Con đường đưa sách giáo khoa từ thế giới thực sang thế giới số
20/11/2024 13:30
Với sự phát triển của công nghệ, cuộc dịch chuyển lớn nhất trong lịch sử loài người đang diễn ra một cách nhanh chóng. Đó là sự dịch chuyển từ thế giới thực sang thế giới số. Trong nhiều lĩnh vực, giáo dục – với đặc tính thiết yếu của nó – cũng đã được đặt vào đường đua của chuyển đổi số với cả những cơ hội và thách thức, trong đó việc đưa lên nền tảng số sách giáo khoa, học liệu giáo dục chắc chắn phải là điều cần được tính đến.
Trong cuộc trò chuyện với Người Đưa Tin, ông Phạm Vĩnh Thái - Tổng Biên tập, Thành viên Hội đồng thành viên Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (NXBGDVN) nhắc nhiều tới sự tất yếu của chuyển đổi số, những cơ hội và lợi ích mà nó mang lại và cả những thách thức để biến "định hướng, xu hướng" thành thực tiễn.
Nhu cầu tự thân, tất yếu
Người Đưa Tin (NĐT): Thưa ông, chuyển đổi số đang là xu hướng tất yếu của đời sống kinh tế - xã hội, trong đó có ngành giáo dục. Với NXBGDVN – đơn vị chủ lực trong việc xuất bản, cung ứng, biên soạn sách giáo khoa, ấn phẩm giáo dục cho học sinh và giáo viên trên toàn quốc, quá trình chuyển đổi số đang được vận dụng như thế nào? Đâu là những kết quả bước đầu đã được ghi nhận?
Ông Phạm Vĩnh Thái: NXBGDVN là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, có nhiệm vụ tổ chức biên soạn, biên tập, in, phát hành sách giáo khoa (SGK) và các sản phẩm giáo dục phục vụ nghiên cứu, giảng dạy, học tập của các bậc học. Việc biên soạn, cung ứng SGK phục vụ giáo dục phổ thông vừa là nhiệm vụ chính trị vừa là mảng hoạt động sản xuất, kinh doanh chủ yếu của chúng tôi.
Trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số, thị trường sách điện tử, học liệu điện tử ngày càng phát triển, kéo theo sự suy giảm nhu cầu sử dụng của các loại sách giáo dục truyền thống, in trên giấy.
Do vậy, việc triển khai chuyển đổi số không chỉ là nhiệm vụ được thực hiện theo chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo mà còn là nhu cầu tự thân, tất yếu đối với NXBGDVN.
Dù tiện lợi, nhưng trong hoạt động xuất bản nói chung, xuất bản sách giáo khoa nói riêng, vẫn còn nhiều công đoạn mà công nghệ chưa thể thay thế. Ví dụ như việc tổ chức biên tập nội dung, biên tập minh họa, thiết kế, chỉnh sửa và hoàn thiện bản thảo với đòi hỏi rất cao về chất lượng chuyên môn thì nhất thiết vẫn phải có sự tham gia của đội ngũ biên tập viên "người thật, việc thật". Đặc biệt là các phần việc yêu cầu đến tính sáng tạo, sự linh hoạt và "cái hồn" của người viết.
Như vậy, có thể thấy, công nghệ sẽ là công cụ đắc lực để hỗ trợ con người trong quản lý và triển khai hoạt động xuất bản. Nếu biết tận dụng, đây chắc chắn sẽ trở thành lợi thế của các đơn vị xuất bản.
SGK trên không gian số
NĐT: Thưa ông, với sự phát triển của công nghệ, môi trường số đang ngày trở nên phổ biến, bao gồm cả không gian số của giáo dục. Hiện nay, việc đưa sách giáo khoa lên không gian số đang được định hướng và triển khai như thế nào?
Ông Phạm Vĩnh Thái: NXBGDVN đã đưa SGK, học liệu điện tử kèm theo SGK và các tài liệu hỗ trợ triển khai dạy, học trên website phục vụ miễn phí giáo viên, học sinh, các cơ sở giáo dục triển khai dạy học theo Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018.
Trong thời gian tới, bên cạnh việc tiếp tục cung cấp SGK điện tử, phát triển học liệu điện tử trên Internet, NXBGDVN sẽ tăng cường số hóa, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để hỗ trợ người dùng khai thác SGK tốt hơn, hiệu quả hơn; từng bước giảm sản lượng sách in giấy, tăng cường sử dụng sách điện tử trên mạng.
Ở bức tranh chung, việc phát triển sách giáo khoa điện tử chắc chắn sẽ là một xu hướng tất yếu, nhưng các sách giáo khoa điện tử, học liệu giáo dục cần phải được phát triển dưới dạng multimedia (đa phương truyền) để đáp ứng mọi nhu cầu học tập, mọi điều kiện học tập, mọi hứng thú và sở thích khác nhau từ người dùng, chứ không chỉ đơn thuần là việc số hóa sách giáo khoa đưa lên nền tảng.
Bên cạnh đó, trên môi trường mạng, nhiều học liệu điện tử đang mang tính tự phát, thả nổi, chưa tạo cảm giác tin tưởng với phụ huynh, học sinh. Do đó, tôi cho rằng cần thêm nhiều hơn những website có tính chất chính thống như Hành trang số của NXBGDVN.
Phát triển sách giáo khoa điện tử sẽ là một xu hướng mới và cần thiết để đổi mới ngành giáo dục Việt Nam.
Bên cạnh đó, về bảo mật và bảo vệ bản quyền, các thông tin số hoá có thể dễ dàng sao chép, chia sẻ dẫn đến nguy cơ rò rỉ thông tin, số liệu về hoạt động, chiến lược sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, sách, học liệu điện tử có thể dễ dàng bị sao chép, phát tán, vi phạm bản quyền làm ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh. Đặc biệt, xử lý hành vi xâm phạm về quyền tác giả, quyền liên quan còn hạn chế, chưa đủ sức răn đe, ngăn ngừa.
Và cuối cùng, về yếu tố công nghệ, việc phát triển học liệu số, sách giáo khoa điện tử tại Việt Nam gặp nhiều khó khăn một phần do sự phân tán giữa các đơn vị có bản quyền và đơn vị có công nghệ. Những đơn vị sở hữu bản quyền thường không có công nghệ để phát triển sách điện tử, trong khi các đơn vị có công nghệ lại không có bản quyền. Do đó, chắc chắn để xu hướng này trở thành hiện thức, nhất thiết phải có sự "bắt tay" hợp tác giữa các bên.
NĐT: Trong thời gian tới, NXB Giáo dục Việt Nam có những định hướng lớn nào trong việc tăng cường chuyển đổi số?
Ông Phạm Vĩnh Thái: NXBGDVN xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm và quyết tâm triển khai thực hiện thành công trong thời gian tới. Chuyển đổi số sẽ được triển khai trong hoạt động quản lí điều hành, hoạt động xuất bản và đặc biệt là phát triển mạnh sách điện tử, học liệu điện tử, ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo phục vụ người sử dụng, trong đó học sinh, giáo viên, phụ huynh học sinh là những người được được thụ hưởng nhiều nhất.
NXBGDVN hướng tới kết quả chuyển đổi số là toàn bộ các hoạt động quản lý, điều hành và quy trình xuất bản, phát hành, cung cấp sản phẩm tới người sử dụng sách là hoàn toàn trên môi trường số.
Để đáp ứng được định hướng trên, chúng tôi xác định cần phải nâng cao nhận thức và năng lực ứng dụng công nghệ thông tin cho cán bộ, nhân viên, người lao động.
Bên cạnh đó, tìm kiếm cơ hội và tăng cường hợp tác với đơn vị cung cấp dịch vụ công nghệ trên nền tảng dùng chung cho xuất bản và phát hành điện tử.
Lần thứ 10 được tổ chức tại Tp.Hải Phòng, Ngày hội khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam sẽ giới thiệu, truyền cảm hứng và tôn vinh thành tựu nổi bật của hoạt động khởi nghiệp sáng tạo trong doanh nghiệp và toàn xã hội.
Tình trạng hàng nghìn căn nhà tái định cư bị bỏ hoang, không có người ở trong nhiều năm tại tại Hà Nội và TP.HCM - nơi có nhu cầu nhà ở rất lớn trong khi nguồn cung thiếu hụt nghiêm trọng, tạo ra nghịch lý rất lãng phí. Làm thế nào để giải quyết tình trạng nhà tái định cư “vô chủ” đã và đang là bài toán khó.
Phó thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký quyết định cho Viglacera làm nhà đầu tư khu công nghiệp Trấn Yên (giai đoạn I), tỉnh Yên Bái với quy mô 254 ha, vốn đầu tư khoảng 2.184 tỷ đồng.
Mới đây, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Trọng Đông vừa ký Văn bản số 3845/UBND-KTTH về việc xác định nghĩa vụ tài chính thuế thu nhập cá nhân và các khoản thu từ đất theo quy định của Luật Đất đai 2024 trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Theo chuyên gia, giá chung cư liên tục tăng thời gian qua do yếu tố tâm lý thị trường. Thời điểm giá chung cư tăng chưa nhiều, người dân có xu hướng chờ giảm giá. Nhưng khi thấy giá tăng khoảng 10-20% thì tất cả mọi người đều đổ vào mua vì sợ giá sẽ tiếp tục tăng nữa.
Việc đưa được các mặt hàng trái cây Việt Nam lên các sàn thương mại điện tử của Trung Quốc sẽ đẩy kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này tăng trưởng mạnh hơn.