Luật Doanh nghiệp 2020 và Luật Đầu tư 2020 đã được cập nhật và sửa đổi nhằm phù hợp với tình hình đất nước đang ngày càng hội nhập sâu và rộng trên trường quốc tế. Sự am hiểu về hai luật này rất quan trọng cho nhà đầu tư (NĐT) và doanh nghiệp (DN). Bởi vì khi hiểu biết về luật, nắm rõ luật sẽ giảm thiểu rủi ro, tạo sự ổn định cho công ty và đặc biệt giúp NĐT định hướng được chiến lược phát triển dài hạn. Trong quá trình hoạt động, các vấn đề mà DN, NĐT luôn luôn phải đối mặt như quyền sở hữu trí tuệ, thủ tục hành chính, mô hình hoạt động, thuế, tranh chấp hợp đồng… chính là yếu tố rủi ro ảnh hưởng trực tiếp đến DN.
Đối với Luật Đầu tư 2020, theo ông Phạm Tuấn Anh – Phó phòng Kinh tế đối ngoại, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh chia sẻ: “Một trong những sửa đổi quan trọng là bãi bỏ một số ngành nghề khác trong kinh doanh có điều kiện. Việc sửa đổi này là điểm nhấn quan trọng, góp phần tháo gỡ khó khăn không chỉ ở luật này mà cả các luật khác liên quan đến những dự án đầu tư.”
“Những thay đổi trên giúp tháo gỡ khó khăn lớn nhất mà các Nhà đầu tư (NĐT) đang gặp phải hàng ngày. Các quy định về ưu đãi, hỗ trợ đầu tư cũng được tập trung trong lần sửa luật này. Trong giai đoạn đang có biến động lớn về sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư trên thế giới và trước sự cạnh tranh giữa các nước để thu hút đầu tư, ưu đãi sẽ là một công cụ hữu hiệu để thu hút đầu tư vào Việt Nam” – ông Phạm Tuấn Anh khẳng định.
Cũng theo ông Phan Đức Hiếu – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) thì những điểm mới của Luật Doanh nghiệp 2020 cho phép DN được thuận lợi hơn không chỉ trong việc thành lập mà còn trong cả quá trình gia nhập thị trường và nhất là quản trị DN. Cụ thể hơn, luật mới cho phép DN tự làm con dấu, trao toàn bộ quyền cho DN và bỏ thủ tục thông báo mẫu dấu cho cơ quan chức năng, đồng thời việc đăng ký kinh doanh cũng trở nên dễ dàng hơn khi có hệ thống đăng ký kinh doanh hoàn toàn qua mạng hoặc đăng ký qua dịch vụ bưu chính, trong khi luật cũ quy định dấu DN là do cơ quan công an cấp. Luật còn hướng tới nâng cao khả năng quản trị cho DN, thông qua việc sửa đổi một số điều như trách nhiệm của người quản lý, quyền cổ đông, cho phép cổ đông được kiện người quản lý để bảo vệ quyền lợi của mình; nâng cao việc bảo vệ quyền lợi cổ đông khi cho phép cổ đông chỉ cần sở hữu 5% cổ phần là có thể triệu tập cuộc họp; hoặc đại hội cổ đông có quyền bãi nhiệm kiểm toán viên độc lập và thay kiểm toán viên khác…
Nhận định về hai luật mới này, theo ý kiến của Tiến sĩ Trần Du Lịch – Phó Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC): “Doanh nghiệp vừa trải qua một giai đoạn khó khăn khi hoạt động kinh doanh gặp trục trặc, doanh thu sụt giảm do dịch bệnh Covid-19, việc thay đổi chính sách nhằm tạo thuận lợi cho DN chuyển mình lúc này là điều rất cần thiết.”
Có thể thấy, Luật Doanh nghiệp 2020 và Luật Đầu tư 2020 hướng đến mục tiêu tổng thể là quản trị tốt DN, từ đó tạo dựng môi trường kinh doanh, môi trường đầu tư thuận lợi, minh bạch, an toàn, đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư kinh doanh.
Theo ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), bên cạnh những thay đổi tích cực, Luật Đầu tư 2020 và Luật Doanh nghiệp 2020 vẫn còn nhiều điểm chồng chéo khi áp dụng vào thực tiễn. Luật cũng chưa đề cập đến các hộ kinh doanh, tức không được hưởng các chương trình hỗ trợ, ưu đãi cho dù nhóm đối tượng này chiếm 30% GDP. “Trong khi đó, khoảng cách thực tế giữa luật và thủ tục hành chính vẫn chưa được cải thiện, đây là một điểm tồn tại gây khó khăn cho DN, vì thế cần cải thiện trong thời gian tới” – ông Đậu Anh Tuấn nói.
Để áp dụng các điều luật sao cho hiệu quả và an toàn, ông Đậu Anh Tuấn khuyến nghị, DN cần được hướng dẫn và lưu ý một cách kỹ lưỡng về các điều khoản, hệ quả pháp lý và các rủi ro có thể phát sinh.
Chẳng hạn như, Luật Đầu tư 2020 cắt giảm 22 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; quy định Danh mục ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với NĐT nước ngoài theo cách tiếp cận chọn bỏ, nâng cao tính minh bạch trong áp dụng cam kết về mở cửa thị trường của Việt Nam theo các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, đặc biệt là bổ sung “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” vào Danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh nhằm thúc đẩy DN hướng đến phương thức thu hồi nợ văn minh hơn qua: Tòa án, trọng tài, hòa giải… “Đối với Luật DN 2020, các DN cần lưu ý những thay đổi, cải cách về gia nhập thị trường, sửa đổi khái niệm DN nhà nước để xác định rõ loại DN mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ và DN mà Nhà nước sở hữu hơn 50% vốn điều lệ để có cách thức và phương thức quản lý, giám sát phù hợp…” – ông Đậu Anh Tuấn chia sẻ.
Đối với nhà đầu tư trong nước, ở thời điểm hiện tại Luật đầu tư mới đã định hướng cởi mở hơn rất nhiều. Ngoài những yếu tố thuận lợi chung thì NĐT trong nước được hưởng nhiều thuận lợi hơn so với Luật cũ. Vì trong Luật đầu tư, Luật kinh doanh 2020 đã sửa đổi rất nhiều các quy định pháp luật như: Luật nhà ở, Luật môi trường, Luật kinh doanh bất động sản,… đã được tháo gỡ trong lần này. Bên cạnh đó, danh mục đầu tư kinh doanh có điều kiện đã được giảm đi rất nhiều so với Luật cũ. Song song đó, những thay đổi của 2 Luật trên nhằm giúp DN tiếp cận thị trường một cách hiệu quả, đồng thời giúp DN hiểu được bên cạnh việc tập trung mở rộng hoạt động kinh doanh, cũng cần lưu ý đến yếu tố về giải quyết tranh chấp nhằm hạn chế tối đa các thiệt hại không có. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế, quốc tế hiện tại, trọng tài, hòa giải là những hình thức mà DN có thể cân nhắc để giải quyết tranh chấp nhanh chóng, kịp thời.
Nguồn Tạp chí MeKong-Asean