Quyền năng của tiện ích
Có vẻ như nguyên tắc “vị trí đắc địa phải là vàng” trong lựa chọn căn hộ đã trở nên lỗi thời. “Mốt” trong đầu tư bất động sản hiện nay phải là hệ sinh thái tiện ích.
Nhìn lại thị trường trong khoảng 3 năm trở lại đây, một dự án không đơn thuần chỉ quảng cáo, giới thiệu về chất lượng công trình, về chủ đầu tư uy tín, về tiến độ thi công hay vị trí, mà hiện tại, tiện ích đã trở thành từ khoá chính trong marketing. Ngay cả với những dự án không có vị trí địa lý tốt, nằm ở vùng sâu vùng xa so với trung tâm thì cũng buộc phải hấp dẫn, toả sáng nhờ… tiện ích hiện đại.
Trong chiến lược quảng cáo của mình, các đại gia địa ốc liên tục xoáy sâu vào thông tin quảng cáo hệ thống tiện ích. Đó là khi những cư dân tương lai chẳng cần phải đi đâu xa, chỉ một bước chân là chạm tới tất cả tiện ích. Đó là khi chỉ cần một nút bấm thang máy, cư dân được tiếp cận với trung tâm ngoại ngữ tốt nhất, với hệ thống trung tâm mua sắm tốt, với bệnh viện, phòng khám, dịch vụ làm đẹp, chăm sóc sức khoẻ.
Cư dân sẽ chẳng phải đi đâu xa khi mọi tiện ích ở ngay ngưỡng cửa.
Tiện ích không chỉ dừng lại ở dịch vụ sức khoẻ - học tập - giải trí mà còn mở rộng ra với không gian sống xanh. Theo đó, tiện ích cảnh quan phải là các không gian đáp ứng nhu cầu đa thế hệ, sở hữu điểm check in độc - lạ…
Cũng trong chiến lược quảng cáo đó, các đại gia địa ốc nhấn mạnh về dự án của mình với hàng loạt thông tin mỹ miều: "Hệ thống tiện ích là yếu tố hàng đầu góp phần định vị giá trị của dự án bất động sản"; "Giá trị dự án gia tăng tương ứng với chất lượng và đẳng cấp mà hệ thống tiện ích mang lại"; "Tiện ích càng cao cấp, chuyên biệt, giá trị dự án càng được nâng cao"...
Với quyền năng mà tiện ích mang lại, các chủ đầu tư bất động sản vừa mạnh tay đầu tư, phát triển hàng loạt tiện ích mới lạ, độc đáo; vừa quảng cáo rầm rộ ngay cả khi dự án mới chỉ nằm trên giấy.
Khi mộng đẹp tan vỡ
Theo các chuyên gia, cuộc chạy đua quảng cáo tiện ích của các đại gia bất động sản xuất phát từ chính nhu cầu ở ngày càng khắt khe của người dân. Thực tế, khái niệm nhà ở không đơn thuần chỉ dừng lại trong bốn bức tường mà nay nhà ở phải là nơi có không gian sống xanh rộng rãi cùng hàng loạt dịch vụ tiện ích xung quanh.
Rõ ràng, cuộc chạy đua kiến tạo hệ sinh thái tiện ích đã mang đến cho khách hàng những sự lựa chọn mới, đa dạng và phong phú hơn. Một số dự án còn khiến khách hàng bất ngờ vì khoản tiền họ bỏ ra là xứng đáng, được nhận lại một cuộc sống đích thực như mong muốn.
Theo thống kê của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, những dự án đa tiện ích được đầu tư đầy đủ hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ và phát triển bởi các chủ đầu tư uy tín có tỷ lệ hấp thụ khá cao, đạt tới 70 - 80%.
Không phủ nhận sức mạnh quyền năng của hệ thống tiện ích, nhưng trên thực tế, nhiều khách hàng đã rơi vào thế khó khi đặt niềm tin nhầm vào "chiếc bánh vẽ" mà chủ đầu tư đưa ra. Chính bởi cam kết và quảng cáo hệ thống tiện ích quá đà mà những cuộc tranh chấp giữa chủ đầu tư và khách hàng đang ngày một gia tăng.
Trong làn sóng phát triển mới, nhiều quảng cáo về tiện ích của chủ đầu tư chỉ là... miếng bánh vẽ.
Điển hình như câu chuyện tại chung cư Smlile Trung Yên Building, đã nhiều năm trôi qua, cư dân nơi đây vẫn miệt mài đấu tranh để “hiện thực hoá” bức tranh tiện ích mà chủ đầu tư vẽ ra.
Hay như chung cư Gemek Tower, dự án được quảng cáo sở hữu nhiều hệ thống tiện ích hiện đại, từ tầng 1 đến tầng 5 là khu trung tâm thương mại dịch vụ với các tiện ích: Ngân hàng, y tế, siêu thị, cafe, phòng tập gym, khu spa nghỉ dưỡng và khu vui chơi trẻ em,… Nhưng sau gần 5 năm bàn giao, các tiện ích vẫn như nước nhỏ giọt.
Cư dân Hồ Gươm Plaza cũng rơi vào tình cảnh “mắc bẫy” vì những tiện ích được vẽ ra. Trước đó, chủ đầu tư cam kết đây là dự án cao cấp, đẳng cấp với đầy đủ tiện ích nhưng một thời gian khá dài sau khi nhận bàn giao căn hộ, cuộc sống đẳng cấp đã trở thành... sống tạm. Theo phản ánh của cư dân, ở thời điểm nhận nhà, cáp tivi không có, nhiều hạng mục vẫn bôi trát, cắt xẻ, thang máy không đầy đủ. Hơn 1 năm sau khi bàn giao, dự án vẫn chưa hoàn thiện những hạng mục trên, tiện ích thiết yếu được quảng cáo như hồ bơi, phòng tập gym, sân chơi, vườn hoa cũng chưa thấy đâu.
Tại một chung cư khác thuộc quận Thanh Xuân (TP. Hà Nội), cư dân rơi vào tình trạng khóc dở vì thực tế chất lượng căn hộ nhận được khác xa so với quảng cáo. Khi mở bán, dự án được tô vẽ với hàng loạt tiện ích lung linh. Nhưng đến khi cư dân về ở, chủ đầu tư đã bỏ mặc họ với những tiện ích chỉ có trên giấy.
Nhiều chung cư được quảng cáo cao cấp cùng với tiện ích vượt trội, tiêu chuẩn 5 sao nhưng thực tế, đến tiện ích cơ bản có lẽ còn không đủ điều kiện để chấm điểm thang bậc chất lượng.
Quảng cáo luôn là vô cùng, là nơi để chủ đầu tư, đơn vị tư vấn thỏa sức sáng tạo, nhưng thực tế ra sao lại là câu trả lời khó đoán. Dù các tiêu chuẩn về nhà ở, không gian sống đang dần phát triển, thay đổi nhờ sự "chịu chi" của một số chủ đầu tư nhưng rõ ràng, khách hàng cũng cần tỉnh táo và là người tiêu dùng thông thái khi xuống tiền mua căn hộ. Bởi khi hệ thống tiện ích chỉ là chiếc bánh vẽ thì những cuộc đấu tranh đòi quyền lợi, hiện thực hoá “giấc mơ sống mới” mà chủ đầu tư vẽ ra sẽ khó nhận được kết quả như mong đợi.