Yêu cầu công ty khôi phục hiện trạng
Ngày 27/3, UBND huyện Diễn Châu vừa có tờ trình gửi UBND tỉnh Nghệ An về việc đề nghị ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH Trung Việt Hưng (trụ sở tại phường Đông Vĩnh, Tp. Vinh, tỉnh Nghệ An), đại diện pháp luật là ông Nguyễn Văn Huệ.
Theo đó, UBND huyện Diễn Châu đề xuất UBND tỉnh xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực di sản văn hóa và lĩnh vực khoáng sản đối với công ty này vì đã có hành vi múc đất đá trái phép tại chân Lèn Hai Vai; Hủy hoại, làm thay đổi yếu tố gốc cấu thành di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh cấp quốc gia Lèn Hai Vai với khối lượng đào múc trên 50m3.
Cụ thể, ngày 28/2, Công ty TNHH Trung Việt Hưng đã đào múc đất đá trái phép tại khu vực chân Lèn Hai Vai, vị trí phía Tây lèn để làm vật liệu xây dựng thông thường. Đối với hành vi vi phạm Luật Di sản, UBND huyện Diễn Châu đề xuất UBND tỉnh xử phạt doanh nghiệp này 90 triệu đồng; Tương tự, hành vi vi phạm Luật Khoáng sản cũng bị đề xuất mức phạt 90 triệu đồng. Tổng mức phạt là 180 triệu đồng. Ngoài ra, công ty còn phải khắc phục hậu quả bằng việc bồi hoàn, khôi phục hiện trạng ban đầu của di tích.
Lèn Hai Vai thuộc xã Minh Châu, huyện Diễn Châu, là một khối đá tự nhiên có chiều dài 800m, nơi rộng nhất 120m, nơi cao nhất 141m. Ngọn này có cấu tạo giữa nhỏ nhô lên cao, 2 bên thấp dần nhưng cân đối như vai người. Vì là ngọn lớn nên người dân thường gọi chung di tích, danh thắng là Lèn Hai Vai.
Lèn Hai Vai có nhiều giá trị văn hóa, lịch sử. Năm 1964, trong đợt điều tra khảo cổ học, các nhà nghiên cứu đã phát hiện một số xương hóa thạch và công cụ đá của người tiền sử. Năm 1971, Viện Khảo cổ học Việt Nam phối hợp với một số đơn vị tiến hành khảo sát nghiên cứu tại lèn, phát hiện một số hiện vật, xác định thuộc nền văn hóa Phùng Nguyên (có niên đại cách ngày nay khoảng 4.078 năm). Những phát hiện trên đã xác định đây là nơi có người nguyên thủy sinh sống.
Theo người dân địa phương, khu vực Lèn Hai Vai trước đây là rừng cây rậm rạp, hoang vu. Trên lèn có nhiều hang động sâu, với những khối thạch nhũ có hình thù kỳ lạ. Trong giai đoạn từ 1930 - 1945, lèn đá này trở thành nơi trú ẩn để hoạt động cách mạng.
Với những giá trị tiêu biểu nêu trên, năm 1994, di tích được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là Di tích lịch sử - danh thắng cấp Quốc gia.
Sau khi công nhận, người dân địa phương kỳ vọng di tích sẽ được bảo vệ, tôn tạo để thu hút du khách. Song trải qua hơn 30 năm, Lèn Hai Vai vẫn chưa được cắm mốc để bảo vệ, khiến di tích này nhiều lần bị xâm phạm.
Đào đất để đắp đường vì không biết là di tích?
Vào ngày 13/2/2024, Công ty TNHH Trung Việt Hưng tiến hành thi công móng cột đường dây điện qua địa bàn xã Minh Châu. Tại đây, đơn vị này đã tiến hành san sửa đường công vụ phục vụ vận chuyển vật liệu thi công, nên đào bới một số lượng đất dưới chân Lèn Hai Vai để làm đường công vụ thi công móng cột đường dây điện.
UBND xã Minh Châu sau đó đã đồng ý bằng văn bản cho đơn vị này tự mở đường quanh lèn theo lối đi dân sinh với cam kết không được lấy đất, đá dưới chân lèn làm ảnh hưởng đến di tích.
Tuy nhiên, ngày 28/2/2024, bảo vệ di tích đã phát hiện trong quá trình thực hiện, đơn vị thi công đã lấy đất, đá ở chân núi để phục vụ dự án. Xét thấy đơn vị thi công thực hiện không đúng cam kết, UBND xã đã lập biên bản, tiến hành đình chỉ và yêu cầu hoàn trả lại số đất, đá đã lấy trong thời gian ngắn nhất.
Giải trình với UBND xã, Công ty TNHH Trung Việt Hưng cho biết, khi san ủi mặt bằng làm đường để thi công dự án đường dây điện 500KV, công nhân lái máy múc không biết Lèn Hai Vai là di tích quốc gia nên đã đào đất đá ở chân lèn để đắp đường, dẫn đến sai phạm. Sau khi biết đây là di tích cấp Quốc gia, đơn vị đã dừng khai thác và tiến hành hoàn trả lại số đất đá đã lấy đi làm đường.
Theo ông Lê Khắc Hoàng, Chánh Thanh tra Sở Văn hóa – Thể thao Nghệ An, sau khi nhận thông tin đơn vị đã lập đoàn kiểm tra, khảo sát tại di tích này. Kết quả kiểm tra cho thấy, xung quanh Lèn Hai Vai có dấu đào bới, san lấp mặt bằng, một số nơi đã được trồng cây keo, số còn lại đã đào hố chuẩn bị cho công tác trồng cây;
Ngoài ra, phía Tây Nam và Đông Nam còn có con đường đất do đơn vị thi công tự san lấp mở đường để đưa thiết bị máy móc và vật liệu thi công công trình, phía Bắc đang tập kết nhiều khối đất màu đen, tập kết thành bãi chưa san ủi. Phía Đông Bắc giáp đường dân sinh đang bị tập kết rác thải nhiều nơi làm ảnh hưởng đến cảnh quan di tích, mất vệ sinh, ô nhiễm môi trường.
Tại bãi tập kết vật liệu của đơn vị thi công, số đất, đá bị đào sâu vào chân núi để san lấp và vận chuyển làm đường ra chân công trình với khối lượng khá lớn.
Đại diện Sở Văn hóa và Thể thao cho hay, trong Quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã quy định trách nhiệm UBND xã là: “Tổ chức quản lý, giữ gìn, bảo vệ và phát huy giá trị di tích trên địa bàn theo sự phân công của UBND cấp huyện”.
Vì vậy, việc UBND xã Minh Châu cho phép đơn vị thi công tự đào đất, mở đường, lập bến bãi, tập kết vật liệu để thi công dự án trong khu vực bảo vệ di tích là vi phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ di tích, thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý, làm ảnh hưởng nghiêm trọng cảnh quan môi trường, yếu tố nguyên gốc và các giá trị lịch sử - văn hóa của di tích.
Liên quan đến vụ việc, ngày 5/3, Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đã có văn bản đề nghị Chủ tịch UBND huyện Diễn Châu tổ chức kiểm tra thực địa hoạt động khai thác khoáng sản trái phép tại khu vực Lèn Hai Vai.
Trong đó, xử lý kỷ luật những tập thể, cá nhân bao che hoặc né tránh trong quá trình thực thi nhiệm vụ xử lý hoạt động khai thác trái phép (nếu có) theo đúng chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và UBND tỉnh.
Link nội dung: https://saigonmoi24.com/de-xuat-phat-180-trieu-dong-doi-voi-doanh-nghiep-xam-pham-di-tich-quoc-gia-a98793.html