Cụ thể, Đà Nẵng có 132 dự án FDI cấp mới với tổng vốn đầu tư đăng ký 438 triệu USD. Dù giảm về số dự án so với cùng kỳ song tổng vốn đầu tư đăng ký tăng mạnh 51% so với cùng kỳ năm 2018.
Bên cạnh đó có 16 dự án tăng vốn với tổng vốn tăng thêm đạt hơn 117 triệu USD và 210 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần, phần vốn góp trong tổ chức kinh tế với tổng vốn hơn 135 triệu USD.
Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội năm 2019 tiếp tục tăng chậm và đang dần có xu hướng bão hòa, một số dự án có tổng mức đầu tư lớn triển khai từ những năm trước đang trong giai đoạn hoàn thiện nên giá trị đầu tư thực hiện trong năm giảm dần.
Tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội năm 2019 ước đạt 39.712 tỷ đồng tăng 2,84% so với năm 2018. Trong đó vốn nhà nước đạt 8.570 tỷ đồng, (riêng vốn ngân sách nhà nước đạt 4.893 tỷ đồng); vốn ngoài nhà nước đạt 25.608 tỷ đồng, chiếm 64,48% trên tổng vốn; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 5.534 tỷ đồng chiếm 13,94%.
Khu vực ngoài nhà nước là khu vực chiếm tỷ trọng cao nhất trên tổng vốn đầu tư toàn xã hội nhưng lại có xu hướng giảm so với cùng kỳ.
Theo Cục thống kê TP Đà Nẵng, một trong những nguyên nhân có sự sụt giảm ở khu vực này so với cùng kỳ là do một số dự án có tổng mức đầu tư lớn đã và sắp hoàn thành đưa vào sử dụng, một số dự án vướng thủ tục pháp lý phải dán đoạn thi công.
Vốn đầu tư tại khu vực này được tập trung nhiều ở các dự án vui chơi, giải trí; khách sạn-nhà hàng...như dự án khu đô thị sinh thái Golden Hills, dự án khu đô thị Quốc tế Đa phước, dự án tổ hợp Ánh Dương -Wyndham Solei, khu phức hợp Đà nẵng time Square, tổ hợp căn hộ khách sạn Condo1 và condo 2, Tổ hợp Marriott,…
Khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài trong năm 2019 đạt mức tăng 35,64%. Góp phần lớn là các dự án đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp, khách sạn-nhà hàng, căn hộ cho thuê hiện đang triển khai như: dự án xây dựng nhà máy sản xuất linh kiện hàng không, dự án MIKazuki spa and Hotel resort, dự án căn hộ tháp vườn...góp phần đẩy tốc độ đầu tư tại khu vực này tăng xấp xỉ 1,4 lần so với cùng kỳ năm 2018.
Diệu Trang/ HNMO