Gia nhập câu lạc bộ 10.000 tỷ đồng
Nếu không có cảnh rớt giá của cao su, tiêu, cà phê, điều - những mặt hàng nông sản xuất khẩu chiến lược của Bình Phước - thì tỉnh này đã có thể sớm gia nhập hàng ngũ các tỉnh có số thu ngân sách 10.000 tỷ đồng. Những khó khăn khách quan ấy chính là phép thử cho đội ngũ lãnh đạo tỉnh trong hành trình thoát nghèo, vươn lên thịnh vượng. Trong nhiệm kỳ 2015-2020, tỉnh đã chọn ra các lĩnh vực đột phá để tập trung chỉ đạo với 6 chương trình kinh tế trọng tâm là: Phát triển công nghiệp - xây dựng, phát triển nông nghiệp, du lịch, thương mại - dịch vụ, đô thị hóa và chương trình xây dựng nông thôn mới - giảm nghèo bền vững. Đi kèm với đó là 12 dự án trọng điểm, đến nay đã có 6 dự án hoàn thành, 4 dự án hoàn thành giai đoạn 1 và đang triển khai 2 dự án. Nhờ đó, kinh tế có mức tăng trưởng đáng kể với quy mô nền kinh tế đạt 68.000 tỷ đồng; kết cấu hạ tầng được đầu tư, nâng cấp với 6.900km đường, trong đó có 3.000km quốc lộ, tỉnh lộ được nhựa hóa. Năm 2019, lần đầu tiên số thu ngân sách của tỉnh đạt 9.000 tỷ đồng; dự kiến năm nay tỉnh sẽ thu đạt 10.200 tỷ đồng, gấp 2,68 lần số thu của năm 2015.
Một góc thị xã Phước Long
Là tỉnh có bề dày truyền thống đấu tranh cách mạng gắn liền với chiến tích giải phóng huyện Lộc Ninh, rồi tỉnh Phước Long - tỉnh đầu tiên của miền Nam dưới chế độ Sài Gòn được giải phóng vào ngày 6-1-1975, đưa đến thắng lợi hoàn toàn của cuộc Tổng tấn công mùa xuân năm 1975, nên hơn ai hết, chính lớp cán bộ trẻ đang giữ cương vị lãnh đạo của các sở ngành, trong đó có Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Phước, nhận thức được điều này. Họ đã lập ra trang Fanpage “Tự hào Bình Phước” trên mạng Facebook từ tháng 12-2017. Đến nay, trang đã thu hút 24 triệu lượt truy cập, hiện bình quân có 717.000 lượt/tháng; qua đó, chuyển tải lên mạng xã hội các thông tin tổng hợp về phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, quảng bá về một Bình Phước đổi mới, đang trên đường phát triển với khí thế tự hào.
Hướng đến phát triển bền vững
Không chỉ bứt phá mạnh về kinh tế, Bình Phước gần đây cũng luôn quan tâm đến an sinh xã hội, chăm lo cho người nghèo với chương trình 1.000 căn nhà, 1.000km đường giao thông nông thôn và cùng với sự đầu tư của ngân sách Trung ương, sự nỗ lực vươn lên của chính hộ nghèo, đã giúp tỷ lệ hộ nghèo hiện chỉ còn 2,55%, thu nhập bình quân đầu người bình quân hiện đạt 3.000 USD/năm, gấp 1,54 lần so với cách đây 5 năm.
Và không thể không nhắc đến công tác quốc phòng - an ninh, với một tỉnh có đường biên giới dài chung nước bạn Campuchia, tỉnh đã sớm hoàn thành cắm mốc đường biên giới cách đây 2 năm, thường xuyên tổ chức giao lưu nhân dân giữa các địa phương giáp biên. Cùng với đó là công tác an ninh trật tự được đảm bảo, đã giúp tỉnh có được thế trận “ngoài yên, trong ổn” như cách ví von của ông Trần Tuyết Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước. Chính sự phát triển hài hòa về kinh tế đi đôi với đảm bảo an ninh - quốc phòng, an sinh xã hội đã giúp Bình Phước có được thế đứng vững vàng trong chặng đường phát triển mới.
Trong nhiệm kỳ 2020-2025, Bình Phước mạnh dạn xây dựng chiến lược phát triển mới, mời các chuyên gia tham gia phản biện để tạo sự thống nhất cao trong hành động. Đó là: Xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh toàn diện; xây dựng chính quyền điện tử, địa phương thông minh; giữ vững ổn định xã hội; đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và bền vững; nâng cao đời sống nhân dân, giảm nghèo bền vững; xây dựng đô thị hiện đại, nông thôn mới văn minh và quốc phòng - an ninh vững chắc. Đi kèm với đó là những mục tiêu rất cụ thể, như tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm từ 9%-10%/năm, thu nhập bình quân đầu người đạt 100 triệu đồng/năm, thu ngân sách đạt từ 18.000-18.500 tỷ đồng và kim ngạch xuất khẩu đạt 5 tỷ USD.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuệ Hiền cho biết, thời gian tới, Bình Phước sẽ tập trung nguồn lực phát triển hệ thống giao thông kết nối; đổi mới chính sách thu hút, ưu đãi đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển; đẩy mạnh cải cách hành chính, tiếp tục đầu tư lĩnh vực công nghệ thông tin, vận hành thông suốt chính quyền điện tử; xây dựng chính sách thu hút lao động, chú trọng đào tạo nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và quan tâm giải quyết các vấn đề xã hội, nhất là ở vùng nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. |
VĂN PHONG