Bộ trưởng Lê Minh Hoan nêu chính sách hỗ trợ bà con nông dân bị thiệt hại bởi bão lũ

05/11/2024 16:30

(Chinhphu.vn) - Câu chuyện của bão Yagi để lại bài học là phải cấu trúc lại toàn bộ hệ thống ngành hàng nông nghiệp nhằm thích ứng bền vững. Các chính sách hỗ trợ được thiết kế với tinh thần dù không thể đền bù hết được tất cả những mất mát của bà con nhưng cũng không để khoảng cách quá xa với thiệt thòi, thiệt hại của bà con.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan nêu chính sách hỗ trợ bà con nông dân bị thiệt hại bởi bão lũ- Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Chiều 4/11, Quốc hội tiếp tục tiến hành thảo luận phiên toàn thể tại hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch năm 2025 và nhiều nội dung quan trọng khác.

Giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng cơn bão Yagi để lại cho chúng ta nhiều bài học, kể cả về tình người cũng như nội lực của đất nước với sự tham gia của xã hội hàng trăm nghìn người bao gồm lực lượng vũ trang, công an, dân sự... Có những thời khắc lịch sử rất khó khăn, không có giải pháp hoàn hảo mà chỉ chọn giải pháp để thiệt hại nhỏ nhất.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, biến đổi khí hậu không phải là chuyện xa xôi mà ngay cả những quốc gia có tiềm lực về khoa học công nghệ, ứng phó thiên tai hay có tiềm lực kinh tế lớn như: Mỹ, Châu Âu.. cũng phải chống chịu với những thảm họa, những cú sốc của thiên tai.

“Chúng ta phải nâng cấp tất cả tư duy nhìn về thảm họa, thiên tai ở một cấp độ cao hơn và xử lý những tình huống cao hơn, kể cả về hạ tầng, tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy hoạch các địa phương ven biển…”, Bộ trưởng nêu.

Đối với vấn đề các đại biểu Quốc hội quan tâm về hỗ trợ bà con sau bão lũ, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, Bộ NN&PTNT đã trình Thủ tướng 2 dự thảo Nghị định về hỗ trợ sản xuất nông nghiệp bị tổn thất do thiên tai và hỗ trợ sản xuất bị tổn thất do dịch bệnh trên động vật với cách tiếp cận là dù không thể đền bù hết được tất cả những mất mát của bà con, nhưng cũng không để khoảng cách quá xa với thiệt thòi, thiệt hại của bà con. Bên cạnh đó, cần thiết kế chính sách để không bị lợi dụng chính sách, không bị trục lợi cũng như không làm cho những người thiệt hại khó khăn, vì đây là vấn đề rất lớn.

"Trong khi nguồn lực có hạn, chúng tôi đã thiết kế lại những chính sách. Một là nâng mức hỗ trợ lên, hai là cho phép các chính quyền địa phương thông qua Hội đồng nhân dân có thể hỗ trợ nhiều thêm để các địa phương có điều kiện hỗ trợ cho bà con một cách kịp thời", Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.

Về bảo hiểm nông nghiệp, Bộ trưởng NNPT&NT cho hay đang thiết kế lại dự thảo, trình Bộ Tài chính để sửa đổi Nghị định 58 về bảo hiểm nông nghiệp, bởi "chưa bao giờ chúng ta thấy bảo hiểm nông nghiệp cần thiết như sau cơn bão Yagi".

Như vậy, câu chuyện của bão Yagi để lại là phải cấu trúc lại toàn bộ hệ thống ngành hàng nông nghiệp để thích ứng bền vững. Những chiếc lồng bè ở Vân Đồn, Quảng Ninh cần chắc chắn hơn và những bến cảng cần chống chịu được những hình thái, cấp độ giông bão cao hơn.

Ngoài ra, về nuôi trồng thủy, kể cả trồng trọt, chăn nuôi. Tất cả những điều đó phải được ban hành một tiêu chuẩn và quy chuẩn mới để thích ứng, nhất là chúng ta phản ứng một cách năng động hơn, nhanh nhạy hơn một hệ thống từ trung ương cho tới địa phương.

Thanh tra EU ghi nhận những cải thiện về chống khai thác IUU của Việt Nam 

Liên quan tới phát triển thủy sản bền vững, Bộ trưởng Lê Minh Hoan thông tin, Thủ tướng vừa ban hành Công điện số 111/CĐ-TTg ngày 4/11/2024 về việc tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách, trọng tâm chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), chuẩn bị đón và làm việc với Đoàn Thanh tra lần thứ 5 của Ủy ban châu Âu.

Theo Bộ trưởng, các quy định của IUU cũng đã được quy định trong Luật Thủy sản, vấn đề quan trọng là thực thi trong thực tế.

Đối với những biện pháp gỡ thẻ vàng thủy sản, Bộ trưởng cho biết, những khuyến cáo của EU đã được cải thiện rất nhiều. Đây là công sức của cả một hệ thống chính trị từ trung ương tới địa phương, sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ cũng như của lãnh đạo các địa phương. Điều này đã được đoàn thanh tra EU ghi nhận, chúng ta phải cùng nhau hợp lực lại ở khoảng thời gian cuối cùng này.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho hay, hiện nay, nhiều địa phương có những hành động quyết liệt để ngăn chặn hành vi đánh bắt, khai thác hải sản bất hợp pháp; các lực lượng chấp pháp cũng hỗ trợ lực lượng chức năng ở địa phương trong việc nỗ lực gỡ thẻ vàng IUU…

Đã có rất nhiều địa phương nuôi biển rất tốt như: Quảng Ninh, Hà Tĩnh, Bình Định, Bình Thuận, Phú Yên, có những cộng đồng đồng quản lý nguồn lợi thủy sản, trước đây là khai thác ở ngoài khơi bây giờ vào để nuôi trồng ở cận bờ và ở ven bờ.... 

Bộ trưởng cũng đề nghị các đại biểu Quốc hội ngoài trách nhiệm giám sát các thành viên Chính phủ hay Chính phủ thì trong những cuộc tiếp xúc cử tri ở 675 xã ven biển, các đại biểu cùng với Chính phủ, cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương lan tỏa tinh thần phát triển thủy sản bền vững, giảm khai thác, tăng nuôi trồng, bảo tồn biển...

Hải Giang

Tham khảo thêm
Tham khảo thêm
Tập trung tháo gỡ các khó khăn, ‘điểm nghẽn’ để tiếp tục phục hồi và phát triểnTập trung tháo gỡ các khó khăn, ‘điểm nghẽn’ để tiếp tục phục hồi và phát triển
Tham khảo thêm
Tham khảo thêm
Đánh thức 3 động lực nội sinh để phát triển đất nướcĐánh thức 3 động lực nội sinh để phát triển đất nước
Tham khảo thêm
Tham khảo thêm
Hôm nay (4/11): Quốc hội thảo luận về các vấn đề kinh tế - xã hộiHôm nay (4/11): Quốc hội thảo luận về các vấn đề kinh tế - xã hội