Cảnh báo tai nạn đuối nước trẻ em

26/05/2020 19:45

Ngày 25-5, bác sĩ Đinh Tấn Phương, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM, cho biết, vào tối 24-5, Khoa Cấp cứu tiếp nhận bé trai T.Đ.C. (7 tuổi, ngụ quận Bình Tân) trong tình trạng huyết áp không đo được, mạch nhẹ, đồng tử giãn 4mm, không phản xạ ánh sáng.

Người nhà cho biết, bé trai tự ý trốn gia đình xuống hồ bơi ở chung cư dưới nhà và không may bị đuối nước. Lúc được phát hiện, bé đã tím tái, ngưng thở, ngưng tim. Sau khi cấp cứu khoảng 15-20 phút, tim đập lại và được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 1 nhưng đã không qua khỏi. Trước đó 3 tuần, Khoa Cấp cứu cũng tiếp nhận bé gái N.L (3 tuổi, quận Tân Phú) bị đuối nước do ngã vào xô nước lớn ở trong nhà. Khi gia đình phát hiện ra bé đã ngưng tim ngưng thở, thao tác hồi sức tại chỗ không tốt khiến não không thể hồi phục. Dù ê-kíp cấp cứu của bệnh viện đã cố gắng hồi sức nhưng bệnh nhi đã tử vong ngay sau đó.

Tương tự, Khoa Hô hấp 1 - Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM cũng cho biết, trong 2 tuần đầu tháng 5, Khoa Hô hấp 1 đã tiếp nhận 4 trường hợp đuối nước. Các bệnh nhi đều nhập viện trong bệnh cảnh suy hô hấp nặng cần hỗ trợ hô hấp, may mắn chưa ghi nhận ca tử vong liên quan.

Bác sĩ Đinh Tấn Phương, Bệnh viện Nhi đồng 1, lưu ý phụ huynh phải luôn giám sát con em mình khi đi tắm biển, ao, hồ; đậy kín các vật dụng chứa nước trong nhà; không để trẻ nhỏ ở nhà một mình, đặc biệt đối với các trẻ mới biết đi, trẻ hiếu động luôn muốn tìm tòi hiểu biết thế giới xung quanh. Bên cạnh các biện pháp giám sát, bảo vệ trẻ, bác sĩ Phương cũng khuyến cáo gia đình và nhà trường cần kết hợp dạy trẻ nhận biết về các mối nguy hiểm khi tiếp xúc với vùng sông, suối, ao, hồ... và dạy trẻ biết bơi vào thời điểm thích hợp. Đồng thời tổ chức các buổi huấn luyện kỹ năng sơ cứu đuối nước cho các phụ huynh và thầy cô giáo nhằm xử trí kịp thời khi có tình huống trẻ em bị đuối nước, hạn chế hậu quả đáng tiếc.

An Khánh

Nguồn