Cần tính toán tuổi nghỉ hưu theo đặc thù nghề nghiệp

20/05/2019 07:49

Nhiều đại biểu băn khoăn và đề nghị Chính phủ xem xét quyền nghỉ hưu sớm đối với những nghề như giáo viên, diễn viên múa.

Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi có quy định mới là người lao động có quyền nghỉ hưu sớm hoặc muộn nhưng không quá năm năm. Tuy nhiên, Chính phủ cần đánh giá toàn diện các tác động tích cực và tiêu cực đến thị trường lao động”. Đại diện cơ quan thẩm tra, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi khẳng định như trên tại buổi họp phiên toàn thể lần thứ XII thẩm tra dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) trước khi đưa ra Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp tháng 5.

Phải đảm bảo quyền nghỉ hưu của người lao động

Ông Bùi Sỹ Lợi đề nghị ban soạn thảo cần xem xét quy định “có thể được nghỉ hưu” bằng quy định “có quyền được nghỉ hưu”. Vì hiện nay chưa rõ cơ chế thực hiện quyền được nghỉ hưu đối với khu vực công và sẽ ảnh hưởng rất lớn đến công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức…

Cơ quan thẩm tra lưu ý Chính phủ đề xuất tăng tuổi hưu cho cả nam và nữ nhưng chưa làm rõ tính hợp lý về khoảng cách tuổi nghỉ hưu giữa nam và nữ (chênh lệch hai tuổi). Trong khi khoảng cách tuổi nghỉ hưu cần được xem xét tùy thuộc vào tính chất lao động, điều kiện lao động của từng nhóm lao động khác nhau và liên quan đến chế độ BHXH...

Đại biểu Giàng A Chu, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, ủng hộ phương án tăng chậm tuổi nghỉ hưu. Tuy nhiên, ông lưu ý Chính phủ mới tập trung vào tuổi nghỉ hưu, tức đầu ra còn đầu vào chưa tính tới.

Bên cạnh đó, vị đại biểu cho rằng Luật Giáo dục chuẩn bị thông qua có chính sách phân luồng học sinh. Trong đó có 20% học sinh không tiếp tục đi học lên cấp 3 mà đi học nghề với thời gian hai năm. Như vậy, học sinh ra trường mới 17 tuổi, trong khi Bộ luật Lao động quy định 18 tuổi mới tham gia vào thị trường lao động. “Vì vậy luật nên lưu ý việc này để xem xét có nên sửa không” - vị đại biểu nói.

Tuy nhiên, ông Bùi Sỹ Lợi khẳng định dự thảo Bộ luật Lao động đã điều chỉnh, tức đủ 15 tuổi trở lên được tham gia vào thị trường lao động nên không có gì vướng mắc.

Trong khi đó, đại biểu Ngô Trung Thành, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, cho rằng dự thảo được lấy ý kiến đầy đủ các bộ, ngành nhưng lại quá ít ý kiến của người lao động, là những người bị tác động trực tiếp từ bộ luật này.

Ngoài ra, nhiều đại biểu còn băn khoăn và đề nghị Chính phủ xem xét quyền nghỉ hưu sớmđối với những nghề như giáo viên, diễn viên múa... “Hiện nay các giáo viên mầm non 40-45 tuổi là hát múa không nổi, còn thể thao 30-35 tuổi là hết tuổi... Nên phải tính toán tuổi nghỉ hưu theo đặc thù, không nên đưa cứng như vậy…” - đại biểu Đặng Thuần Phong, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội.

Cần tính toán tuổi nghỉ hưu theo đặc thù nghề nghiệp - ảnh 1
Giáo viên nằm trong nhóm ngành nghề đặc thù được các đại biểu đề xuất có quyền nghỉ hưu sớm. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Chính phủ đề xuất chọn phương án 1

Trước đó, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp cho biết dự thảo Bộ luật Lao động đưa ra hai phương án tăng tuổi nghỉ hưu.

Phương án 1: Kể từ ngày 1-1-2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi ba tháng đối với nam và đủ 55 tuổi bốn tháng đối với nữ; sau đó cứ mỗi năm tăng thêm ba tháng đối với nam và bốn tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.

 

Phương án 2: Kể từ ngày 1-1-2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi bốn tháng đối với nam và đủ 55 tuổi sáu tháng đối với nữ; sau đó cứ mỗi năm tăng thêm bốn tháng đối với nam và sáu tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.

Đồng thời dự thảo cũng quy định quyền nghỉ hưu sớm hơn không quá năm tuổi đối với người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; và một số công việc, nghề nghiệp đặc biệt.

Quyền nghỉ hưu muộn hơn không quá năm tuổi đối với người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, người lao động làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt.

Cả hai phương án quy định trong dự thảo đều có lộ trình tăng chậm. Với phương án 1, đến năm 2028 thì nam đạt 62 tuổi và đến năm 2035 thì nữ đạt tuổi nghỉ hưu là 60 (sau tám năm với nam và sau 15 năm với nữ).

Phương án 2 có lộ trình nhanh hơn, đến năm 2026 nam đạt 62 tuổi và đến năm 2030 nữ đạt tuổi nghỉ hưu là 60 (sau sáu năm với nam và sau 10 năm với nữ).

“Chính phủ đề xuất lựa chọn phương án 1 vì đây là phương án có ưu điểm hơn, phòng tránh cao hơn các rủi ro khi điều chỉnh tuổi đối với thị trường lao động, tránh gây sốc thị trường lao động, giữ được ổn định xã hội và phù hợp với thông lệ quốc tế. Qua khảo sát, đánh giá, lấy ý kiến các cơ quan và tham vấn ý kiến của các bên trong quá trình soạn thảo, đa số ý kiến tán thành với đề xuất của Chính phủ” - Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp cho hay.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho rằng việc tăng tuổi nghỉ hưu không thể chậm hơn nữa. Tuy nhiên, chỉ tăng với nhóm lao động làm việc trong điều kiện bình thường. Đối với nhóm làm việc ở môi trường nặng nhọc, độc hại… được quyền nghỉ hưu sớm năm năm và dự kiến có thể 10 năm.

“Bên cạnh đó, các cơ quan cũng đang xem xét tiến tới việc người lao động tham gia BHXH 10 năm có thể nhận lương hưu. Như vậy là chúng ta đồng bộ các luật khác…” - ông Dung nhấn mạnh.

Tuổi hưu 43 với người lao động ngành nghề nặng nhọc 

Theo thống kê của BHXH Việt Nam, tuổi nghỉ hưu bình quân của nước ta là 53,4 tuổi, trong đó nam giới là 55,2 tuổi, nữ giới là 51,7 tuổi. Những ngành nghề nặng nhọc, độc hại nguy hiểm thì tuổi nghỉ hưu bình quân chỉ khoảng 43 tuổi (công nhân cạo mủ cao su, làm đường, dệt may, da giày…). 

 

THU NGUYỆT - VIẾT LONG (Báo PLO)