"Bông hồng thép" tạo nên lịch sử thể thao Trung Quốc: Hành trình rửa hận và báo ân giành lấy HCV Olympic

12/08/2024 05:32

Nếu như câu chuyện của Vinesh Phogat - đô cử người Ấn Độ, ở Olympic Paris để lại rất nhiều sự tiếc nuối, thì tấm HCV quyền Anh lịch sử của Trung Quốc lại là "câu chuyện cổ tích" có hậu.

Sáng sớm ngày 9/8, sau khi vượt qua đối thủ người Thổ Nhĩ Kỳ trong trận chung kết hạng cân 54kg, nữ võ sĩ Chang Yuan đang ghi tên mình vào lịch sử thể thao Trung Quốc bằng tấm huy chương vàng Olympic môn quyền Anh nữ của quốc gia tỷ dân này.

Tại Thế vận hội Paris lần này, Chang Yuan đã thể hiện phong độ cực kỳ tuyệt vời. Ở trận ra mắt, cô đánh bại võ sĩ người Ireland - Jennifer Lehane, với tỷ số 5-0 để tiến vào tứ kết đối đầu cùng hạt giống số 1 Stanislava Petropova. Trận thắng 4-1 cực kỳ xứng đáng đưa tay đấm Trung Quốc để gặp lại "cựu thù" Pang Chol-mi. Đối thủ Bắc Triều Tiên này chính là người một năm trước tước đi chiếc HCV trên sân nhà của Chang Yuan khi thắng 3-2 trong trận chung kết Đại hội thể thao châu Á tổ chức tại Hàng Châu.

"Bông hồng thép" tạo nên lịch sử thể thao Trung Quốc: Hành trình rửa hận và báo ân giành lấy HCV Olympic - Ảnh 1.

Chiến thắng "rửa hận" 3-2 đã đưa tay đấm người Trung Quốc thẳng tiến đến trận chung kết Olympic Paris, để rồi đem về tấm huy chương vàng Olympic lịch sử cho nước nhà. Ngay sau chiến thắng trước Pang Chol-mi, Chang Yuan đã vung nắm đấm vào không khí và hét lớn, như thể trút hết cảm xúc bị kìm nén bấy lâu nay. Trong cuộc phỏng vấn ngay sau trận bán kết, nữ võ sĩ này đã giãi bày: "Tôi thực sự hồi hộp trước trận đấu này. Tôi mất ngủ cả đêm. Tôi nghĩ đi nghĩ lại về cách đánh để khắc chế Pang Chol-mi, bởi chính cô ấy đã khiến tôi mất tấm huy chương vàng ngay trên đất nước mình. Tôi quyết tâm giành lại nó trên sân khấu lớn hơn - Olympic".

Đáng nói là nội dung của Chang Yuan là cuộc cạnh tranh cực kỳ khốc liệt ở đấu trường Olympic Paris. Trước khi giải đấu bắt đầu, cô gái Trung Quốc chỉ được xếp hạt giống số 8. Tuy nhiên quyết tâm của cô dường như lớn hơn tất cả các đối thủ. Để giành tấm huy chương vàng ở Paris, Chang Yuan đã thay đổi lối đánh của mình, những cú đấm tay trái của cô nhiều hơn hẳn, và lối chơi phản đòn khiến đối thủ phải ngạc nhiên.

"Bông hồng thép" tạo nên lịch sử thể thao Trung Quốc: Hành trình rửa hận và báo ân giành lấy HCV Olympic - Ảnh 2.

Chang Yuan lớn lên trong môi trường võ thuật, với cả ông và cha đều là những võ sư, song bộ môn võ thuật đầu đời lại không phải là quyền Anh, mà lại là teakwondo. Mười lăm năm trước, năm 2009, bước ngoặt đến với cô gái này khi chứng kiến một buổi tập luyện của đội tuyển quyền Anh nữ Hà Nam. Vừa ngạc nhiên, vừa hào hứng trước những bước chân, cú đòn đầy năng động của các võ sĩ quyền Anh, cô thuyết phục gia đình cho mình chuyển sang chơi boxing.

Đây là quyết định khiến cô biết ơn bản thân mình, cũng như sự ủng hộ của gia đình.

"Kể từ khi bắt đầu chơi thể thao, tôi đã nuôi ước mơ được tham dự Olympic. Tôi không nghĩ rằng mình sẽ có cơ hội nếu tiếp tục chơi teakwondo. Năm 2012, quyền Anh nữ mới được đưa vào Olympic London, và khi đó không có nhiều võ sĩ nữ tham gia. Bởi vậy tôi thấy đây là con đường dễ dàng hơn để đạt được ước mơ của mình", Chang Yuan lý giải về con đường đến với quyền Anh.

Trong thành công lịch sử của Chang Yuan, không thể không nhắc đến "sư phụ" của cô - Zhang Xiyang. Từng được coi là "nữ hoàng võ đài" của Trung Quốc với việc sưu tập đủ các đai vô địch WBA, WIBC và WIBA, song khi quyền Anh nữ được trở thành môn thể thao chính thức của Thế vận hội ở Olympic London 2012, người hâm mộ và bản thân Zhang Xiyang vấp phải sự hẫng hụt lớn, bởi chỉ những võ sĩ nghiệp dư mới được tham gia đấu trường này. Zhang Xiyang thì không.

Thất vọng tột cùng, Zhang Xiyang tuyên bố giải nghệ vào năm 2011.

"Bông hồng thép" tạo nên lịch sử thể thao Trung Quốc: Hành trình rửa hận và báo ân giành lấy HCV Olympic - Ảnh 3.

Và cũng từ đó, những nhiệt huyết giành cho quyền Anh được "sư phụ" Zhang Xiyang gửi gắm cả vào "đồ nhi" Chang Yuan: "Tôi đặt cả niềm tin của mình vào con bé này. Nếu đặt chân được đến đấu trường Olympic, chắc chắn nó sẽ là nhà vô địch, thậm chí sẽ không chỉ một lần. Tôi hoàn toàn tin tưởng vào năng lực của đệ tử mình".

Suốt gần một thập kỷ miệt mài huấn luyện Chang Yuan, Zhang Xiyang luôn là chỗ dựa tinh thần vững chắc nhất của cô học trò nhỏ. Chính sự tận tụy của cô đã truyền cảm hứng mãnh liệt cho nhà vô địch Olympic.

"Thỉnh thoảng tôi lại thấy đau lòng khi chứng kiến nỗ lực và sự kiên trì mà sư phụ dành cho mình. Sư phụ hi sinh thời gian dành cho gia đình để tập luyện cho tôi, từ khi kết hôn, sư phụ chỉ gặp chồng một, hai lần mỗi năm. Phần lớn thời gian của mình, sư phụ dành cho tôi", Chang Yuan tâm sự với những giọt nước mắt rưng rưng.

Vì sư phụ, Chang Yuan không chỉ coi việc giành tấm huy chương vàng Thế vận hội là tham vọng cá nhân hay nghĩa vụ với đất nước, mà còn là thực hiện cả giấc mơ mà sư phụ chưa từng đạt được.

Sau trận chung kết ở Paris, hai cô trò đã ôm nhau khóc như mưa. Những giọt nước mắt vì vui sướng, vì tự hào, vì sự đền đáp cho những hi sinh của cả hai. Món quà báo ân mà cô học trò nhỏ dành cho sư phụ của mình ngày hôm nay là vô giá và đầy xứng đáng.