Thoạt nhìn, tháp turbine điện gió “mọc lên” trên nền khung cảnh xanh tươi ở vùng Skara của Thụy Điển trông giống như bất kỳ tháp turbine điện gió nào khác. Tòa tháp dong dỏng cao và trên đỉnh có 3 cánh quạt lớn quen thuộc đang chậm rãi quay trong gió.
Thực ra đây là turbine điện gió bằng gỗ có quy mô đáng kể đầu tiên trên thế giới, do công ty công nghệ gỗ Modvion xây dựng.
Tòa tháp cao 105m là tháp turbine điện gió thương mại đầu tiên của Modvion, ra mắt vào đầu năm nay. Đây cũng là sản phẩm tiếp nối dự án thí điểm nhỏ hơn với các tháp cao chỉ 30 m mà công ty đã hoàn thành vào năm 2020.
Modvion cho biết, họ sử dụng gỗ vân sam Scandinavia có nguồn gốc từ các khu rừng phía Bắc được quản lý bền vững đã được tái trồng rừng ở Thụy Điển, và một tòa tháp thông thường sử dụng 300-1.200 m3 gỗ.
Trong khi các cánh quạt và trục máy phát điện được làm bằng vật liệu thông thường như sợi thủy tinh, thì tòa tháp được làm bằng gỗ ván ép đồng hướng (LVL), một loại gỗ được tạo thành từ nhiều lớp gỗ mỏng (veneer) dán lại với nhau. LVL không chỉ đủ bền để chịu được lực quay của turbine mà còn bền vững hơn với môi trường so với thép hiện đang được sử dụng.
Các tấm LVL được sản xuất thành các module, sau đó được vận chuyển và lắp ráp thành các cột hình trụ tại chỗ, trước khi được xếp chồng lên nhau và kết nối với nhau bằng keo để tạo thành một tòa tháp.
Thân tháp được phủ một lớp sơn dày, không thấm nước, và giống như các tòa tháp bằng thép, chúng có tuổi thọ 25-30 năm.
Thiết kế module của các tòa tháp có nghĩa là chúng có thể được vận chuyển bằng xe tải và đường bộ tiêu chuẩn. Sau khi turbine ngừng hoạt động, gỗ có thể được dỡ xuống để tái sử dụng trong ngành xây dựng dưới dạng dầm cường độ cao.
Modvion tin rằng theo thời gian, các tòa tháp turbine bằng gỗ của họ rẻ hơn so với các tòa tháp truyền thống bằng thép, và những tòa tháp cao hơn sẽ tiết kiệm được nhiều chi phí hơn.
“Chúng tôi hy vọng và thấy rằng chúng tôi đang thay đổi quan điểm về gỗ như một loại vật liệu”, ông Otto Lundman, đồng sáng lập và CEO của Modvion, cho biết. “Đây thực sự là thép xanh của thiên nhiên. Nó nên được sử dụng nhiều hơn nữa”.
Minh Đức (Theo Dezeen, CNN, Horizon Magazine)