Tại Sự kiện thường niên "Diễn đàn Bất động sản Mùa Xuân lần thứ V" diễn ra vào sáng ngày 19/2, các đại diện lãnh đạo Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, chuyên gia hàng đầu Việt Nam... đã cùng nhau thảo luận về những động lực vươn mình và triển vọng của thị trường bất động sản năm 2025; nhận diện những xu hướng, cơ hội đầu tư cũng như đưa ra những kiến giải để phát triển bền vững thị trường bất động sản, đóng góp hiệu quả vào mục tiêu tăng trưởng 2 con số.
Năm 2024, thị trường bất động sản Việt Nam đã có sự chuyển mình rõ nét hơn trong chu kỳ phục hồi và phát triển bền vững, đặc biệt là từ quý 2.
Bước sang 2025, thị trường bất động sản Việt Nam tiếp tục được dự báo có nhiều cơ hội phát triển, tuy nhiên vẫn còn nhiều thách thức phải vượt qua. Các luật mới mang tính nền tảng đã có hiệu lực từ năm 2024, tạo ra môi trường pháp lý mới cho thị trường, song mức độ hiệu quả vẫn cần thêm thời gian để kiểm chứng.
Doanh nghiệp vẫn còn lo ngại về sự chồng chéo, thiếu nhất quán trong các quy định liên quan đến đất đai, xây dựng và đầu tư, có thể gây rủi ro cho các nhà phát triển dự án. Bên cạnh đó, lãi suất ngân hàng, khả năng tiếp cận nguồn vốn cũng là vấn đề cần tiếp tục có những giải pháp tháo gỡ để thị trường vận hành hiệu quả trong chu kỳ phát triển mới.
Dựa trên cơ sở, nền tảng khởi sắc của năm 2024, từ góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư bất động sản Toàn Cầu (GP.Invest) nhận định tín hiệu thị trường đang cho thấy sự phục hồi rõ rệt thông qua sức mua đã có sự tăng trưởng hơn trước.
Ông Hiệp dẫn chứng: "Hiện doanh nghiệp chúng tôi cũng có dự án đang triển khai bán hàng. Thông thường có quan niệm "tháng Giêng là tháng ăn chơi", sẽ không có khách mua hàng. Tuy nhiên, với dự án vừa mở bán của doanh nghiệp chúng tôi, tốc độ bán còn nhanh hơn so với đợt cuối năm 2024".
Theo ông Hiệp, Đảng và Chính phủ đang rất nỗ lực quyết tâm trong cải cách thể chế, nhất là trong lĩnh vực bất động sản, trong đó cách thức thực hiện quy định pháp luật rõ ràng, minh bạch hơn. Song, nhiều doanh nghiệp đến nay vẫn gặp vướng mắc nhất định, như doanh nghiệp có khi phải xin đến 38 - 40 con dấu để có thể thực hiện dự án. Hay việc xin điều chỉnh quy hoạch cũng gặp nhiều khó khăn.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư bất động sản Toàn Cầu (GP.Invest)
Ông Hiệp chia sẻ thêm: "Tính đến tháng 1/2025, có khoảng 25 tỉnh thành công bố bảng giá đất mới. Tôi cho rằng nội hàm việc tính giá đất là do cơ cấu tính giá đất, yếu tố đầu vào không đầy đủ dẫn đến việc giá đất tăng cao. Đây là khó khăn lớn nhất đối với doanh nghiệp, gây nhiều khó khăn. Thứ nhất là chậm trễ ra dự án mới. Hiện nhiều doanh nghiệp mất 1-2 năm vẫn không tính được giá đất.
Thứ hai là chi phí đầu vào tăng cao, việc này dẫn đến nếu tính giá đất không chuẩn xác sẽ có thể gây ra nhiều khúc mắc. Đây là điều tôi mong muốn được các bộ ngành, địa phương tháo gỡ cho doanh nghiệp. Nếu tháo gỡ được, khả năng triển khai các dự án bất động sản sẽ nhanh hơn".
Qua đó, Chủ tịch GPInvest cho rằng, nếu chúng ta kích thích đầu tư tư nhân thì GDP chắc chắn tăng trưởng. Như vậy, đồng nghĩa với việc cũng thúc đẩy thị trường bất động sản tăng trưởng theo. Ông hi vọng những vướng mắc còn tồn đọng về thể chế sẽ được tháo gỡ để bất động sản có cơ hội phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn tới.