cá hoạt động thủy sản đang tiếp tục đối mặt với một số khó khăn, thách thức như: Các hình thái thời tiết cực đoan trên biển đang ngày càng phức tạp, khó lường do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu; tình hình Biển Đông ngày càng có nhiều diễn biến phức tạp; công tác quản lý đăng ký, đăng kiểm tàu cá và kiểm soát tàu cá hoạt động trên biển vẫn còn một số bất cập, hạn chế.

Để tăng cường công tác quản lý tàu cá, đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động thủy sản, Bộ NN-PTNT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố ven biển chỉ đạo các cơ quan chức năng tại địa phương khẩn trương thực hiện một số nội dung, cụ thể:

Tăng cường kiểm tra các tàu cá khi rời cảng đi hoạt động trên biển, đảm bảo các tàu cá phải được đăng kiểm, phải có đầy đủ trang thiết bị an toàn cho thuyền viên, người lao động trên tàu cá; trang bị đầy đủ thiết bị phòng chống cháy nổ. Kiên quyết không cho tàu cá rời cảng nếu không trang bị đủ điều kiện an toàn theo các quy định của pháp luật.

Kiểm soát chặt chẽ việc đăng ký thuyền viên tàu cá, việc thay đổi thuyền viên, người lao động trên các tàu cá theo chuyến biển. Các thuyền viên, người lao động phải đảm bảo các quy định về chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định của pháp luật; không sử dụng lao động trẻ em trên các tàu cá. Yêu cầu các chủ tàu cá mua bảo hiểm tai nạn và các loại bảo hiểm bắt buộc khác cho thuyền viên và người làm việc trên tàu cá theo quy định.

Tuyên truyền, hướng dẫn ngư dân cách phòng tránh tai nạn, rủi ro trên biển; hướng dẫn ngư dân tổ chức khai thác hải sản theo tổ, đội để kịp thời hỗ trợ nhau khi gặp rủi ro, tai nạn, sự cố trên biển.

Tổ chức trực ban 24/7 vận hành Hệ thống giám sát hành trình tàu cá để theo dõi, giám sát tàu cá hoạt động trên biển, kịp thời cung cấp thông tin và cảnh báo cho tàu cá về tình hình thời tiết trên biển; hướng dẫn ngư dân tránh trú bão đảm bảo an toàn và kết nối với các cơ quan chức năng có liên quan để kịp thời hỗ trợ ngư dân khi cần thiết.

Định kỳ tổ chức diễn tập các phương án ứng phó sự cố tàu cá trong khu vực cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá và phương án tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ tàu cá/thuyền viên trên biển để nâng cao năng lực phòng ngừa, ứng phó và xử lý tình huống khi có áp thấp nhiệt đới, bão, thiên tai, sự cố, tai nạn trong hoạt động khai thác thủy sản, tạo điều kiện, môi trường thuận lợi, an toàn giúp ngư dân an tâm sản xuất hiệu quả.

Khi xảy ra tai nạn báo cáo về Bộ NN&PTNT (qua Cục Thủy sản) các thông tin về tàu cá bị tai nạn, nguyên nhân tai nạn và biện pháp khắc phục.

Đỗ Hương

Tham khảo thêm
Tham khảo thêm
Cần xử lý nghiêm các trường hợp tàu cá cố tình vi phạm IUUCần xử lý nghiêm các trường hợp tàu cá cố tình vi phạm IUU