Bộ Nội vụ đề xuất cấp huyện thuộc khu vực hải đảo chuyển thành đặc khu

13/04/2025 16:30

Bộ Nội vụ đề xuất, kể từ ngày 1/7, các đơn vị hành chính cấp huyện thuộc khu vực hải đảo được chuyển thành đặc khu, do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định thành lập.

Bộ Nội vụ đã hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi).

Trong đó, dự án luật đề xuất 11 nội dung chuyển tiếp, nhằm bảo đảm hoạt động liên tục, bình thường của các cơ quan đơn vị mới khi chuyển đổi mô hình tổ chức chính quyền địa phương 3 cấp thành 2 cấp.

Trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày luật có hiệu lực thi hành, các văn bản quy phạm pháp luật có nội dung quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương các cấp phải được sửa đổi, bổ sung.

Bộ Nội vụ đề xuất cấp huyện thuộc khu vực hải đảo chuyển thành đặc khu- Ảnh 1.

Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà.

Dự án luật đề xuất, kể từ ngày 1/7, các đơn vị hành chính cấp huyện thuộc khu vực hải đảo được chuyển thành đặc khu. Đây là một đơn vị hành chính cấp xã mới, do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định thành lập phù hợp với quy mô dân số, diện tích tự nhiên, điều kiện địa lý, dân cư, yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Dự án luật cũng nêu rõ, khi giải thể đơn vị hành chính cấp huyện, thường trực HĐND cấp tỉnh có thẩm quyền chỉ định các đại biểu HĐND cấp huyện hoặc được cơ quan có thẩm quyền điều động, bố trí công tác tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị của chính quyền địa phương ở xã, phường, đặc khu trực thuộc (trước khi đơn vị hành chính cấp huyện bị giải thể) làm đại biểu của HĐND nhiệm kỳ 2021 - 2026 của xã, phường, đặc khu đó. Trừ trường hợp đại biểu HĐND quận thuộc Hà Nội, đại biểu HĐND thành phố Thủ Đức (TPHCM).

Bàn giao công việc, hồ sơ trong 15 ngày

Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày luật này có hiệu lực thi hành, thường trực HĐND, UBND, chủ tịch UBND cấp huyện và các cơ quan trực thuộc phải hoàn thành việc bàn giao công việc, hồ sơ, tài liệu, tài chính, trụ sở, cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền.

Đồng thời, cần bảo đảm cho hoạt động bình thường, liên tục, thông suốt của các cơ quan, không để gián đoạn công việc, không để chồng chéo, trùng lặp hoặc bỏ sót nhiệm vụ, không làm ảnh hưởng đến nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, hoạt động bình thường của xã hội, người dân, doanh nghiệp, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Với các công trình, dự án đầu tư thuộc thẩm quyền của chính quyền địa phương cấp huyện đang thực hiện, nếu đến ngày 1/7 mà vẫn chưa hoàn thành hoặc đã hoàn thành trước ngày 1/7 nhưng sau đó phát sinh vấn đề liên quan cần giải quyết thì chủ tịch UBND cấp tỉnh có trách nhiệm phân công UBND cấp xã nơi có công trình, dự án đầu tư tiếp tục thực hiện.

Trường hợp công trình, dự án đầu tư có liên quan từ 2 đơn vị hành chính cấp xã mới hình thành sau sắp xếp trở lên, hoặc vượt quá thẩm quyền thực hiện của chính quyền địa phương cấp xã thì chủ tịch UBND cấp tỉnh có trách nhiệm phân công cơ quan chuyên môn, cơ quan hành chính khác thuộc UBND cấp mình tiếp tục thực hiện…

Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội xem xét, quyết định tại Kỳ họp thứ 9, khai mạc vào đầu tháng 5 tới.