Đại học không đủ chỉ tiêu: Thí sinh trúng tuyển đi đâu?

23/08/2016 14:28

(thoibaongaynay.vn) - Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, 396.496 thí sinh đăng ký nguyện vọng 1. Tuy nhiên, phần lớn các trường đều chưa tuyển đủ chỉ tiêu. Bộ GD&ĐT lý giải, do tỷ lệ "thí sinh ảo".

(thoibaongaynay.vn) - Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, 396.496 thí sinh đăng ký nguyện vọng 1. Tuy nhiên, phần lớn các trường đều chưa tuyển đủ chỉ tiêu. Bộ GD&ĐT lý giải, do tỷ lệ "thí sinh ảo".

Kết thúc đợt xét tuyển nguyện vọng 1, nhiều trường đại học top đầu thiếu chỉ tiêu phải xét nguyện vọng bổ sung. ĐH Y Hà Nội lần đầu tiên trong lịch sử tuyển thiếu chỉ tiêu. Trường thông báo xét tuyển bổ sung 206 chỉ tiêu thuộc 7 ngành đào tạo. ĐH Y Dược TP HCM xét tuyển bổ sung 402 chỉ tiêu vào 12 ngành.

Các trường đại học trong nhóm GX, kể cả ĐH Bách khoa Hà Nội, cũng tuyển sinh chưa đủ. Nhiều người đặt câu hỏi: Vậy thí sinh đi đâu? Bà Nguyễn Thị Kim Phụng – Vụ trưởng Vụ đại học, Bộ GD&ĐT chia sẻ về vấn đề này.

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, có 396.496 thí sinh đăng ký vào 602.747 lượt trường. Như vậy, 75% thí sinh đồng thời đăng ký hai trường cùng lúc, chứng tỏ tỷ lệ "ảo" cao. Bộ GD&ĐT có thể lý giải nguyên nhân và đã có giải pháp gì hỗ trợ các trường?

Ngay khi sửa Quy chế tuyển sinh 2016, việc lựa chọn đưa vào Quy chế phương án cho thí sinh đăng ký đồng thời hai trường ngay trong đợt I để tăng cơ hội trúng tuyển, vấn đề “thí sinh ảo” đã được nhìn nhận là khó khăn các trường phải xử lý.

 
Đại học không đủ chỉ tiêu: Thí sinh trúng tuyển đi đâu?

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng. Ảnh: Bộ GD&ĐT.

Những năm gần đây, số lượng thí sinh đăng ký thi, xét tuyển vào đại học tương đối ổn định, trong khi chỉ tiêu tuyển sinh của các trường ngày càng tăng làm nguồn tuyển giảm đi.

Mặt khác, việc phân luồng sau trung học phổ thông cũng đạt được những kết quả nhất định. Thông tin về thị trường lao động, thất nghiệp và việc làm đầy đủ hơn, là những kênh tham khảo hữu ích cho người học.

Nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp vẫn ở mức hạn chế, thông tin về thị trường lao động gần đây cũng đã tác động đến quyết định nhập học đại học của một số thí sinh.

Để hỗ trợ cho các trường xử lý vấn đề thí sinh ảo, Quy chế tuyển sinh năm nay cũng không quy định điểm trúng tuyển đợt sau phải bằng hoặc cao hơn đợt trước. Mẫu Phiếu đăng ký tuyển sinh 2016 đã được thiết kế mục “Có đăng ký xét tuyển trường khác” không và “Tên trường đăng ký xét tuyển” để các trường đều có thêm thông tin phân tích, lọc "ảo" và có cơ hội tuyển thêm nếu chưa tuyển hết chỉ tiêu...

Trước khi tuyển sinh, Bộ GD&ĐT cũng tổ chức họp với một số trường để bàn những biện pháp chống "ảo" như lập nhóm xét tuyển. Trong các cuộc họp, hầu hết đại diện các trường chấp nhận khó khăn để thí sinh được thuận lợi hơn khi đăng ký xét tuyển.

Chúng tôi rất hiểu và chia sẻ khó khăn với các trường trong việc tính toán tỷ lệ “thí sinh ảo” để xác định điểm trúng tuyển và danh sách trúng tuyển… Đúng là rất khó để giải quyết đồng thời mục tiêu tuyển đủ chỉ tiêu và không được tuyển vượt để thực hiện đúng Quy chế, đảm bảo chất lượng đào tạo.

Việc khó nhưng không phải không trường nào làm được. Một số trường như ĐH Luật TP HCM, ĐH Sư phạm kỹ thuật TP HCM, ĐH Luật Hà Nội, ĐH Ngoại thương (cơ sở Hà Nội), ĐH Y tế Công cộng… đã nhận đủ thí sinh đăng ký nhập học.

Có ý kiến băn khoăn về việc đủ nguồn tuyển cho các trường không? Nếu Bộ GD&ĐT vẫn khẳng định là đủ thì thí sinh đi đâu?

Hội đồng xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đã phân tích kỹ và quyết định ở mức 15 điểm để đảm bảo chất lượng đào tạo. Với mức này, số thí sinh đạt ngưỡng điểm xét tuyển đại học là 404.282, trong khi tổng tiêu là 317.639, hệ số dư là 1,27.

Năm nay, toàn bộ cơ sở dữ liệu điểm thi THPT quốc gia của 120 cụm thi (bao gồm 70 cụm thi đại học do các trường đại học chủ trì và 50 cụm thi tốt nghiệp do sở GD&ĐT và Cục Nhà trường chủ trì) đều được các cụm thi công khai nên tất cả các số liệu trên đều có thể kiểm tra được, không thể nghi ngờ về nguồn tuyển sinh.

Vấn đề không tuyển đủ chỉ tiêu do “thí sinh ảo” và một số nguyên nhân khác đã được đề cập, phân tích ở trên và có thể vẫn cần tiếp tục nghiên cứu để có những giải pháp phù hợp.

Để xử lý căn bản vấn đề thí sinh ảo, các trường phải có những biện pháp gì, thưa bà?

Các trường cần xác định rõ nâng cao chất lượng đào tạo là mục tiêu phấn đấu liên tục. Để nâng cao chất lượng thì phải hạn chế tối đa việc tăng quy mô. Hiện nay, chỉ tiêu do các trường tự xác định thực chất là năng lực đào tạo tối đa được phép tuyển.

Trong đó, nhiều trường chỉ tập trung năng lực cho công tác đào tạo, chưa bố trí nhân lực cần thiết cho công tác khoa học, công nghệ để phát triển trường theo hướng chất lượng bền vững. Chất lượng đào tạo của nhiều trường còn thấp so với yêu cầu của xã hội nên người học chưa mặn mà.

Việc xác định chỉ tiêu cũng chưa dựa vào thực tế nhu cầu học của xã hội, chưa dựa trên cơ sở phân tích, đánh giá nhu cầu sử dụng của thị trường lao động đối với ngành nghề đào tạo…, mà chủ yếu dựa vào năng lực đào tạo tối đa của mình và kinh nghiệm tuyển sinh của năm trước nên so với thực tế, số “ảo” có thể nằm ngay trong số chỉ tiêu được xác định.

Việc tư vấn tuyển sinh cũng chủ yếu dựa vào chỉ tiêu và Quy chế tuyển sinh, chưa chú trọng tư vấn nghề nghiệp, tư vấn để lựa chọn trường, ngành có chất lượng đào tạo thực tế đáp ứng nhu cầu sử dụng của xã hội…

Theo Zing