Chiều 26-1 (mùng 2 Tết), Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chủ trì cuộc làm việc với Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh của Bộ Y tế trước diễn biến căng thẳng của dịch viêm phổi cấp do chủng virus Corona (nCoV) mới gây ra.
Khách nhập cảnh từ Trung Quốc qua các cửa khẩu của Việt Nam phải khai báo y tế để ngăn chặn dịch viêm phổi cấp do virus Corona
Theo đó, cả nước đã ghi nhận 59 trường hợp có triệu chứng sốt, có tiền sử đi về từ vùng có dịch, bao gồm 22 trường hợp đã được loại trừ nhiễm nCoV, 35 trường hợp tiếp tục theo dõi, cách ly...
Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu rõ, tình hình dịch viêm phổi cấp do nCoV ở Trung Quốc diễn biến phức tạp, mức độ lây nhiễm cao nên các biện pháp phòng, chống của Việt Nam đặt ra ngay từ đầu luôn rất tích cực, cao một mức so với các khuyến nghị.
Tinh thần chung của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là tập trung ở mức cao nhất để phát hiện kịp thời, sớm nhất có thể các trường hợp nghi ngờ lây nhiễm, khoanh vùng, cách ly tuyệt đối, theo dõi chăm sóc thật tốt và xét nghiệm, nhất định không để dịch lây lan rộng trong cộng đồng ở Việt Nam. Dù phải hy sinh lợi ích kinh tế cũng phải đặt công tác phòng, chống dịch lên trên. Trong thời gian tới, các bộ ngành, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm, quyết liệt các văn chỉ đạo của Thủ tướng, Phó Thủ tướng, hướng dẫn của Bộ Y tế đã được ban hành.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng lưu ý, các lực lượng chức năng không chỉ chú ý quản lý người đến từ vùng dịch vào Việt Nam mà bỏ quên việc theo dõi, quản lý sức khoẻ của tất cả các đối tượng khách du lịch đã từng đến vùng dịch hoặc tiếp xúc với người ở vùng dịch, trong khoảng thời gian ủ bệnh 14 ngày, để khi phát hiện có dấu hiệu nghi ngờ thì cách ly, điều trị, xét nghiệm kịp thời. Việc này cần tuyên truyền để khách du lịch hợp tác tự nguyện vì lợi ích của bản thân cũng như vì cộng đồng.
“Ngành y tế cần tăng cường truyền thông cho mọi người dân nâng cao ý thức phòng các loại bệnh lây nhiễm nói chung, hình thành thói quen khi đến bệnh viện thì đeo khẩu trang, rửa tay sạch bằng xà phòng, ăn chín, uống sôi... Đây là những thói quen rất đơn giản, bình thường nhưng khi khoẻ mạnh chúng ta thường bỏ qua...”, Phó Thủ tướng nhắc nhở.
Đồng thời, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ rõ trong công tác phòng chống dịch thì ngành y tế là nòng cốt. Thông tin, hướng dẫn, cảnh báo đầu tiên phải từ Bộ Y tế nhưng cần sự vào cuộc đồng bộ của các bộ ngành, địa phương. Ngoài hướng dẫn chuyên môn, Bộ Y tế tiếp tục tổ chức các đoàn kiểm tra, nhắc nhở và cập nhật kịp thời các hướng dẫn chuyên mônư.
Bộ Văn hóa- Thể thao- Du lịch thực hiện nghiêm các chỉ đạo không đưa khách du lịch Việt Nam đến các vùng dịch đã được công bố và khuyến cáo công dân Việt Nam hạn chế tối đa đi đến những vùng đã phát hiện người nhiễm nCoV tại Trung Quốc; theo dõi, quản lý chặt chẽ khách du lịch, nhất là những người đến từ Trung Quốc hoặc qua Trung Quốc, tiếp xúc với người Trung Quốc ở vùng dịch.
Bộ Giao thông Vận tải thực hiện tốt khuyến cáo trên các chuyến bay, nhất là việc thực hiện các chuyến bay đi-đến từ Trung Quốc ở các nước để phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, trên tinh thần “tuân thủ theo thông lệ quốc tế và Việt Nam đặt cao hơn một mức”.
“Quan trọng nhất là các cấp chính quyền, trực tiếp là chủ tịch UBND tỉnh, nhất là những tỉnh có nhiều khách du lịch đến từ Trung Quốc, phải quan tâm chỉ đạo các lực lượng hết sức cảnh giác, chặt chẽ, không được chủ quan, phải làm tốt, nghiêm ngay từ đầu”, Phó Thủ tướng chỉ rõ.
Theo thông tin từ Hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm của Việt Nam, Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam (PHEOC Việt Nam) tính đến ngày 26-1, thế giới đã ghi nhận 2.019 trường hợp mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV, trong đó có 56 trường hợp tử vong (đều tại TP Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc và có 1 trường hợp là cán bộ y tế).
So với ngày 25-1, số ca mắc tăng 719 trường hợp, số trường hợp tử vong tăng 15 trường hợp. Tại Trung Quốc đã ghi nhận 1.979 trường hợp tại 30 tỉnh/thành phố. Trung Quốc đã triển khai phong tỏa 18 thành phố của tỉnh Hồ Bắc, dừng hoạt động các phương tiện giao thông ra, vào thành phố.
"Các bằng chứng cho thấy việc lây nhiễm nCoV chỉ diễn ra ở các chùm ca bệnh là những người trong gia đình và những người tiếp xúc rất gần. Tất cả các trường hợp ca bệnh xâm nhập đến các quốc gia hiện nay đều có tiền sử đi từ thành phố Vũ Hán hoặc đã từng đến đây. Tỷ lệ tử vong khi nhiễm nCoV tại Trung Quốc khoảng 3-4%, số ca bệnh nặng 20-25%...", bà Satoko, chuyên gia WHO tại Việt Nam. |
Ngoài Trung Quốc, hiện tại đã ghi nhận 40 trường hợp trường hợp bệnh xâm nhập tại 12 quốc gia và 3 vùng lãnh thổ thuộc Trung Quốc bao gồm: Thái Lan (5 trường hợp), Hồng Kông (5), Australia (4), Singapore (3), Malaysia (3), Pháp (3), Đài Loan - Trung Quốc (3), Hàn Quốc (3), Nhật Bản (2), Việt Nam (2), Hoa Kỳ (2), Ma Cao - Trung Quốc (2), Nepal (1), Canada (1), Pakistan (1).
Đáng chú ý, ngoài 2 trường hợp là người Trung Quốc nhập cảnh được xác định là viêm phổi cấp do nCoV đang điều trị, cách ly tại Bệnh viện Chợ Rẫy thì tại Việt Nam tới ngày 26-1 đã ghi nhận 59 trường hợp có triệu chứng sốt, có tiền sử đi về từ vùng có dịch, bao gồm 22 trường hợp đã được loại trừ nhiễm nCoV, 35 trường hợp tiếp tục theo dõi, cách ly.
Làm rõ hơn về các trường hợp nghi nhiễm nCoV đang được cách ly, PGS.TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, các cơ sở y tế ở miền Bắc đang cách ly, điều trị 23 trường hợp thuộc diện nghi ngờ và đang được xét nghiệm.
Ở miền Nam, PGS.TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM cho hay, tại Phú Quốc đang cách ly, theo dõi 2 người Trung Quốc đến từ Hồ Bắc, có biểu hiện sốt, ho.
Tại miền Trung có 24 trường hợp nghi nhiễm nCoV được lấy mẫu xét nghiệp, đã loại trừ 14 người, còn 10 trường hợp đang cần thêm các xét nghiệm.
Như vậy cả nước còn 35 trường hợp thuộc diện nghi nhiễm nCoV, đang tiếp tục được cách ly, theo dõi và tiến hành xét nghiệm.
Mọi người tiếp xúc với trường hợp nghi nhiễm nCoV đều được ngành y tế địa phương tư vấn, theo dõi chặt chẽ, bảo đảm không bỏ sót các trường hợp nghi ngờ.
Về 2 bệnh nhân người Trung Quốc nhiễm nCoV tại TPHCM thì người con đang tốt dần và có thể xuất viện, còn người cha do mắc đến bệnh cảnh nền nên tiến triển chậm, đang được theo dõi, điều trị chặt chẽ.
"Các biện pháp giám sát, phát hiện ca bệnh ngay từ ban đầu tại các cơ sở y tế vô cùng quan trọng. Điều tra dịch tễ phải bám sát từ đầu cho đến cuối, thực hiện tốt việc phân luồng, cách ly đặc biệt đối với các ca bệnh nghi ngờ. Tuy nhiên, chúng ta phòng dịch ở mức cao nhất nhưng không có gì phải hoang mang quá vì 2 trường hợp nhiễm nCoV ở Việt Nam là ca bệnh xâm nhập", GS.TS Trần Đắc Phu (nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng) |
Trước diễn biến phức tạp của dịch viêm phổi cấp do nCoV, Bộ Y tế tiếp tục triển khai các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng và Phó Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp do nCoV, bao gồm: Giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV và duy trì theo dõi, cập nhật kết quả điều tra các trường hợp tiếp xúc trực tiếp với người bệnh tại các khu vực; Tổ chức điều tra và lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp có các triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV ngay khi nhận được thông tin; Công tác triển khai tờ khai y tế trong hai ngày đầu triển khai đã có tổng cộng trên 50.000 hành khách đến từ Trung Quốc thực hiện khai báo y tế; Báo cáo kịp thời hàng ngày với Thủ tướng Chính phủ về tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV.
Nguyễn Quốc/ SGGPO