Chiều 21/3, Tọa đàm “Xây lợi thế - Vững tương lai cùng Sáng kiến ESG Việt Nam 2024” đã được tổ chức với mục đích giúpddoanh nghiệp tham gia nắm bắt được bức tranh toàn cảnh về yêu cầu chuyển đổi bền vững trong nước và quốc tế cùng những ảnh hưởng trực diện đếnddoanh nghiệp Việt Nam.
Với kỳ vọng thúc đẩy tăng trưởng bền vững được dẫn dắt bởi khu vực kinh tế tư nhân, gia tăng lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp và góp phần thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam giai đoạn 2021-2030 và Quyết định 167/QĐ-TTg 2022 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp khu vực tư nhân kinh doanh bền vững, Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và USAID đã công bố Sáng kiến ESG Việt Nam.
Chuyển đổi xanh đang thực sự diễn ra
Phát biểu tại sự kiện, bà Nguyễn Thị Bích Thủy - Phó Trưởng phòng phụ trách phòng doanh nghiệp nhỏ và vừa, Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ KH&ĐT) cho biết: “Trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu, các doanh nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc đáp ứng các yêu cầu khắt khe về phát triển xanh và bền vững từ các nhà đầu tư, đối tác, các thị trường quốc tế và người tiêu dùng”.
Theo ông Mark Birnbaum - Giám đốc Dự án USAID Tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân Việt Nam (USAID IPSC), chuyển đổi xanh không còn là yêu cầu của tương lai mà là quá trình thực sự đang diễn ra. Gắn với hành trình chuyển đổi xanh, cộng đồng doanh nghiệp cũng đối mặt với thách thức ngày càng lớn, định nghĩa về một doanh nghiệp thành công đang có nhiều thay đổi đáng kể theo hướng toàn diện hơn.
“Thước đo truyền thống khi đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp thông qua lợi nhuận tài chính giờ đây là không đủ. Thay vào đó là hướng tiếp cận toàn diện hơn đang được áp dụng rộng rãi với tầm quan trọng tương đương dựa theo các yếu tố môi trường, quản trị, xã hội bên cạnh các chỉ số thông thường", ông Mark Birnbaum nói.
Thực tiễn cho thấy, những doanh nghiệp ưu tiên phát triển bền vững về môi trường, thực hiện trách nhiệm xã hội và tích cực áp dụng các biện pháp quản trị doanh nghiệp có nhiều cơ hội đạt được thành công bền vững hơn.
Ông Mark chia sẻ, theo một nghiên cứu gần đây, những doanh nghiệp có xếp hạng ESG cao hơn đạt được hiệu quả tài chính tốt hơn, thể hiện ở tỉ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu cao hơn 35% và định giá doanh nghiệp cao hơn 20% so với các doanh nghiệp có xếp hạng ESG thấp hơn.
Giám đốc Dự án USAID IPSC cho biết: “Thực hiện ESG đóng vai trò là chất xúc tác giúp doanh nghiệp giảm thiểu rủi ro, nâng cao khả năng phục hồi, dành nhiều lợi thế cạnh tranh trong bối cảnh môi trường toàn cầu đang đối mặt với nhiều thách thức từ biến đổi khí hậu, khan hiếm tài nguyên,... Trong bối cảnh nêu trên, các doanh nghiệp Việt Nam cần nắm bắt các nguyên tắc ESG, ưu tiên áp dụng thực hành ESG để duy trì sự phát triển bền vững trong tương lai”.
Cơ hội có thể bị đóng lại
Tại sự kiện, bà Phạm Thị Ngọc Thủy - Giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) đã chia sẻ về ESG trong doanh nghiệp. Cụ thể, thực hành ESG là bộ tiêu chuẩn hướng doanh nghiệp hoạt động, phát triển bền vững để gia tăng giá trị cho hoạt động sản xuất kinh doanh theo các cam kết về các yếu tố E- Môi trường, S- Xã hội, và G- Quản trị doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, đây cũng là kênh thông tin giúp doanh nghiệp nhận diện được rủi ro và cơ hội có thể bị ảnh hưởng đến khả năng tạo ra giá trị dài hạn cho doanh nghiệp.
Bà Thủy chia sẻ: Với những doanh nghiệp xuất khẩu sang EU, chỉ trong vòng 2 năm thôi, nếu không có những bước chuyển động thì nhiều doanh nghiệp đang trong chuỗi cung ứng hàng sang châu Âu sẽ bị loại, đó là rủi ro về mặt thị trường liên quan đến chữ E (môi trường).
Liên quan đến chữ S về mặt xã hội, thời gian vừa qua, Đức đã ban hành luật liên quan đến chuỗi cung ứng của Đức, trong đó đặt ra nhiều tiêu chí về lao động, lao động nữ, môi trường làm việc… Như vậy, những doanh nghiệp nào đang hoặc muốn nằm trong chuỗi cung ứng của Đức nếu không nhận diện được những quy định trên sẽ đối mặt với rủi ro hoặc mất đi cơ hội.
Về quản trị doanh nghiệp, bà Thủy cho biết, trong câu chuyện về mặt quản trị có rất nhiều mức khác nhau về sự tiến triển quản trị, năng lực quản trị, mức độ quản trị. Trong những diễn biến về mặt chính sách đã hàm chứa các yếu tố mà nếu doanh nghiệp không tuân thủ sẽ có rất nhiều rủi ro.
“Tuy nhiên, với mỗi loại hình doanh nghiệp, sẽ có những lát cắt, lựa chọn, thách thức, áp lực khác nhau, không phải toàn bộ các tiêu chí đưa ra đều là lời giải chung cho tất cả doanh nghiệp”, đại diện Ban IV nói.
Rộng hơn về bối cảnh quốc tế, bà Thủy chia sẻ, đây là câu chuyện của biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng, đòi hỏi sự chung tay của nhiều quốc gia; khủng hoảng năng lượng đi kèm với các bài toán xung đột địa chính trị, địa kinh tế,... Các yếu tố trên đã đẩy các bên vào vị trí nếu không có sự chuyển động, không có các biện pháp mạnh tay hơn thì không biết những diễn biến về kinh tế - chính trị thế giới sẽ đi về đâu.
Bên cạnh đó, bà Thủy cũng nhấn mạnh về bài toán về áp lực liên quan đến chuyển đổi công nghệ, chuyển đổi số. Trước nhiều khía cạnh như vậy, trật tự thế giới mới gắn với năng lực số, năng lực xanh đang dần được thiết lập, trong bối cảnh này, ai có sự chủ động sẽ có lợi thế, ai chậm chân sẽ có những rủi ro. Phát triển bền vững vừa là cơ hội vừa là áp lực với doanh nghiệp.
“Từ bình diện quốc tế như vậy, theo báo cáo gần đây chỉ từ năm 2016-2021, số lượng chính sách liên quan đến ESG ở Châu Á - TBD tại năm 2021 đã tăng gấp 2 lần. Nếu doanh nghiệp cứ bàng quan, thì bài toán bơi ra khỏi khu vực, chưa nói đến bơi ra quốc tế ở môi trường rộng hơn, là điều không tưởng. Doanh nghiệp Việt Nam đang có nhiều cơ hội ở các thị trường Châu Á - Thái Bình Dương, ước mơ xa hơn nữa là chinh phục các thị trường khó tính ở Mỹ và Châu Âu. Nếu doanh nghiệp không cập nhật những quy định ESG thì cơ hội sẽ bị đóng lại trước mắt”, bà Thủy nhấn mạnh.
Link nội dung: https://saigonmoi24.com/phat-trien-ben-vung-vua-la-co-hoi-vua-la-ap-luc-voi-doanh-nghiep-a98251.html