Trang Army Recognition dẫn nguồn một số tờ báo Nga ngày 1/7 cho biết, ít nhất 2 tàu hộ tống lớp Gremyashchiy thuộc Dự án 20385 của Nga đã được nâng cấp để có thể khai hỏa tên lửa siêu thanh Zircon.
Những cải tiến đã được thực hiện trên các tàu hộ tống Gremyashchiy và Provornyy – một phần của Hạm đội Thái Bình Dương của Hải quân Nga. Các nguồn tin trong ngành đóng tàu Nga đã xác nhận điều này.
Cải tiến cho phép các tàu hộ tống lớp Gremyashchiy có thể đối đầu với các tàu cùng loại, bao gồm khinh hạm, khu trục hạm và thậm chí cả hàng không mẫu hạm (tàu sân bay).
“Hổ thêm cánh”
Tàu dẫn đầu lớp, Gremyashchiy, gia nhập Hạm đội vào cuối năm 2020, đã được nâng cấp tổ hợp bệ phóng hợp nhất đa năng (UKSK) 3S14 để chứa 8 ô tên lửa. Sự điều chỉnh này cho phép Gremyashchiy phóng tên lửa hành trình Kalibr, tên lửa chống hạm Onyx và đặc biệt đáng gờm là tên lửa siêu thanh Zircon.
Tàu Provornyy, được hạ thủy vào năm 2019, đã bị hư hại do hỏa hoạn nghiêm trọng vào năm 2021, phải trì hoãn việc đưa vào hoạt động đến năm 2024. Bất chấp thiệt hại, công tác sửa chữa trên diện rộng đã được hoàn thành và con tàu sắp hoàn thiện tại xưởng đóng tàu Severnaya Verf ở St. Petersburg. Trong quá trình xây dựng, Provornyy đã nhận được hệ thống UKSK 3S14 hiện đại hóa, giúp nó có khả năng phóng tên lửa Zircon ngay từ đầu.
3M22 Zircon, còn được gọi là 3M22 Tsirkon (mã NATO: SS-N-33), là tên lửa hành trình siêu thanh của Nga được thiết kế cho nhiều mục đích, bao gồm các nhiệm vụ chống hạm, tấn công mặt đất và phóng từ tàu ngầm.
Tên lửa Zircon có chiều dài khoảng 9 m, đường kính 60 cm và mang đầu đạn có thể nổ mạnh (HE) hoặc đầu đạn hạt nhân. Nó có tầm bắn tối đa 1.000 km và có thể đạt tốc độ tối đa Mach 9 (6.900 mph; 11.000 km/h; 3,1 km/s). Tốc độ này của Zircon khiến các hệ thống phòng thủ tên lửa hiện tại gặp khó khăn trong việc đánh chặn, đồng thời nâng cao hiệu quả của nó trong việc xuyên thủng hệ thống phòng thủ của đối phương.
Ngoài ra, tốc độ siêu thanh của Zircon tạo ra đám mây plasma trong giai đoạn hành trình siêu âm, hấp thụ sóng vô tuyến và khiến các hệ thống radar chủ động khó phát hiện. Đường bay của tên lửa bao gồm giai đoạn tăng cường với động cơ nhiên liệu rắn để tăng tốc siêu âm, tiếp theo là động cơ phản lực tĩnh siêu âm (scramjet) ở giai đoạn thứ hai cho đường bay siêu thanh.
Nó hoạt động ở độ cao lên tới 28 km (92.000 feet) và có thể bao phủ các phạm vi khác nhau, từ 135-270 hải lý (250-500 km) ở độ cao thấp, và lên tới 400 hải lý (740 km) theo quỹ đạo bán đạn đạo.
Chuyên gia quân sự Nga Dmitry Kornev lưu ý tác động chiến lược của việc nâng cấp các tàu hộ tống lớp Gremyashchiy để bổ sung khả năng phóng tên lửa siêu thanh. Giống như “hổ thêm cánh”, sau khi được nâng cấp, tàu hộ tống có thể tấn công các tàu cùng loại, bao gồm khinh hạm, khu trục hạm và thậm chí cả hàng không mẫu hạm (tàu sân bay).
Theo ông Kornev, thông thường để xuyên thủng hệ thống phòng thủ của nhóm tấn công tàu sân bay (ACG), có thể cần một số tàu, nhưng với 8 tên lửa siêu thanh, một tàu hộ tống lớp Gremyashchiy có đủ khả năng nhắm mục tiêu và vô hiệu hóa một tàu sân bay.
Việc hiện đại hóa tàu lớp Gremyashchiy cũng phù hợp với những tuyên bố gần đây về sự phát triển của Hải quân Nga. Tổng thống Nga Vladimir Putin chỉ ra rằng khả năng của hải quân trong các khu vực chiến lược quan trọng của đại dương thế giới sẽ được tăng cường.
Cập nhật công nghệ
Tàu hộ tống lớp Gremyashchiy thuộc Dự án 20385 của Nga là sự phát triển của tàu hộ tống lớp Steregushchiy thuộc Dự án 20380, được thiết kế cho các hoạt động đa nhiệm trong Hải quân Nga.
Một thay đổi đáng kể của lớp Dự án 20385 so với phiên bản tiền nhiệm là việc thay thế 2 bệ phóng, mỗi bệ gồm 4 container cho tên lửa chống hạm Kh-35U Uran, bằng tổ hợp bệ phóng hợp nhất đa năng (UKSK) 3S14 với 8 ô linh hoạt hơn để hỗ trợ nhiều loại tên lửa khác nhau, bao gồm Kalibr, Oniks (Onyx) và Zircon.
Ngoài ra, về kích thước, tàu hộ tống lớp Dự án 20385 có lượng giãn nước lớn hơn, ở mức 2.430 tấn, và dài hơn một chút, ở mức 106,3 m, để đáp ứng các khả năng nói trên.
Các cập nhật công nghệ trong Dự án 20385 bao gồm việc tích hợp hệ thống radar đa chức năng Zaslon, thay thế các hệ thống Furke-2 và Monument-A cũ hơn, từ đó nâng cao khả năng của tàu trong việc phát hiện và theo dõi mục tiêu.
Khả năng phòng không cũng được tăng cường, với việc tăng số lượng ô hệ thống phóng thẳng đứng (VLS) cho hệ thống tên lửa phòng không Redut từ 12 lên 16 ô so với Dự án 20380.
Động cơ đẩy vẫn giống với mẫu trước đó, sử dụng 2 động cơ diesel DDA-12.000 tạo ra công suất tổng hợp 24.000 mã lực, cho phép đạt tốc độ tối đa 27 hải lý/giờ (50 km/h) và phạm vi hành trình 4.000 hải lý ở tốc độ 14 hải lý/giờ (26 km/h).
Các tàu hộ tống thuộc Dự án 20385 được thiết kế với cấu trúc module, tạo điều kiện thuận lợi cho việc nâng cấp và bảo trì, mở rộng khả năng hoạt động của chúng. Các tính năng tàng hình được kết hợp thông qua việc sử dụng vật liệu composite và lớp phủ hấp thụ radar để giảm tiết diện phản xạ radar (RCS).
Việc tự động hóa cho phép giảm quy mô thủy thủ đoàn xuống còn khoảng 100 người, trong đó có 14 sĩ quan.
Những tàu hộ tống này được thiết kế để hoạt động ở các vùng biển khơi xa hơn, hỗ trợ một loạt các nhiệm vụ hải quân từ tác chiến chống ngầm đến các cuộc giao chiến trên mặt nước và hỗ trợ hỏa lực hải quân.
Minh Đức (Theo Army Recognition, Topwar.ru)