Xem livestream rồi mua thuốc về tự chữa bệnh
Ông Đ.Q.T, SN 1965, ở huyện Tuyên Hoá, tỉnh Quảng Bình, mắc nhiều bệnh liên quan đến dạ dày, xương khớp và mất ngủ. Trước đây, ông hay tìm các loại thuốc nam để uống.
Tuy nhiên, khoảng 2 năm trở lại đây ông T. có điện thoại thông minh và thường vào xem livestream bán thuốc. Sau đó, ông tự đặt thuốc tại các trang mạng về dùng.
Hai người con gái của ông T. đều đã trưởng thành và hiểu rất rõ sự nguy hiểm khi mua thuốc không rõ nguồn gốc rồi tự chữa bệnh. Họ nhiều lần khuyên can thậm chí cha con xảy ra cãi vả nhưng ông T. vẫn không nghe.
Chị Đ.H.Y. (con gái ông T.) cho biết: “Lúc thấy bố mua thuốc trên mạng, chúng tôi cũng có can ngăn, số tiền cũng khoảng vài trăm ngàn. Sau khi uống được vài ngày, bệnh của bố tôi có đỡ nên từ đó lại càng tin vào những lời quảng cáo”.
Các loại thuốc ông T. mua qua mạng không thể hiện thông tin nguồn gốc, quy trình sản xuất, có loại còn đóng trong túi bóng dạng viên hoàn. Vì tin lời những người bán hàng, ông càng chi nhiều tiền hơn để mua thuốc.
Sợ các con phát hiện ông còn dặn người giao hàng đưa thuốc vào thời gian các con đi làm.
“Thường ngày bố rất tiết kiệm, mua bán gì cũng đều tính toán chi li. Tuy nhiên, ông có thể bỏ tiền triệu để mua thuốc. Có hôm tôi về sớm, có người đưa thuốc đến, thấy số tiền phải trả cho mấy lọ thuốc là hơn 1 triệu đồng nên bố con tôi đã cãi vã, suýt từ mặt nhau”, chị Y. nói.
Cũng theo chị Y. nhiều lần chị đề nghị chở bố đi viện khám nhưng ông không đi vì cho rằng thuốc tây không thể lành được. Trong khi các loại thuốc mà bố chị sử dụng cũng chỉ giúp bệnh tình đỡ được một vài hôm rồi đau lại.
Khi được hỏi vì sao lại tin những lời quảng cáo đó, ông T. khẳng định, đó là thuốc của các bệnh viện lớn. Tuy nhiên, ông không biết rằng các trang mạng này đều là giả mạo. Những bệnh viện lớn đều từng phát đi cảnh báo về tình trạng bị mạo danh để bán thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Đừng để tiền mất tật mang
Ông T. là một trong số nhỏ những nạn nhân của các loại thuốc không rõ nguồn gốc rao bán tràn lan trên mạng xã hội. Tại Quảng Bình, có nhiều người đã phải nhập viện vì gặp phải những biến chứng nguy hiểm như thủng ruột, thậm chí hoại tử chân…
Trường hợp bệnh nhân T.T.T. (SN 1977) bị thủng ruột do lạm dụng thuốc kháng viêm mua qua mạng xã hội. Bệnh nhân này nhập viện Bệnh viện Đa khoa huyện Minh Hoá (Quảng Bình) trong tình trạng đau bụng dữ dội, sốt cao.
Sau thăm khám và làm các xét nghiệm cận lâm sàng, bác sĩ chẩn đoán trường này bị thủng tạng rỗng, cần phải phẫu thuật cấp cứu. Ê-kíp phẫu thuật và gây mê tiến hành hội chẩn quyết định phẫu thuật nội soi cho bệnh nhân.
Quá trình phẫu thuật, các bác sĩ đã phát hiện lỗ thủng kích thước 5mm ở mặt trước hành tá tràng nên đã tiến hành súc rửa và khâu lại lỗ thủng. Theo bệnh nhân T., trước đó đã dùng thuốc điều trị đau khớp mua trên mạng suốt 3 tháng.
Bác sĩ Cao Ngọc Anh, khoa Ngoại, Bệnh viện Đa khoa huyện Minh Hóa cho biết thời điểm tiếp nhận, tình trạng bệnh nhân nguy kịch, nếu không kịp thời cứu chữa có thể chuyển biến xấu, nguy cơ tử vong.
“Bệnh nhân kể lại, do bị đau khớp nên đã đến nhà thuốc để mua thuốc tây về dùng nhưng bệnh không thuyên giảm nên mới tìm hiểu và mua thuốc trên mạng về uống suốt 3 tháng”, bác sĩ Anh nói.
Các bác sĩ nhận định đây là một trường hợp biến chứng do lạm dụng kháng viêm NSAID (thuốc giúp giảm đau, chống viêm).
Theo BS. Ngọc Anh, việc lạm dụng thuốc kháng viêm NSAID có thể dẫn đến gây ảnh hưởng xấu đến dạ dày, tá tràng, gan thận... Còn bác sĩ Võ Việt Đức, khoa Ngoại Chấn thương chỉnh hình bệnh viện Hữu Nghị - Việt Nam Cu Ba Đồng Hới thông tin, corticoid nếu được sử dụng đúng sẽ là thần dược nhưng nếu lạm dụng để điều trị các bệnh thông thường hoặc sử dụng không đúng liều chỉ định sẽ dẫn đến hậu quả khôn lường.
Trước đó, ngày 16/8 Bệnh viện Hữu Nghị Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới cũng điều trị cho bệnh nhân T.V.L, SN 1942, trú huyện Lệ Thủy, sử dụng thuốc nam có chứa thành phần corticoid không rõ nguồn gốc về tự điều trị các triệu chứng sưng,viêm của bệnh gout. Sau khi sử dụng một thời gian, bàn chân trái và nhiều vùng cơ thể của ông L. bị nhiễm trùng, chảy dịch mủ hôi, mặt phù nề, suy gan, suy thận. Các bác sĩ phải tiến hành cắt lọc tổ chức hoại tử, sử dụng kháng sinh liều cao bệnh nhân mới thoát khỏi cơn nguy kịch.
Bác sĩ Cao Sỹ Phượng, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Tuyên Hoá, tỉnh Quảng Bình, cho biết: “Người dân, đặc biệt là người lớn tuổi, ở miền núi hay mua thuốc trên mạng vì tin theo những lời quảng cáo. Chỉ khi bệnh tình trở nặng, họ mới đến khám tại các cơ sở y tế”.
Bác sĩ Phượng cũng khuyến cáo người dân khi đau ốm phải bình tĩnh, đến bệnh viện hoặc cơ sở y tế để được khám và tư vấn.
“Việc này chúng tôi cũng nói rất nhiều trong các cuộc giao ban với các phòng, ban và Trạm y tế… để khi về thôn, bản, nhân viên y tế sẽ tăng cường cảnh báo, khuyến cáo bà con, tránh việc bị lừa dẫn đến tiền mất tật mang”, bác sĩ Phượng nói.
Có thể thấy, chưa bao giờ một loại hàng hóa có điều kiện kinh doanh khắt khe như thuốc lại mua bán dễ dàng đến vậy. Người bán dễ dàng, người mua thì dễ dãi, bởi chỉ cần những lời quảng cáo thì có thể bỏ tiền triệu để mua một sản phẩm, điều này tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ đối với người sử dụng.
Link nội dung: https://saigonmoi24.com/tien-mat-tat-mang-bo-con-suyt-tu-matnhau-vi-mua-thuoc-khong-ro-nguon-goc-tren-mang-a98820.html