“Đau đầu” với công tác xử lý rác thải
Trên địa bàn tỉnh Nghệ An có 15 khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt đang hoạt động, trong đó có 13 bãi chôn lấp chất thải rắn và 3 nhà máy xử lý chất thải rắn. Khối lượng chất thải rắn sinh hoạt trên toàn tỉnh phát sinh khoảng hơn 1.700 tấn/ngày. Trong đó, đô thị là trên 1.000 tấn, nông thôn trên 700 tấn/ngày.
Với số lượng rác thải sinh hoạt “khủng” như vậy hiện địa phương mới chỉ thu gom được khoảng hơn 1.400 tấn/ngày, đạt 81% so với thực tế đặt ra. Trong đó, tại đô thị đạt 91,7% nhưng khu vực nông thôn mới chỉ đạt 53,1%. Còn lại, số lượng rác thải sinh hoạt còn lại khoảng gần 400 tấn đang “thả nổi” tại nhiều địa phương.
Điều đáng nói, hầu hết các bãi rác đang trong tình trạng quá tải, lượng rác thải chưa được xử lý bị tồn đọng trong nhiều ngày. Đặc biệt, với số lượng dân số ngày càng tăng (hơn 3 triệu người) như hiện nay, Nghệ An đang đứng trước nguy cơ tiềm ẩn ô nhiễm môi trường rất lớn nếu như nguồn rác thải rắn không được xử lý kịp thời, triệt để.
Đơn cử, người dân thị trấn Quỳ Hợp (huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An) đang phải sống trong ô nhiễm nghiêm trọng khi bãi rác nằm cạnh khu dân cư. Điều đáng nói, đây là bãi rác tập trung duy nhất của huyện Quỳ Hợp, hầu hết mọi loại rác không qua phân loại đều được đưa đến đây. Chính vì thế nên bãi rác này đang rơi vào tình trạng quá tải, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống cũng như sinh hoạt của người dân sống xung quanh bãi rác.
Ông Nguyễn Tiến Sửu, Chủ tịch UBND thị trấn Quỳ Hợp cho hay, tình trạng quá tải, ô nhiễm môi trường của bãi rác này đã kéo dài từ nhiều năm qua, khiến người dân bức xúc, liên tục phản ánh trong các cuộc tiếp xúc cử tri. “Địa phương đã kiến nghị, đề xuất nhiều lần nhưng vẫn chưa thực hiện đóng bãi rác được vì khu xử lý rác mới chưa thể vận hành”, đại diện UBND thị trấn Quỳ Hợp cho biết.
Để giải quyết sự việc, UBND huyện Quỳ Hợp đã triển khai dự án Khu xử lý rác thải thị trấn Quỳ Hợp và các xã phụ cận, với tổng diện tích hơn 6,6ha với tổng mức đầu tư hơn 48 tỷ đồng. Thế nhưng, mặc dù đã hoàn thành cách đây hơn 2 năm, nhưng cho đến thời điểm hiện nay khu xử lý rác này vẫn chưa thể đưa vào hoạt động.
Giải thích về việc này, ông Trần Đức Lợi, Phó chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp cho hay, để vận hành phải có tổ quản lý vận hành, công nhân vận chuyển rác. Tuy nhiên, không thể bố trí cán bộ, viên chức của huyện đến quản lý vì huyện đang phải tinh giản bộ máy. Trong khi đó, nếu chuyển cho tư nhân vận hành thì lại vướng vì chưa có quy định cụ thể về việc chuyển tài sản công cho tư nhân quản lý, vận hành.
Dự án nhà máy điện rác 3.100 tỷ đồng thay thế bãi rác chôn lấp
Ngoài ra, ngay tại khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nghi Yên (huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An) cũng đang tồn tại khối lượng rác “khổng lồ” chưa xử lý. Hằng ngày, nước thải chưa được xử lý chảy tràn ra kênh, mương, vườn các hộ dân xung quanh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống người dân.
Trước đó, khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nghi Yên từng được UBND tỉnh xây dựng theo công nghệ Đan Mạch, với tổng mức đầu tư gần 100 tỷ đồng từ nguồn vốn vay và đối ứng, với diện tích là 53 ha. Sau khi xây dựng xong, tháng 12/2012, nơi này được giao cho Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Nghệ An tiếp nhận và vận hành.
Trong đó, có 7ha được UBND tỉnh giao cho nhà máy xử lý và tái chế chất thải rắn Ecovi do Chi nhánh Công ty cổ phần Galax tại Nghệ An làm chủ đầu tư. Chủ đầu tư đã hoàn thành và đưa vào hoạt động 2 dây chuyền xử lý rác thải sinh hoạt với tổng công suất 180 tấn/ngày đêm, dây chuyền xử lý rác thải y tế công suất 3 tấn/ngày đêm...
Tuy nhiên, chỉ sau vài năm hoạt động, do không đáp ứng được yêu cầu trong công tác bảo vệ môi trường, cũng như việc người dân phản ánh tình trạng ô nhiễm, nên năm 2020, UBND tỉnh Nghệ An đã yêu cầu nhà máy tạm dừng hoạt động. Cho đến thời điểm hiện nay, mùi hôi thối từ nhà máy xử lý rác, ruồi nhặng và ô nhiễm nguồn nước là những thực trạng mà người dân tại xóm 2, xã Nghi Yên, huyện Nghi Lộc đang phải gánh chịu từ việc xử lý rác không hiệu quả.
Để giải quyết “bài toán” trên, mới đây, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An vừa thông qua chủ trương đầu tư dự án nhà máy điện rác tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn xã Nghi Yên, huyện Nghi Lộc tại phiên họp thường kỳ tháng 2/2024.
Theo đó, trên cơ sở tái cơ cấu lại cổ đông, thay đổi công nghệ và tổng mức đầu tư, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An đã thống nhất chủ trương, cho phép Công ty Cổ phần Galax đầu tư dự án nhà máy điện rác tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nghi Yên, huyện Nghi Lộc, thay thế dự án Khu liên hợp xử lý và tái chế chất thải rắn Ecovi.
Sau khi được thông qua chủ trương đầu tư dự án nhà máy điện rác tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nghi Yên, với tổng mức đầu tư 3.100 tỷ đồng, nhà đầu tư sẽ xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn bằng công nghệ lò ghi Martin của Đức, kết hợp phát điện hiện đại tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nghi Yên, huyện Nghi Lộc, để xử lý rác thải 1.500 tấn/ngày đêm, kết hợp phát điện với tổng công suất 30MW.
Dự án được phân kỳ đầu tư thành 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư 2.500 tỷ đồng, dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong quý IV/2027, có công suất xử lý chất thải rắn sinh hoạt 1.000 tấn rác/ngày đêm, công suất phát điện 20MW, công suất xử lý chất thải y tế 3 tấn/ngày đêm.
Giai đoạn 2 có tổng mức đầu tư 600 tỷ đồng, dự kiến đi vào hoạt động vào quý IV/2030, có công suất xử lý chất thải rắn sinh hoạt 500 tấn rác/ngày đêm, công suất phát điện 10MW, tái chế 6 tấn nhựa PE/ngày đêm, tái chế 3 tấn dầu DO/ngày đêm.
Khu liên hợp có 8 hố chôn lấp, trong đó chỉ còn 3 hố để tiếp nhận rác thải, dự kiến đến năm 2027 sẽ đầy. Do đó, với dự án này, khi đi vào hoạt động sẽ đáp ứng được yêu cầu xử lý rác thải, bảo đảm môi trường với công nghệ hiện đại.
Theo quy hoạch tỉnh, Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nghi Yên có chức năng xử lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường và chất thải rắn nguy hại phát sinh của vùng liên huyện gồm địa bàn: Tp. Vinh, Tx. Cửa Lò và các huyện Nghi Lộc, Hưng Nguyên, Diễn Châu.
Được biết, dự án sử dụng công nghệ lò ghi cơ học kiểu Martin của Đức, kết hợp phát điện, thuộc danh mục công nghệ được khuyến khích chuyển giao. Công nghệ này đang được sử dụng tại một số nhà máy điện rác ở Việt Nam, vì không kén chọn loại và kích cỡ rác thải, không cần phân loại rác đầu nguồn, phù hợp với thực tiễn ở nước ta hiện nay.
Việc dự án nhà máy điện rác được đầu tư xây dựng sẽ là phương án gỡ khó cho việc ô nhiễm từ các bãi rác trên địa bàn tỉnh Nghệ An. So với công nghệ đốt rác thông thường thì công nghệ đốt rác thu hồi năng lượng, như lò ghi Martin hiện đang là xu hướng chuyển đổi của các địa phương, để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường tại các bãi chôn lấp và tận dụng tài nguyên rác để tái tạo năng lượng, tiến tới đóng cửa bãi chôn lấp không hợp vệ sinh, tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy, nổ, ô nhiễm nguồn nước ngầm.
Link nội dung: https://saigonmoi24.com/go-kho-cho-khu-xu-ly-rac-qua-tai-gay-o-nhiem-nghiem-trong-o-nghe-an-a98553.html