Chú trọng phát triển sản phẩm du lịch, quảng bá du lịch một cách bài bản hơn

02/06/2023 21:00

(Chinhphu.vn) - Quá trình phục hồi và phát triển ngành du lịch vẫn còn một số hạn chế, đó là phục hồi còn chậm so với các quốc gia trong khu vực; vấn đề visa chậm được tháo gỡ; thủ tục xuất, nhập cảnh còn phức tạp; sản phẩm du lịch chưa có nhiều đổi mới, sáng tạo; hạ tầng du lịch còn thiếu, chưa đồng bộ…

Quý I/2023, khu vực du lịch, dịch vụ là điểm sáng đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế. Mặc dù vậy, trong báo cáo Chính phủ đánh giá ngành du lịch, trong đó có du lịch quốc tế dù tiếp tục phục hồi so với năm 2022 nhưng còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu tương xứng với tiềm năng, lợi thế du lịch sẵn có.

Đề cập nội dung trên, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (Ninh Bình) đánh giá cao sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, kịp thời của Chính phủ để thúc đẩy phục hồi và phát triển du lịch trong thời gian qua, do vậy ngành du lịch đã đạt được một số kết quả tích cực.

Đó là du lịch trong nước phục hồi sớm, mạnh mẽ sau đại dịch COVID-19, du lịch quốc tế mở cửa sớm giúp số lượng khách quốc tế tới Việt Nam đang dần phục hồi. Doanh thu du lịch phục hồi giúp các doanh nghiệp ngành du lịch dần vượt qua khó khăn, năng lực của ngành du lịch tiếp tục được nâng cao.

Tuy nhiên, quá trình phục hồi và phát triển ngành du lịch vẫn còn một số hạn chế, đó là sự phục hồi còn chậm so với các quốc gia trong khu vực; vấn đề visa chậm được tháo gỡ; thủ tục xuất, nhập cảnh còn phức tạp; sản phẩm du lịch chưa có nhiều đổi mới, sáng tạo; hạ tầng du lịch còn thiếu, chưa đồng bộ; chuyển đổi số phát triển du lịch bền vững còn chậm; công tác truyền thông quảng bá du lịch còn hạn chế; nguồn nhân lực du lịch còn thiếu và yếu.

Theo đại biểu Trần Thị Hồng Thanh, về nguyên nhân có cả khách quan và chủ quan, nhưng nguyên nhân chủ quan là chủ yếu.

Đó là công tác quản lý phát triển du lịch mới chỉ tập trung phát triển ở quy mô lượt khách, chưa quan tâm nhiều đến cơ cấu và chất lượng khách. Quy hoạch chiến lược phát triển du lịch chưa được làm một cách bài bản, khoa học và kịp thời; tuyển dụng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chưa được quan tâm thích đáng. Chưa chú trọng nghiên cứu, phân tích, dự báo xu hướng thị trường, thị hiếu khách hàng cũng như ứng dụng công nghệ thông tin.

Để phục hồi và phát triển bền vững du lịch Việt Nam đại biểu Trần Thị Hồng Thanh nhấn mạnh cần phải thực hiện ngay việc tiếp tục mở cửa du lịch quốc tế an toàn; tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách nhằm tạo thuận lợi về nhập cảnh, xuất cảnh cho khách quốc tế, trong đó cần xem xét tăng thời hạn visa du lịch, tăng thời hạn lưu trú và cho phép nhập cảnh nhiều lần khi visa còn hiệu lực, mở rộng diện du khách được cấp thị thực điện tử.

Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh đề nghị Quốc hội quan tâm cho ý kiến và thông qua dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam ngay tại kỳ họp thứ 5 và quy định hiệu lực có thi hành càng sớm càng tốt.

Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh cũng đề xuất cần sớm rà soát, cập nhật và điều chỉnh chiến lược phát triển du lịch bền vững đến năm 2030. Theo đó, chiến lược phát triển ngành du lịch cần đặt trong tổng thể chiến lược phát triển kinh tế-xã hội quốc gia, đồng bộ với quy hoạch phát triển của quốc gia và địa phương. Tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh du lịch quốc tế, chuyển từ tư duy phục vụ cái mình có sang phục vụ cái du khách cần.

Đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức xã hội, cộng đồng về trách nhiệm bảo tồn môi trường du lịch, giá trị văn hóa, du lịch xanh. Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp cần sự vào cuộc của cả lĩnh vực công và tư, cả Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.

Nguồn lực cho đầu tư phát triển du lịch cần được tăng cường với việc tăng tỷ lệ chi ngân sách cho du lịch từ mức 1,4% hiện nay lên 2,5 đến 3% tổng chi ngân sách nhà nước để gần bằng các nước trong khu vực. Tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng, tạo kết nối giữa các địa phương có tiềm năng về du lịch.

Bên cạnh đó, cần tăng cường liên kết du lịch giữa các vùng, địa phương, ngành nghề và doanh nghiệp. UBND các tỉnh, thành phố cần tích cực, chủ động phối hợp thúc đẩy liên kết du lịch trong quy hoạch để cùng phát triển sản phẩm, chia sẻ nguồn lực nhằm phát triển du lịch theo chuỗi giá trị, tăng tính lan tỏa của ngành du lịch.

Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh đề xuất cần tiếp tục chú trọng phát triển sản phẩm du lịch, quảng bá du lịch một cách bài bản hơn. Theo đó, cần tích cực nghiên cứu, phân tích và dự báo nhu cầu, thị hiếu khách du lịch để thiết kế và cung cấp sản phẩm du lịch có chất lượng và phù hợp; liên kết tạo sản phẩm du lịch vùng, liên kết theo loại hình chuyên đề, liên kết ngành hàng không, đường sắt, tàu biển để tạo sản phẩm đa dạng; đẩy mạnh tiếp thị và truyền thông mới từ slogan, video, hình ảnh về đất nước, con người, lịch sử, văn hóa, tự nhiên, ẩm thực… Cùng với đó cũng cần nghiên cứu, tổ chức thêm các lễ hội hoặc các sự kiện tầm quốc tế ngoài Lễ hội Pháo hoa Đà Nẵng.

Hải Liên