Tổ chức Y tế thế giới (WHO) trong một thử nghiệm tiến hành với 400 điếu thuốc đã cho thấy tác hại khủng khiếp của khói thuốc lá đến lá phổi của con người. Trung bình, mỗi điếu thuốc có chứa 18 mg nhựa (tar, hay còn gọi là hắc ín). Khi đốt hết 150 điếu thuốc thì màu nước trong bình (tượng trưng cho lá phổi con người) đã chuyển từ màu trắng trong sang màu vàng như nước chè pha loãng. Khi đốt đến điếu thứ 380 thì nước đã chuyển thành màu đen đặc như cà phê do thấm nhựa và sau 400 điếu, nước đen kịt như nước cống. Sau khi tiến hành đun chỗ nước này lên, bốc hơi nước hết, các nhà khoa thu lại được 7,2g chất nhựa, rất dính và đắng.
Dù biết rằng khói thuốc lá độc hại nhưng vì sao vẫn có hàng triệu người trên thế giới vẫn tiếp tục lựa chọn hút thuốc thay vì loại bỏ sản phẩm độc hại này khỏi cuộc sống? Lý giải điều này, GS. Panos E.Vardas - nguyên Trưởng khoa Tim mạch của Bệnh viện Đại học Heraklion Hy Lạp, và là Chủ tịch Hiệp hội các bác sĩ chuyên khoa tim mạch Châu Âu - nhận định: Một số người sẽ có cách sống khác biệt, chú tâm vào việc khám phá giới hạn bản thân nên hầu hết trong số họ cần một số loại “chất kích thích” như cà phê, rượu, thuốc lá, chất adrenalin... Còn với một số người bế tắc trong cuộc sống, áp lực công việc cũng tìm đến các chất kích thích như thuốc lá để giảm căng thẳng. Vì thế nhiều thế kỷ nay, dù các tổ chức y tế thế giới đã rất nỗ lực kiểm soát tình trạng sử dụng thuốc lá nhưng kết quả dường như vẫn còn xa mục tiêu đề ra.
Giảm thiểu tác hại được xem là sự phát triển tất yếu của ngành công nghiệp thuốc lá nhằm cân bằng yêu cầu bảo vệ sức khỏe cộng đồng và nhu cầu sử dụng nicotin của người dùng hợp pháp. Các sản phẩm thuốc lá giảm thiểu tác hại hay còn gọi là thuốc lá thế hệ mới, được biết đến nhiều nhất là thuốc lá làm nóng, thuốc lá điện tử và thuốc lá ngậm snus. Mặc dù mỗi loại sản phẩm có cơ chế hoạt động riêng biệt, các loại thuốc lá giảm thiểu tác hại này đều có điểm chung là áp dụng công nghệ để loại bỏ quá trình đốt cháy, nên không tạo khói hoặc tàn thuốc.
Tháng 7/2020, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ - FDA, đã cho phép một loại thuốc lá làm nóng được công bố giúp giảm thiểu phơi nhiễm đáng kể với hàm lượng các chất gây hại hoặc có tìềm năng gây hại lên cơ thể người so với thuốc lá điếu đốt cháy.
Tại Việt Nam, thuốc lá làm nóng, thuốc lá điện tử vẫn chưa được phép thương mại chính thức nhưng hoạt động mua bán bất hợp pháp khá rầm rộ, với thông tin sai lệch so với khuyến cáo của nhà sản xuất hợp pháp. Do đó, một số ý kiến đề xuất nên cấm nhập khẩu, mua bán các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới.
Nói về vấn đề này, PGS. TS Trần Văn Ngọc - Phó Chủ tịch Hội Phổi Việt Nam - Chủ tịch Liên chi Hội Hô hấp TP. Hồ Chí Minh - cho rằng: Khó có thể cấm thành công. Thay vào đó cần thực sự tìm hiểu những tác hại cộng đồng và đề ra cách quản lý phù hợp.
Theo lý giải của ông Ngọc, không phải ngẫu nhiên mà FDA, cơ quan quản lý dược phẩm và thực phẩm Hoa Kỳ uy tín hàng đầu thế giới, chấp thuận cho lưu hành một loại thuốc lá làm nóng với chỉ định “giảm thiểu phơi nhiễm”. Và trên góc độ y học, với những người không thể cai thuốc lá hoặc tái nghiện, cần được chỉ định thuốc lá làm nóng như là một dạng biện pháp giảm nguy cơ trong tương lai.
Chưa kể tới việc đứng ở góc độ luật pháp tại Việt Nam, đề xuất cấm các loại thuốc thế hệ mới mà bản chất là thuốc lá, ví dụ như thuốc lá làm nóng, thuốc lá ngậm snus cũng không khả thi. Theo luật sư Võ Văn Đông, Giám đốc Công ty TNHH M&K (Tp. Hồ Chí Minh), khoản 1 điều 2 luật phòng chống tác hại của thuốc lá năm 2012 đã định nghĩa: Thuốc lá là sản phẩm được sản xuất từ toàn bộ hoặc một phần nguyên liệu thuốc lá, được chế biến dưới dạng thuốc lá điếu, xì gà, thuốc lá sợi, thuốc lào hoặc các dạng khác.
Chính vì thế, nếu cấm thuốc lá làm nóng, thuốc lá ngậm snus, thì thuốc lá điếu cũng phải bị cấm, thậm chí cấm… trước tiên. Nhưng rõ ràng, này khó khả thi. Do đó, thay vì đề xuất cấm, nên chăng các cơ quan chức năng cần sớm hoàn thiện khung hành lang pháp lý với các biện pháp quản lý riêng, phù hợp cho từng loại thuốc lá dựa trên mức độ nguy cơ hoặc giảm thiểu tác hại khác nhau của các loại sản phẩm thuốc lá khác nhau.
Minh Đăng