Sản vật tỷ đô của Việt Nam được Malaysia ra sức săn lùng: xuất khẩu tăng vọt hơn 1.000%, 1/3 thế giới đua nhau chốt đơn

18/11/2024 16:12

Trung Quốc đang là khách hàng lớn nhất của Việt Nam.

Cao su là một trong những ngành hàng xuất khẩu mang lại giá trị cao cho Việt Nam. Ngành cao su Việt Nam giữ vị trí thứ 5 về diện tích, thứ 3 về sản lượng cao su thiên nhiên trên thế giới.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tháng 10/2024, xuất khẩu cao su của Việt Nam đạt 224,95 nghìn tấn, trị giá 429,01 triệu USD, So với tháng 10/2023 tăng 3% về lượng và tăng 46% về trị giá. Đây là tháng thứ 2 liên tiếp xuất khẩu cao su tăng so với cùng kỳ năm 2023. Giá bình quân cao su xuất khẩu đạt 1.907 USD/tấn, tăng 41,7% so với tháng 10/2023.

Lũy kế 10 tháng năm 2024, xuất khẩu cao su đạt 1,54 triệu tấn, trị giá trên 2,52 tỷ USD, giảm 4,9% về lượng, nhưng tăng 16,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Giá bình quân cao su xuất khẩu đạt 1.638 USD/tấn, tăng 22,4% so với cùng kỳ năm 2023.

Sản vật tỷ đô của Việt Nam được Malaysia ra sức săn lùng: xuất khẩu tăng vọt hơn 1.000%, 1/3 thế giới đua nhau chốt đơn- Ảnh 1.

10 tháng đầu năm, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu cao su lớn nhất của Việt Nam, chiếm 78,7% tổng lượng cao su xuất khẩu của cả nước, đạt 1,06 triệu tấn cao su, trị giá 1,7 tỷ USD, giảm 16,8% về lượng, nhưng tăng 1,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.

Qua số liệu thống kê cho thấy, trong 10 tháng đầu năm 2024, có sự dịch chuyển lớn về thị trường xuất khẩu cao su. Trong khi xuất khẩu cao su sang Trung Quốc, Hàn Quốc, Hà Lan, Argentina, giảm so với cùng kỳ năm 2023, thì mức tăng xuất khẩu lại được ghi nhận tới nhiều thị trường khác như Ấn Độ, Hoa Kỳ, Đức, Đài Loan,... Trong đó phải kể đến Malaysia.

Cụ thể, trong tháng 10, Việt Nam xuất sang Malaysia 7,26 nghìn tấn cao su, trị giá 11,47 triệu USD, tăng 22,2% về lượng và tăng 47,8% về trị giá so với tháng 9/2024. So với tháng 10/2023 tăng tới 861% về lượng và tăng 1.240% về trị giá. Đây cũng là tháng ghi nhận mức sản lượng và kim ngạch cao nhất từ đầu năm đến nay.

Tính từ đầu năm, Malaysia chi 35,17 triệu USD để nhập khẩu 24,8 nghìn tấn cao su từ Việt Nam, tăng 349% về lượng và tăng 405% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Điều này giúp Malaysia đứng thứ 2 về lượng và đứng thứ 3 về kim ngạch trong các thị trường xuất khẩu cao su của Việt Nam.

Sản vật tỷ đô của Việt Nam được Malaysia ra sức săn lùng: xuất khẩu tăng vọt hơn 1.000%, 1/3 thế giới đua nhau chốt đơn- Ảnh 2.

Theo Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA), hiện Việt Nam có diện tích trồng cây cao su khoảng 930 nghìn ha với sản lượng mủ đạt 1,3 triệu tấn/năm. Mặc dù sản lượng xuất khẩu cao su của Việt Nam trong năm nay giảm đáng kể, nhưng kim ngạch xuất khẩu vẫn tăng nhờ giá xuất khẩu thời gian qua luôn ở mức cao. Với kết quả này, kim ngạch xuất khẩu cao su nước ta năm 2024 dự báo đạt 3 - 3,5 tỷ USD, tăng 200 - 400 triệu USD so với năm 2023.

Từ đầu tháng 11/2024 đến nay, giá cao su tại các sàn giao dịch châu Á tăng nhẹ so với cuối tháng trước, thị trường được hỗ trợ bởi triển vọng kinh tế tại Trung Quốc lạc quan và dự đoán mức thuế quan từ chính quyền Tổng thống mới trúng cử của Hoa Kỳ đã thúc đẩy đà tăng.

Tuy nhiên, đà tăng của giá cao su có phần hạn chế do tác động của việc EU đánh thuế đối với xe điện Trung Quốc. Động thái của EU diễn ra sau khi Hoa Kỳ và Canada áp thuế 100% lên các mẫu xe điện của Trung Quốc. Điều này có thể ảnh hưởng đến doanh số và hoạt động sản xuất ô tô của Trung Quốc, bao gồm việc sử dụng lốp xe làm từ cao su.

Trung Quốc hiện là đối tác xuất khẩu cao su lớn nhất của Việt Nam, nên bất kỳ sự biến động nào của thị trường này cũng tác động lớn tới ngành cao su của Việt Nam.