Cờ vua là môn thể thao... kỳ thị sắc tộc nhất?

31/07/2020 10:59

Cái chết của George Floyd - một người Mỹ gốc Phi - đã khơi dậy phong trào chống kỳ thị sắc tộc, không chỉ ở Mỹ, và lan tỏa đến các môn thể thao.

Nếu điểm danh các môn thể thao có dấu hiệu kỳ thị sắc tộc nhất, cờ vua mà xếp thứ 2 thì e rằng chẳng có môn nào đứng ở số 1.

Đây không chỉ là môn thể thao mang tầm quốc tế với hai phe mang màu đen và trắng, mà còn đang có một quy định cụ thể: Cờ trắng luôn đi trước, thay vì mỗi bên có 50% cơ hội!

Kiện tướng Anh Johann Löwenthal đề xuất Trắng khai cuộc.

Cơ sở để cho rằng cờ vua đang là môn thể thao kỳ thị sắc tộc nhất còn ở chỗ: Thuở ban đầu, không có quy tắc nào cho phép quân Trắng đặc quyền đi trước.

Kiện tướng Anh Johann Löwenthal chính là người đề xuất cho Trắng đi trước qua 2 lá thư gửi thư ký Frederick Perrin của CLB cờ New York năm 1857 nhân dịp nơi đây tổ chức Đại hội cờ vua Mỹ lần thứ nhất.

Đề nghị này được đưa vào trang 84 của nội dung Đại hội, nhưng không được chấp nhận ngay. Mãi đến Đại hội cờ vua Mỹ lần thứ 5 năm 1880, ở trang 164 của Bộ luật cờ vua mới khẳng định: "Quyền đi nước đầu tiên phải được xác nhận bằng bốc thăm. Kỳ thủ (khai cuộc) phải luôn dùng quân Trắng."

Trong cuốn sách in năm 1889 mang tên "Hướng dẫn chơi cờ vua hiện đại", nhà VĐTG đầu tiên Wilhelm Steinitz cũng cho biết ở trang 12: "Các kỳ thủ thường bốc thăm để chọn màu quân cơ và quyền đi tiên. Nhưng ở mọi trận đấu cũng như giải cờ mang tính quốc tế hoặc công khai, luật quy định kỳ thủ đi trước phải cầm quân Trắng."

Nhà VĐTG đầu tiên Wilhelm Steinitz.

Đến đây, câu hỏi đặt ra là quyết định người đi trước phải cầm quân Trắng có bắt nguồn từ phân biệt chủng tộc?

Không ai khẳng định được điều đó. Nhưng trong trang 10 của Đại hội cờ vua Mỹ lần thứ 6, vua cờ Steinitz từng ca ngợi những đức tính của cờ vua như là một trong những trò tiêu khiển trí tuệ của các quốc gia văn minh.

Vào lúc đó, các nước châu Âu không xem châu Phi là nơi văn minh. Bằng chứng là trước đó 5 năm, tại Hội nghị Berlin năm 1884, các nước châu Âu đã lên kế hoạch quản lý các thuộc địa nhằm mang "phước lành của nền văn minh đến cho cư dân bản địa".

Thậm chí thế kỷ 19 còn tồn tại nhận thức kéo dài đến tận nay: Màu trắng liên quan đến những điều tích cực, màu đen đại diện cho những thứ tiêu cực. 

Trở lại với cờ vua: Quy tắc quân Trắng đi trước liệu có phải là một lợi thế?

Cho đến nay, hầu hết đều có chung nhận thức: Cầm Trắng không thắng là dở, cầm Đen hòa được là hay.

Ngay từ rất sớm như năm 1939, kiện tướng Mỹ Weaver Adams đã khẳng định quân Trắng sẽ thắng ngay sau nước đầu, ít nhất là nếu nước cờ đó đưa quân chốt đến điểm e4, tạo ra những khoảng trống trước mặt Vua trắng. 

Nhưng ngay sau đó, Weaver Adams đã thua I.A. Horowitz, tay cờ muốn cầm Đen ở mọi trận đấu nhằm chứng minh đi sau không đồng nghĩa với thua.

Đến đây, ắt hẳn có người sẽ cắc cớ tự hỏi: Chuyện gì xảy ra nếu quân Đen đi trước?

Năm 2019, Vua cờ Magnus Carlsen và Anish Giri - lúc đó đang xếp thứ 10 thế giới - đã có một trận cờ nhằm ủng hộ phong trào chống phân biệt chủng tộc.

Trong cuộc đấu đó, quân Đen đi trước. Thông điệp quá rõ ràng: "Chúng tôi phá luật cờ hôm nay để thay đổi cách nghĩ của ngày mai."

Họ có lẽ đơn giản chỉ nghĩ đến việc ủng hộ người da màu. Thế nhưng, điều gì xảy ra nếu Bộ luật cờ vua quy định quân Đen đi trước?

Quân Đen đi trước khi Vua cờ Magnus Carlsen (trái) vs Anish Giri năm 2019.

Nếu quân Đen đi trước, chắc chắn cần có thời gian để các kỳ thủ từ bỏ thói quen quân Trắng đi trước.

Vì không như cờ Tướng, cách bố trí cờ Đen và Trắng của cờ Vua khác nhau do sự tồn tại của quân Hậu: Hậu nằm bên tay trái của cờ Trắng và tay phải của cờ Đen.

Quân Đen đi trước còn là sự đảo ngược đặc quyền trong xã hội! Vì theo một nhà tâm thần học quá cố, cờ Trắng đi trước với ngụ ý người da trắng là những kẻ xâm lược, còn phe chống đỡ là người da màu.

Nhằm không bênh vực bên nào, có ý kiến cho rằng nên tung đồng xu để mỗi màu đều có xác suất 50% đi trước.

Thế nhưng, nếu việc này tạo cảm giác công bằng xã hội thì lại thay đổi hoàn toàn cách nhập cuộc của cờ vua. 

Vì trước đây, những người học chơi cờ đều nhanh chóng hiểu được ưu thế của quân Trắng nên khi cầm Trắng, họ có tâm lý phải thắng, ngay cả khi đối thủ mạnh hơn. Ngược lại, kỳ thủ cầm Đen thường chơi thận trọng để cầu hòa.

Tuyết Kỳ

Nguồn