Cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ: Phải hoàn tất bàn giao mặt bằng vào cuối tháng 10-2020

04/09/2019 17:31

Theo đại diện Ban Quản lý dự án Thăng Long, để dự án đầu tư, xây dựng đường cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ có thể khai thác vào năm 2022, thì việc giải phóng và bàn giao mặt bằng dự kiến phải hoàn tất vào cuối tháng 10-2020.

Sáng ngày 4-9, UBND tỉnh Đồng Tháp có buổi làm việc với lãnh đạo Ban Quản lý dự án Thăng Long (thuộc Bộ Giao thông vận tải) về triển khai công tác giải phóng mặt bằng dự án cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ giai đoạn 1.

Theo đại diện Ban Quản lý dự án Thăng Long (Bộ Giao thông vận tải), để dự án đầu tư, xây dựng đường cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ (MT-CT) có thể khai thác vào năm 2022, thì việc giải phóng và bàn giao mặt bằng dự kiến phải được hoàn tất vào cuối tháng 10-2020. Theo đó, việc bàn giao từng phần mặt bằng dự án đường cao tốc MT-CT cho nhà đầu tư (NĐT) thực hiện dự án, là từ ngày 30-6 đến 30-10-2020.

Để làm được điều đó, việc phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án cao tốc MT-CT sẽ được thực hiện vào ngày 15-9-2019 và bàn giao hồ sơ nghiên cứu khả thi dự án cho địa phương (Đồng Tháp và Vĩnh Long) trước ngày 25-9-2019.

Cũng theo đại diện của Ban quản lý dự án Thăng Long, đơn vị sẽ thực hiện lập hồ sơ thiết kế cắm cọc giải phóng mặt bằng (GPMB), trình, thẩm định phê duyệt trong 60 ngày, từ 15-9-2019 đến 15-11-2019; đồng thời tổ chức chọn nhà thầu thực hiện cắm cọc GPMB trong 45 ngày, từ 15-11 đến 31-12-2019; việc tổ chức cắm cọc GPMB ngoài thực địa được thực hiện trong 45 ngày tiếp theo (31-12 đến 15-2-2020) và bàn giao cọc GPMB từng phần cho địa phương trong khoảng thời gian từ 1-2 đến 15-2-2020.

Trước đó, ông Nguyễn Văn Huấn, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án Thăng Long cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo dự án đầu tư, xây dựng đường cao tốc MT–CT phải cơ bản hoàn thành vào năm 2022. Để đẩy nhanh thực hiện công tác GPMB dự án cao tốc MT-CT và bàn giao cho nhà đầu tư triển khai thi công, ngân sách nhà nước sẽ hỗ trợ 932 tỷ đồng.

Dự án đầu tư, xây dựng công trình đường cao tốc MT-CT, giai đoạn 1 được thực hiện theo hình thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng BOT (xây dựng – kinh doanh – chuyển giao).

Dự án có chiều dài khoảng 23km, điểm đầu sẽ được kết nối vào cầu Mỹ Thuận 2 (chuẩn bị khởi công xây dựng) và điểm cuối tại nút giao Chà Và với Quốc lộ 1 (tỉnh Vĩnh Long).

Giai đoạn 1 của dự án được đầu tư với quy mô 4 làn xe (nền đường rộng 17m), có vận tốc thiết kế 100 km/giờ, tổng mức đầu tư khoảng hơn 5.400 tỷ đồng.

TÍN HUY/ SGGP