Bài 2: Muôn vàn thủ đoạn tiêu thụ sữa giả, thuốc giả, thực phẩm giả

13/05/2025 12:30

(Chinhphu.vn) – Vì lợi nhuận từ doanh thu hàng trăm tỷ đồng, các đối tượng đã lợi dụng sự thông thoáng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp để thực hiện muôn kiểu thủ đoạn trong sản xuất, buôn bán hàng giả.

Bài 2: Muôn vàn thủ đoạn tiêu thụ sữa giả, thuốc giả, thực phẩm giả- Ảnh 1.

Cơ quan công an đang điều tra 573 sản phẩm của đường dây sản xuất sữa giả

Hàng loạt vụ việc bị phanh phui, nhiều đối tượng bị khởi tố

Đầu tháng 4/2025, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán, tiêu thụ sữa bột giả với quy mô lớn trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh lân cận. Theo đó, từ tháng 8/2021 đến nay, các đối tượng đã thành lập Công ty CP Dược quốc tế Rance Pharma và Công ty CP Dược dinh dưỡng Hacofood Group để sản xuất, kinh doanh tới 573 nhãn hiệu sữa bột dành cho người bị tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non và phụ nữ có thai…

Điều đáng nói, các thành phần công bố của sữa gồm: chiết xuất tổ yến, đông trùng hạ thảo, bột macca, bột óc chó... nhưng các đối tượng đã bỏ một số nguyên liệu đầu vào và thay thế, bổ sung một số chất phụ gia.

Cơ quan công an xác định, sữa bột có chỉ tiêu chất lượng một số chất đạt dưới 70% so với mức công bố, đủ điều kiện để xác định là hàng giả.

Ngoài 2 công ty trên, các đối tượng còn liên doanh, liên kết bằng hình thức góp cổ phần với nhiều đối tượng khác thành lập 9 công ty khác với mục đích đứng tên hồ sơ công bố các dòng sản phẩm (nhãn thương hiệu sản phẩm) và trực tiếp kinh doanh, phân phối tiêu thụ các sản phẩm được sản xuất tại nhà máy của hai công ty trên.

Trong khoảng 4 năm, các đối tượng đã đưa ra thị trường tiêu thụ các sản phẩm sữa bột giả với doanh thu khoảng 500 tỷ đồng.

Một vụ việc khác liên quan đến thuốc giả quy mô lớn cũng vừa được Công an tỉnh Thanh Hóa triệt phá, bắt giữ 14 đối tượng về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc phòng bệnh, chữa bệnh với tổng khối lượng lên đến 10 tấn. Các đối tượng thu lời bất chính khoảng gần 200 tỷ đồng.

Các đối tượng hoạt động với phương thức, thủ đoạn tinh vi, hoạt động có tổ chức trong thời gian dài, trên phạm vi toàn quốc.

Bài 2: Muôn vàn thủ đoạn tiêu thụ sữa giả, thuốc giả, thực phẩm giả- Ảnh 2.

Sản phẩm giả của Công ty Herbitech được xác định là hàng giả

Mới đây, ngày 26/4, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03, Bộ Công an) cũng đã khởi tố vụ án sản xuất, buôn bán hàng giả có quy mô lớn với số lượng thực phẩm chức năng thu giữ trên 100 tấn.

Bộ Công an xác định, các đối tượng đã thành lập 6 doanh nghiệp từ năm 2015. Hơn 900 nhãn hiệu thực phẩm bảo vệ sức khỏe được các đối tượng sản xuất, tập trung vào nhu cầu của người lớn tuổi, trẻ em và phụ nữ có thai. Từ năm 2021 đến nay, chỉ tính riêng doanh thu của 1 trong số 6 doanh nghiệp này đã hơn 800 tỷ đồng.

Tiếp đó là vụ việc sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe, sử dụng kết quả thử nghiệm giả mạo để đưa sản phẩm ra thị trường do Công ty TNHH Hirbitech sản xuất.

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4/2025, Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên, Phó Chánh Văn phòng kiêm Người phát ngôn Bộ Công an, đã thông tin về tiến độ điều tra các vụ việc về sữa giả, thuốc giả và thực phẩm chức năng giả.

Tính đến 29/4, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam 15 đối tượng để điều tra về các hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, thực phẩm; vi phạm các quy định kế toán gây hậu quả nghiêm trọng; lừa đảo, chiếm đoạt tài sản; đưa hối lộ và môi giới hối lộ.

Đối với vụ sản xuất, mua bán hàng giả, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa và nhiều tỉnh, thành phố trên toàn quốc, đến 29/4, Cơ quan Cảnh sát điều tra công an tỉnh Thanh Hóa đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 14 đối tượng về tội danh sản xuất, buôn bán hàng giả thuốc phòng bệnh, chữa bệnh.

Đối với vụ sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe, sử dụng kết quả thử nghiệm giả mạo để đưa sản phẩm ra thị trường do Công ty TNHH Herbitech sản xuất, ngày 28/4, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh khám xét chỗ ở đối với 4 bị can gồm: Phạm Vũ Khiêm, Giám đốc Công ty TNHH Herbitech, Vương Thị Hoa, Lê Thị Hồng Vân, Bùi Thị Thu Hà là Kế toán trưởng, hoặc phụ trách Kế toán của Công ty Herbitech trong giai đoạn từ năm 2021 đến nay, cùng tội danh vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng.

Bài 2: Muôn vàn thủ đoạn tiêu thụ sữa giả, thuốc giả, thực phẩm giả- Ảnh 3.

Bà Trần Việt Nga, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế - Ảnh: VGP/TH

 Lợi dụng điều kiện thông thoáng cho doanh nghiệp

Trong lĩnh vực thực phẩm, bà Trần Việt Nga, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho biết, Nghị định số 15/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định cơ chế tự công bố sản phẩm, tạo điều kiện thông thoáng cho doanh nghiệp tự công bố và chịu trách nhiệm về chất lượng, an toàn của sản phẩm. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp đã lợi dụng cơ chế này để làm ăn phi pháp.

Với cơ chế tự công bố, doanh nghiệp có thể tự công bố và sản xuất ngay sản phẩm mà không cần cơ quan quản lý nhà nước thẩm định hồ sơ. Lợi dụng sự thông thoáng này, một số doanh nghiệp tự công bố các sản phẩm dinh dưỡng y học hoặc sản phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt là thực phẩm bổ sung. Đây là hành vi lách luật đáng bị lên án.

Bên cạnh đó, thủ tục tự công bố sản phẩm cũng khá đơn giản, hồ sơ không phức tạp và không mất phí. Do đó, nhiều doanh nghiệp ồ ạt tự công bố sản phẩm, nhưng số lượng sản xuất kinh doanh thực tế có thể không đúng với số lượng đã công bố, gây khó khăn cho cơ quan quản lý nhà nước trong thanh tra, hậu kiểm.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, chủ trương tự công bố là để cắt giảm thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp theo hướng quản lý tiên tiến của các nước phát triển. Tuy nhiên, trên thực tế một số tổ chức cá nhân lợi dụng cơ chế này sản xuất kinh doanh sản phẩm kém chất lượng.

Hiện nay, mỗi năm có khoảng 23.800 thực phẩm tự công bố sản phẩm, trong đó, gần 4.800 sản phẩm tự công bố là thực phẩm bổ sung; khoảng 9.200 thực phẩm đăng ký bản công bố sản phẩm, trong đó khoảng 8.800 thực phẩm bảo vệ sức khỏe, gần 100 thực phẩm dinh dưỡng y học và hơn 300 thực phẩm dành cho chế độ ăn đặc biệt.

Bài 2: Muôn vàn thủ đoạn tiêu thụ sữa giả, thuốc giả, thực phẩm giả- Ảnh 4.

Các nhãn hiệu sữa giả bán ra trên thị trường trong 4 năm qua

 Thực hiện giấy tờ đầy đủ để che đậy vi phạm

Liên quan đến đường dây sản xuất sữa giả được Bộ Công an triệt phá với quy mô lớn với doanh thu gần 500 tỷ đồng xảy ra tại Công ty Cổ phần Dược quốc tế Rance Pharma và Công ty Cổ phần Dược dinh dưỡng Hacofood Group, ông Trần Hữu Linh, Cục trưởng Cục Quản lý và phát triển thị trường trong nước, Bộ Công Thương cũng cho biết, các doanh nghiệp thực hiện các thủ tục, giấy tờ kinh doanh đầy đủ, đúng pháp luật để che đậy các vi phạm của sản phẩm giả mà chỉ có thể phát hiện khi kiểm nghiệm.

Đặc biệt, các doanh nghiệp này không chọn kênh phân phối thông qua hệ thống siêu thị, đại lý chính thức hoặc chuỗi bán lẻ có kiểm soát, mà chủ yếu tiếp thị và trực tiếp bán tới tay người tiêu dùng thông qua việc trà trộn, trá hình vào các hội thảo chuyên ngành, các bệnh viện, phòng khám.

Các doanh nghiệp còn thuê một số người nổi tiếng… để quảng cáo và bán trực tiếp tới tay người tiêu dùng qua các trang mạng xã hội như YouTube, Facebook, Zalo... để né tránh, gây khó khăn cho công tác giám sát, kiểm tra của các cơ quan chức năng.

Bài 2: Muôn vàn thủ đoạn tiêu thụ sữa giả, thuốc giả, thực phẩm giả- Ảnh 5.

Tang vật vụ án thuốc giả bị Công an Thanh Hóa thu giữ

 Dùng vỏ bọc dược sỹ

Đối với các thủ đoạn sản xuất, buôn bán thuốc giả trên thị trường, TS Tạ Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý dược, Bộ Y tế cho biết, các đối tượng tham gia đường dây có sự móc nối, câu kết chặt chẽ với nhau từ khâu sản xuất đến khâu tìm kiếm kênh phân phối, để đưa hàng giả ra thị trường, đến tay người tiêu dùng.

TIN LIÊN QUANTriển khai đợt cao điểm phòng chống thuốc giả, thực phẩm chức năng giảThủ tướng yêu cầu xử lý nghiêm hoạt động sản xuất, buôn bán thuốc chữa bệnh giả, sữa giả, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ giảPhó Thủ tướng chỉ đạo xử lý vấn đề thuốc chữa bệnh giảThực phẩm giả 'len lỏi' qua nhiều đường tiêu thụNhận diện thuốc, sữa, thực phẩm giảNhận diện thuốc, sữa, thực phẩm giả

Dưới "vỏ bọc" là nhân viên dược sỹ buôn bán thuốc cho các công ty dược, các đối tượng thông qua các trang mạng xã hội zalo, facebook,.... quảng cáo có thuốc của các công ty chính hãng "tuồn" ra từ nguồn hàng thầu hoặc bán chạy doanh số trái khu vực, không xuất được hóa đơn nên bán rẻ hơn so với hàng chính hãng của các công ty.

Đối với các loại giả mạo nguồn gốc nước ngoài thì các đối tượng giới thiệu là hàng "xách tay" nên không có hóa đơn chứng từ kèm theo, để lấy lòng tin của người mua hàng. Giai đoạn để tạo dựng lòng tin, các đối tượng thường mua thuốc thật trà trộn vào nguồn thuốc giả do các đối tượng sản xuất bán ra thị trường, để đối phó với sự kiểm tra của các cơ quan chức năng.

Sau khi đã có lượng khách hàng nhất định, các đối tượng chỉ bán những loại thuốc giả tự sản xuất, đa phần khách hàng hướng tới nhóm dược sỹ kinh doanh thuốc tự do tại các chợ thuốc.

Tại cuộc họp trực tuyến toàn quốc về tăng cường đấu tranh phòng chống thuốc, mỹ phẩm và thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả do Bộ Y tế tổ chức ngày 7/5, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, trong năm 2024, hệ thống kiểm nghiệm của ngành y tế đã lấy trên 43.000 mẫu thuốc và phát hiện 228 mẫu không đạt tiêu chuẩn, 23 mẫu nghi ngờ là thuốc giả, trong đó có cả thuốc đông dược bị trộn chất cấm.

Về an toàn thực phẩm, trong năm 2024, Bộ Y tế đã xử lý 6.658 cơ sở vi phạm trên toàn quốc, với số tiền phạt 33,5 tỷ đồng. Riêng từ đầu năm đến nay, số cơ sở bị xử phạt là 4.143 cơ sở với số tiền phạt hơn 20,1 tỷ đồng.

Theo lãnh đạo Bộ Y tế, trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, chúng ta đã có hệ thống văn bản quy phạm pháp luật tương đối đầy đủ, bao gồm Luật An toàn thực phẩm, Nghị định số 15/2018/NĐ-CP, các quy chuẩn kỹ thuật của các bộ, ngành.

Trong lĩnh vực hàng giả, Nghị định số 98/2020/NĐ-CP của Chính phủ cũng đã quy định rõ về hàng giả và chế tài xử phạt. Bộ luật Hình sự cũng có điều khoản riêng về xử lý hình sự đối với thực phẩm giả.

Tuy nhiên, các vụ việc liên quan hàng giả vẫn liên tiếp diễn biến phức tạp. Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, có 2 khả năng xảy ra. Thứ nhất do thể chế chưa hoàn thiện, thứ 2 thể chế hoàn thiện nhưng khâu tổ chức thực hiện có vấn đề.

"Nếu do thể chế, chúng ta nhất quyết phải chỉnh sửa, bổ sung, nhất là trong bối cảnh ngành y tế đang chủ trì, lấy ý kiến tổng hợp và sớm trình Chính phủ ban hành nghị định sửa đổi Nghị định 15/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm; chuẩn bị hồ sơ sửa đổi Luật Dược; sửa đổi 7 thông tư liên quan vấn đề này. Từ đó đưa các giải pháp trước mắt và lâu dài để thực hiện", Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh.

Thuý Hà