Năm ngoái, cả nước có tới 338 doanh nghiệp lữ hành quốc tế xin thu hồi giấy phép kinh doanh, tăng 3 lần so với năm 2019.
Một số doanh nghiệp lớn vốn tư nhân đang duy trì hoạt động nhưng cắt giảm 50 - 80% lao động, ngay cả doanh nghiệp lữ hành có vốn nhà nước cũng hoạt động cầm chừng.
Sau hai đợt dịch bùng phát trong năm 2021, doanh thu lữ hành ở nhiều doanh nghiệp hiện chỉ đạt khoảng 30% so với cùng kỳ năm 2020. Con số sụt giảm này ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình hoạt động của các doanh nghiệp.
Khách du lịch tại TP.HCM trước đây.
Thống kê từ UBND TP Thủ Đức và các quận/huyện trên địa bàn TP.HCM cho thấy hiện chỉ còn khoảng 50% số lượng doanh nghiệp lữ hành đang hoạt động. Trong đó, có đến 90% doanh nghiệp lữ hành vừa và nhỏ, doanh nghiệp lữ hành chuyên kinh doanh thị trường đón khách quốc tế đã tạm ngưng hoạt động.
Mảng lưu trú du lịch cũng không sáng sủa hơn do lượng khách du lịch giảm mạnh, dẫn đến công suất phòng lưu trú giảm. Các khách sạn từ 3-5 sao hoặc tương đương đều sụt giảm doanh thu lưu trú đến 70%, một số tạm ngưng hoạt động.
Gánh nặng hiện nay là dù không có doanh thu nhưng các doanh nghiệp du lịch vẫn phải vẫn chi trả các khoản chi phí cố định như tiền mặt bằng, lương, bảo hiểm, thuế… Vì vậy, cần có chính sách hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp du lịch vay ưu đãi để phục hồi hoạt động kinh doanh.
Trong khi đó, một số tỉnh thành bắt đầu nới lỏng hoạt động đón khách, cho phép các khu du lịch, di tích, danh thắng cùng nhiều dịch vụ khác đón khách du lịch trở lại, nhưng chỉ được đón khách nội tỉnh. Đây là bước khởi động để kịp đón khách du lịch trong nước vào mùa du lịch hè còn lại ở những địa phương bắt đầu kiểm soát được dịch COVID-19.
TUẤN MINH