Chuyên gia y tế lưu ý các biện pháp bảo vệ sức khỏe mùa mưa bão

07/09/2024 12:30

Để giảm thiểu thiệt hại do bão số 3 (bão Yagi), mưa lũ gây ra, người dân cần ghi nhớ một số biện pháp để an toàn cho người thân và bảo vệ sức khỏe của các thành viên trong gia đình.

Các biện pháp bảo vệ sức khỏe

Do ảnh hưởng của bão số 3 (bão Yagi), từ sáng 7/9 đến ngày 9/9, Hà Nội có mưa to đến rất to và giông. Sáng 7/9, tại huyện đảo Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh, gió bão mạnh cấp 10. Toàn huyện mất điện từ đêm 6/9.

Dự kiến chiều tối 7/9, bão đổ bộ vào đất liền khu vực Bắc Bộ (từ Quảng Ninh đến Nam Định) với cường độ cấp 9 - 12, giật cấp 13 - 14.

Với lượng mưa lớn, nhiều tuyến phố, khu dân cư tại Hà Nội được dự báo có khả năng bị úng ngập, ảnh hưởng đến giao thông, sinh hoạt...

Chuyên gia y tế lưu ý các biện pháp bảo vệ sức khỏe mùa mưa bão- Ảnh 1.

Theo ghi nhận của Người Đưa Tin, các tuyến đường của Thủ đô sáng nay vắng bóng xe cộ qua lại (Ảnh: Hữu Thắng).

Trước ảnh hưởng của bão số 3, làm gì để bảo vệ sức khỏe trong mùa mưa bão là câu hỏi được nhiều người dân quan tâm, đặc biệt với các gia đình có trẻ nhỏ, người cao tuổi.

Trao đổi với Người Đưa Tin sáng 7/9, BS.Trương Hữu Khanh - Phó Chủ tịch Liên chi Hội truyền nhiễm Tp.HCM, cố vấn chuyên môn Bệnh viện Nhi Đồng 1 (Tp.HCM) cho biết, theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, bão số 3 là một trong những cơn bão mạnh nhất năm 2024 hoạt động trên biển Đông.

Để giảm thiểu thiệt hại do bão, lũ, lụt gây ra, người dân cần ghi nhớ một số biện pháp để an toàn cho người thân và bảo vệ sức khỏe của các thành viên trong gia đình, cộng đồng khi bão về.

BS.Khanh cho biết, trong mùa mưa bão, người dân cần lưu ý trong việc giữ ấm cho cơ thể, khi đi ra ngoài cần phải chú ý an toàn.

Chuyên gia y tế lưu ý các biện pháp bảo vệ sức khỏe mùa mưa bão- Ảnh 2.

BS.Trương Hữu Khanh lưu ý các biện pháp bảo vệ sức khỏe mùa mưa bão.

Theo BS.Khanh, mưa nhiều cũng gây ra độ ẩm cao, điều này tạo điều kiện cho vi khuẩn, virus phát triển và gây bệnh. Vô tình tiếp xúc với những đồ vật có chứa vi khuẩn, virus gây bệnh sẽ khiến hệ thống miễn dịch gặp nguy hiểm. 

"Do đó, cần thường xuyên rửa sạch tay bằng xà phòng và nước sạch", BS.Khanh cho hay và lưu ý trước khi ăn hoặc sau khi đi vệ sinh cũng cần rửa tay bằng xà phòng để hạn chế sự xâm nhập của mầm bệnh vào cơ thể.

Đảm bảo ăn chín uống sôi cũng là cách bảo vệ sức khỏe mùa mưa bão được BS.Khanh khuyến cáo. Theo đó, thực phẩm bán vỉa hè hoặc những nơi không đảm bảo vệ sinh có thể tiếp xúc với các mầm bệnh trong không khí và nước. Để đảm bảo an toàn, nên lựa chọn những thực phẩm tươi, sạch, có nguồn gốc rõ ràng, tự chế biến món ăn theo nguyên tắc đảm bảo ăn chín uống chín.

Uống đủ nước cho cơ thể giúp chống lại và ngăn ngừa nhiều bệnh tật. Nước làm sạch cơ thể và hỗ trợ thải bỏ vi trùng, vi khuẩn ra ngoài cơ thể, giúp ngăn ngừa nguy cơ cảm lạnh, cảm cúm.

Bên cạnh đó, thời tiết ẩm ướt là môi trường để muỗi và côn trùng sinh sôi, phát triển. Do đó, chuyên gia truyền nhiễm cho rằng cần giữ nhà cửa khô ráo, sạch sẽ. Ngoài ra, có thể dùng thuốc xịt chống muỗi, bôi kem chống muỗi và ngủ màn để tránh bị muỗi, côn trùng đốt.

Theo BS.Khanh, nước bẩn đọng lại sau mưa bão là nguyên nhân gây ra các bệnh do tiếp xúc với nước bẩn như bệnh tiêu chảy, bệnh cúm, bệnh tả và nhiễm trùng da, nấm.

"Khi tiếp xúc với nước bẩn ngập úng thì khi về nhà rửa sạch người bằng xà phòng như vậy sẽ tránh được các bệnh da liễu. Khi có các dấu hiệu mẩn ngứa thì cần đến các cơ sở y tế để được tư vấn, thăm khám và điều trị kịp thời", BS. Khanh cho hay.

Bên cạnh các biện pháp bảo vệ sức khỏe nêu trên, chuyên gia truyền nhiễm cho rằng thời tiết mưa bão không ra ngoài được thì người dân cần chọn những môn thể thao phù hợp trong nhà để duy trì luyện tập tăng cường rèn luyện thể chất. Đây cũng là một trong những biện pháp quan trọng bảo vệ cơ thể, tăng đề kháng trong mùa mưa bão.

Lên phương án đề phòng các bệnh dịch sau bão

Trước đó, tại cuộc họp triển khai công tác y tế ứng phó cơn bão số 3 (bão Yagi) năm 2024 ngày 6/9, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên Trưởng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Bộ Y tế đề nghị các địa phương và các đơn vị có liên quan căn cứ đặc điểm của bão Yagi, đó là mức độ ảnh hưởng diện rất rộng tại 28 tỉnh (kéo dài từ tỉnh Quảng Ninh đến tỉnh Hà Tĩnh), với sức gió mạnh cấp 16 giật cấp 17, dự kiến sức tàn phá rất nặng nề.

Thứ trưởng cũng đề nghị, căn cứ đặc điểm của từng địa phương, dự báo khả năng thiệt hại có thể xảy ra để có biện pháp ứng phó cụ thể; mỗi tỉnh, thành phố dự báo khả năng thiệt hại có thể xảy ra của từng huyện để có chỉ đạo ứng phó kịp thời.

Yêu cầu Ban chỉ huy phòng, chống lụt bão của Sở Y tế phân công thành viên ban chỉ đạo phòng, chống lụt bão trực tại địa phương để trực tiếp chỉ đạo.

Chuyên gia y tế lưu ý các biện pháp bảo vệ sức khỏe mùa mưa bão- Ảnh 3.

Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị, lên phương án đề phòng các bệnh dịch sau bão như tiêu chảy, bệnh ngoài da, đau mắt (Ảnh: Hữu Thắng).

Cùng với đó, các đơn vị rà soát các nội dung về chuẩn bị phương án, nhân lực, cơ sở vật chất trước khi bão đổ bộ cần phải thực hiện công tác gì; trong bão có phương án xử lý như thế nào.

Thứ trưởng đề nghị, lên phương án đề phòng các bệnh dịch sau bão (tiêu chảy, bệnh ngoài da, đau mắt...); kiểm tra các cơ sở y tế sẵn sàng cấp cứu trong đó làm rõ trách nhiệm của Tiểu ban tiền phương và hậu phương.

Tiểu Ban tiền phương xử lý cấp cứu bệnh nhân ngoài hiện trường và chuyển về Tiểu Ban hậu phương để điều trị.

Tiểu Ban hậu phương chuẩn bị cơ số giường, thuốc, vật tư để xử lý cấp cứu. Bên cạnh đó, cần đặc biệt lưu ý đến máy phát điện để sử dụng trong hoạt động cấp cứu tại các cơ sở y tế.

Hà Nội vắng lặng trước giờ bão số 3 đổ bộỨng phó bão số 3: Bộ Y tế họp khẩn với ngành y tế 28 tỉnh, thành

Sở Y tế các tỉnh, thành phố phải dự kiến một số tình huống có thể xảy ra và phương án xử lý của ngành Y tế để không bị động, bất ngờ; phải duy trì chế độ trực chỉ huy và trực lực lượng phòng, chống lụt bão 24/24; thực hiện nghiêm phương châm bốn tại chỗ. 

Các địa phương, bệnh viện và các đơn vị liên quan ban hành quyết định thành lập các tổ (đội) cấp cứu lưu động để có cơ sở thực hiện và đảm bảo chế độ cho các cán bộ tham gia.

Trong quá trình ứng phó với cơn bão cần lưu ý xử lý các tình huống tai nạn ban đầu, đảm bảo nguồn thưc phẩm, nước sạch và xử lý môi trường.

Thứ trưởng Bộ Y tế cũng lưu ý, sau khi cơn bão đi qua cần tiếp tục điều trị cho các trường hợp chưa ra viện, xử lý vệ sinh môi trường và đảm bảo nguồn nước sạch.