Sở Y tế Hà Nội vừa ban hành văn bản số 1540/SYT-NVY, yêu cầu toàn bộ các cơ sở y tế trong và ngoài công lập triển khai đồng bộ các biện pháp giám sát, dự phòng, và kiểm soát dịch bệnh, không để dịch lây lan ra cộng đồng.
Thông tin từ Bộ Y tế và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, từ đầu năm 2025 đến nay, Campuchia đã ghi nhận 3 ca mắc cúm A/H5N1 và cả ba đều tử vong.
Tại Việt Nam, đã xuất hiện 6 ổ dịch cúm gia cầm tại các tỉnh Tuyên Quang, Nghệ An, Tiền Giang và Long An. Trước nguy cơ dịch bệnh xâm nhập và lan rộng, ngành y tế Hà Nội xác định rõ nhiệm vụ cấp bách là chủ động phát hiện sớm, kiểm soát chặt chẽ và xử lý kịp thời các ca bệnh nghi ngờ.

Trước nguy cơ dịch bệnh xâm nhập và lan rộng, ngành y tế Hà Nội xác định rõ nhiệm vụ cấp bách là chủ động phát hiện sớm, kiểm soát chặt chẽ và xử lý kịp thời các ca bệnh nghi ngờ.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố được giao làm đầu mối theo dõi, cập nhật tình hình dịch bệnh truyền nhiễm trong nước và quốc tế, đồng thời tham mưu kịp thời cho Sở Y tế về công tác chỉ đạo phòng chống dịch.
CDC cũng phải tăng cường giám sát tại cộng đồng, tập trung vào các nhóm nguy cơ cao như người tham gia giết mổ, buôn bán gia cầm sống, người từng đến vùng có dịch. Những trường hợp có biểu hiện nghi ngờ cần được lấy mẫu xét nghiệm, chẩn đoán sớm và xử lý triệt để nhằm ngăn chặn dịch lây lan.
Bên cạnh đó, việc giám sát chặt chẽ các ca viêm đường hô hấp cấp tính, hội chứng viêm phổi nặng nghi do virus, hội chứng cúm tại các cơ sở y tế cũng được đặc biệt nhấn mạnh, nhằm phát hiện sớm các chủng cúm độc lực cao như A/H5N1, A/H7N9...
Sở Y tế cũng yêu cầu CDC Hà Nội phối hợp thường xuyên, chặt chẽ với Chi cục Chăn nuôi, Thủy sản và Thú y để theo dõi sát sao tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, cũng như các loại dịch có khả năng lây từ động vật sang người. Sự phối hợp này đóng vai trò then chốt trong việc xây dựng các phương án ứng phó phù hợp, kịp thời.
Không chỉ tăng cường giám sát, ngành y tế Thủ đô cũng yêu cầu chủ động chuẩn bị đầy đủ thuốc, hóa chất, vật tư, trang thiết bị và nhân lực để sẵn sàng triển khai các biện pháp phòng, chống dịch. Công tác truyền thông hướng dẫn người dân cách phòng tránh cúm gia cầm lây sang người cũng được đẩy mạnh nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng.
Các Trung tâm y tế quận, huyện, thị xã được yêu cầu chủ động xây dựng và triển khai phương án sẵn sàng ứng phó với các tình huống dịch bệnh có thể xảy ra tại địa phương.
Đồng thời, các cơ sở khám chữa bệnh trên toàn địa bàn thành phố cả công lập và tư nhân phải chuẩn bị sẵn sàng khu vực cách ly, buồng bệnh, thuốc men, thiết bị y tế, hóa chất khử khuẩn và phương tiện phòng hộ cá nhân để tiếp nhận, điều trị bệnh nhân, đảm bảo không để dịch bệnh bùng phát, lan rộng trong cộng đồng.
Sở Y tế Hà Nội nhấn mạnh, việc phòng chống dịch cúm gia cầm hiện nay không chỉ là trách nhiệm của riêng ngành y tế, mà đòi hỏi sự phối hợp liên ngành và ý thức tự bảo vệ của từng người dân để bảo vệ sức khỏe cộng đồng trong giai đoạn giao mùa và nguy cơ bùng phát dịch bệnh cao như hiện nay.