Chất vấn và trả lời chất vấn: Trả lời thẳng thắn, làm rõ nhiều vấn đề xã hội quan tâm

09/06/2023 20:30

(Chinhphu.vn) - Theo dõi phiên chất vấn và trả lời chất vấn trong 2,5 ngày vừa qua, nhiều ý kiến cử tri cho rằng, 4 Bộ trưởng, các Phó Thủ tướng Chính phủ trả lời thẳng thắn, làm rõ nhiều vấn đề cử tri và người dân quan tâm.

Cần quyết liệt giải quyết tình trạng cán bộ né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm

Ông Trần Thanh Trình (cử tri phường Hòa Phát, quận Cẩm Lệ, TP. Đà Nẵng) cho hay, trong phiên chất vấn sáng 8/6, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã tiếp thu nhiều ý kiến, trả lời thẳng thắn và trách nhiệm nhiều nội dung đại biểu Quốc hội nêu, như công tác điều hành giá, giải pháp "phá băng" thị trường bất động sản, kiểm soát quyền lực, hay tình trạng cán bộ né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm…

Ông Trần Thanh Trình cho rằng, thời gian qua, Trung ương và nhiều địa phương đã đề cập tình trạng cán bộ đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm. Đây là vấn đề lớn, nếu không được giải quyết kịp thời sẽ ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết công việc tại nhiều cơ quan, đơn vị và tâm lý làm việc của cán bộ, viên chức.

"Tôi đồng tình với ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cần phải tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với cá thể hóa trách nhiệm, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu. Kiên quyết không để xảy ra việc đùn đẩy, né tránh trách nhiệm. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động công vụ, nhất là thanh tra, kiểm tra đột xuất. Để giải quyết vấn đề này, các ngành, địa phương phải vào cuộc quyết liệt".

Về lĩnh vực giao thông vận tải, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng đã trả lời, giải trình khá đầy đủ các vấn đề và đề xuất một số giải pháp trước mắt cũng như lâu dài đối với ngành giao thông.

"Tôi đề nghị ngành giao thông vận tải tiếp tục chỉ đạo đôn đốc thi công các dự án trọng điểm quốc gia, bảo đảm tiến độ, chất lượng, hiệu quả để đưa đất nước phát triển nhanh về hạ tầng giao thông.

Đặc biệt giải quyết dứt điểm những vấn đề về đăng kiểm, đào tạo sát hạch cấp giấy phép lái xe. Trong đó cần tăng cường công tác quản lý, ứng dụng công nghệ… nhằm tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp đi đăng kiểm, giảm tối đa thời gian chờ đợi", ông Trần Thanh Trình nêu ý kiến.

Sản phẩm KHCN cần gắn với nhu cầu của doanh nghiệp, xã hội

Theo dõi Quốc hội chất vấn, ông Nguyễn Đình Thà (cử tri phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn, TP. Đà Nẵng) cho rằng, các đại biểu đặt vấn đề hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học ra thị trường, là nội dung rất thiết thực.

Trong thời gian qua, nhiều công nghệ mới tiên tiến đã được ứng dụng, mang lại hiệu quả trong các ngành, như y tế, viễn thông, giao thông... Một số ngành có sức cạnh tranh quốc tế và tham gia sâu vào chuỗi giá trị sản xuất, các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh. Đó là những yếu tố tích cực mang lại niềm tin và động lực lớn cho các đơn vị nghiên cứu và làm về công nghệ, trong đó có các trường đại học, cao đẳng.

Hiện nay, công tác nghiên cứu khoa học ở các trường đại học, cao đẳng còn hạn chế, kết quả đạt được ít gắn với thực tế xã hội, chưa đồng bộ với sự phát triển của các địa phương. Vì vậy, ông Nguyễn Đình Thà cho rằng, cần có một đầu mối kết nối, định hướng để các kết quả đạt được mang lại hiệu quả thiết thực, có giá trị sử dụng lâu dài.

"Tôi rất mừng khi Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt công bố đã hoàn thiện đề án thành lập trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo quốc gia tại Hà Nội, Đà Nẵng và TPHCM. Dự kiến trong tháng 6 hoặc đầu tháng 7 năm nay sẽ ban hành các quyết định thành lập 3 trung tâm này. Tôi mong muốn nhiều đơn vị tại địa phương sẽ có sự kết nối, phát huy nguồn lực từ các giảng viên đại học, cao đẳng và sinh viên trẻ đưa ra nhiều mô hình, sản phẩm khoa học công nghệ mang tính đổi mới, sáng tạo, gắn sản phẩm với nhu cầu của doanh nghiệp, xã hội", ông Nguyễn Đình Thà nhấn mạnh.

Cũng theo ông Nguyễn Đình Thà, các kết quả đạt được phải gắn với thực tế, phục vụ mưu sinh. Thực tế xã hội sẽ giúp các trường đại học, cao đẳng có thể cập nhật được chương trình đào tạo phục vụ đúng chuẩn đầu ra, đưa hoạt động nghiên cứu khoa học trở thành mũi nhọn trong phát triển chiến lược của nhà trường.

Đây cũng là những kinh nghiệm quý giá cho những người làm khoa học, công nghệ để nâng cao năng lực nghiên cứu, giúp các trường đại học, cao đẳng có vị thế quan trọng trong dòng chảy khoa học công nghệ của quốc gia, cạnh tranh với nền khoa học công nghệ đang phát triển nhanh của thế giới.

Chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số đã đi vào thực tiễn cuộc sống

Ông Brao Tuân (Phó Chủ tịch UBND xã La Dê, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam) cho hay, theo dõi các phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp này, ông đánh giá cao phần trả lời của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh về các nội dung liên quan đến phát triển vùng đồng bào dân tộc và miền núi.

Nội dung trả lời rõ ràng, đúng trọng tâm, trọng điểm, nhìn thẳng vào sự thật và sát với tình hình thực tế ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số hiện nay.

Là người công tác gắn bó với vùng miền núi, ông Brao Tuân cho rằng những chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số trong những năm qua đã đi vào cuộc sống, đáp ứng được nguyện vọng bấy lâu nay của bà con.

Thực tiễn tại địa phương trong những năm qua cho thấy, việc thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia đã tạo động lực lớn, là đòn bẩy để phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Cụ thể, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đã giải quyết được chỗ ở, xóa nhà tạm cho nhà dân, làm cho bộ mặt nông thôn từng bước thay đổi; giảm được tỉ lệ hộ nghèo, chất lượng đời sống người dân được nâng lên rõ nét.

Tuy nhiên vẫn còn một số khó khăn, hạn chế, đó là việc bà con rất trông chờ vào chương trình. Mặc dù cơ chế chính sách đã có, nhưng việc triển khai chính sách còn chậm.

Để phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, ông Brao Tuân đề nghị Đảng, Nhà nước tiếp tục quan tâm đầu tư về cơ sở hạ tầng, đặc biệt là các tuyến giao thông để người dân phát triển kinh tế; đầu tư phát triển hạ tầng giáo dục, chính sách phát triển nguồn nhân lực người dân tộc thiểu số.

Đây là yếu tố quan trọng trong việc phát huy nguồn lực, đào tạo nhân tài phục vụ cho phát triển kinh tế-xã hội, cũng như an ninh quốc phòng vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Bên cạnh đó, cần tăng cường định hướng cho đồng bào dân tộc thiểu số phát triển sản xuất và phát triển các mô hình du lịch vùng dân tộc thiểu số.

Anh Thuận Thơm