Ghi nhận việc dự thảo Luật đã được chỉnh lý nhiều điểm quan trọng, song ĐB Nguyễn Sơn (Hà Tĩnh) cho rằng vẫn còn nhiều vấn đề cần tiếp thu hoàn thiện. Để nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội, ĐB đồng ý với quy định nâng tỷ lệ ĐBQH hoạt động chuyên trách lên ít nhất 40%, đồng thời dành một tỷ lệ nhất định (từ 3-5%) cho các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý có uy tín, trí tuệ và bản lĩnh. Tuy nhiên, một vế khác cũng hết sức quan trọng, là nâng cao vị thế hoạt động của Đoàn ĐBQH, ĐBQH chuyên trách ở địa phương.
“Ngay trước khi kỳ họp trực tuyến này diễn ra, Văn phòng Quốc hội gửi thông báo rằng chế độ của ĐBQH và bộ phận giúp việc là do địa phương quyết định. Chúng tôi cho rằng không nên coi ĐBQH là thuộc địa phương như thế”, ông Nguyễn Sơn thẳng thắn.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội
ĐB cũng đề nghị tổng kết việc thí điểm sát nhập 3 văn phòng với sự tham gia ý kiến đầy đủ của ĐBQH chuyên trách ở địa phương trước khi luật hóa.
Chia sẻ quan điểm này, ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) “phàn nàn” rằng, do có sự điều chuyển công tác nên ở một số địa phương chỉ còn 1-2 ĐBQH, ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của Đoàn ĐBQH.
“Nếu Đoàn ĐBQH tiếp tục chỉ là sự tập hợp của ĐBQH ở địa phương thì cũng như hiện nay, không có gì mới để nâng cao địa vị pháp lý, từ đó nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội”, ĐB Phạm Văn Hòa nói.
Liên quan đến cơ cấu hoạt động của Hội đồng, các ủy ban của Quốc hội, ĐB Phạm Văn Hòa thống nhất với việc đổi tên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên thiếu niên và nhi đồng thành Ủy ban Văn hóa Giáo dục và Ủy ban Về các vấn đề xã hội thành Ủy ban Xã hội; chuyển mảng ngân hàng sang Ủy ban Tài chính Ngân sách theo dõi, giám sát thay vì Ủy ban Kinh tế như hiện nay… Đối với từng ủy ban, nhìn chung cần tăng cần giảm số ủy viên, nhưng tăng tỷ lệ chuyên trách.
Bày tỏ quan điểm về việc thay đổi địa vị pháp lý của Đoàn ĐBQH, ĐB Bùi Văn Phương (Ninh Bình) nói: “Nâng cao địa vị pháp lý của Đoàn ĐBQH không những không làm lu mờ vai trò của ĐBQH mà còn hỗ trợ hoạt động của ĐB. Hiện nay, Đoàn ĐBQH là khá “lơ lửng”, không rõ Trưởng Đoàn, Phó Đoàn ĐBQH hoạt động như thế nào. Đoàn nhận nhiệm vụ từ Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, là cánh tay nối dài của Quốc hội, nhất là trong vấn đề xem xét kiến nghị của nhân dân, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người dân. Nên quy định Đoàn ĐBQH là tổ chức của Quốc hội”.
Tuy nhiên, ĐB Lê Thanh Vân (Cà Mau) lại không đồng ý với quan điểm này. Ông Vân cho rằng Hiến pháp không quy định Đoàn ĐBQH là cơ cấu của Quốc hội. Các ĐBQH là chuyên gia cũng không đúng nguyên lý hoạt động của Quốc hội, vì ĐBQH là những chính trị gia.
ĐB Lê Thanh Vân phát biểu: “Vấn đề không phải là tỷ lệ chuyên trách mà quan trọng là tính chuyên nghiệp của ĐBQH. Muốn nâng cao tính chuyên nghiệp thì phải chú trọng quy định rõ tiêu chuẩn của ĐBQH và đặc biệt là Tổng Thư ký Quốc hội”.
Anh Phương