Qua bến phà Cái Viềng nằm trên địa phận xã Phù Long, huyện Cát Hải, Tp.Hải Phòng, chúng tôi thẳng tiến trung tâm Vườn quốc gia (VQG) Cát Bà để bắt đầu hành trình khám phá rừng kim giao - đỉnh Ngự Lâm.
Cung đường phía trước hiện ra trong làn mưa Xuân lất phất đẹp như tranh vẽ. Những cua, dốc và lối rẽ khúc khuỷu gợi nhớ tuyến đường hùng vĩ mang tên Hạnh Phúc nơi cao nguyên đá Đồng Văn ở tỉnh Hà Giang. Chỉ khác, nơi đây một bên là vách núi đá dựng đứng, một bên là biển quanh năm sóng vỗ.
Theo giới thiệu của đồng nghiệp cùng đi, cung đường này rất nhiều hoa. Mùa nào hoa nấy. Khi thì rực cháy màu của hoa phượng vĩ, hoa gạo. Lúc tinh khôi, trong trắng với những vạt hoa sưa. Đôi khi lại nhí nhảnh, nghịch ngợm với màu xanh, đỏ, tím, vàng của hoa xoan, hoa giấy, hoa dại.
Dọc đường, thi thoảng lại bắt gặp đàn dê túm tụm lại chơi đùa, gặm cỏ. Thấy khách lạ, chú dê trắng đầu đàn nghển cổ hướng đôi mắt đen nháy đầy tò mò có ý chào, rồi cất tiếng “be be” vang vọng núi rừng.
Sau quãng đường dài ngơ ngẩn trước cảnh đẹp của vùng đất được mệnh danh “thiên đường nơi hạ giới”, chúng tôi đến trung tâm Vườn quốc gia (VQG) Cát Bà. Ông Phạm Văn Phúc - Phó Giám đốc VQG Cát Bà, đón khách từ cổng ngoài. Sau cái bắt tay thật chặt, ông Phúc dẫn chúng tôi thăm các phòng trưng bày tiêu bản giới thiệu sự “giàu có” của VQG Cát Bà.
Trong số hàng nghìn loài động, thực vật có mặt tại VQG Cát Bà, có rất nhiều loài đặc hữu, quý hiếm, như: Voọc đầu trắng Cát Bà, quần thể cây Và Nước ở Ao Ếch, rừng kim giao tự nhiên… Trong đó, có tới hơn 150 loài có tên trong sách Đỏ Việt Nam.
Trước khi dẫn chúng tôi trải nghiệm, khám phá cung đường trung tâm VQG Cát Bà - rừng kim giao - đỉnh Ngự Lâm, ông Phúc “khuyến cáo”: Mọi người chuẩn bị tinh thần trước, dù phong cảnh đẹp, hấp dẫn, nhưng đây là cung đường tương đối khó đi. Muốn chinh phục đòi hỏi sự dẻo dai, kiên trì!.
Trên đoạn đường dài chừng nửa cây số từ cổng VQG Cát Bà đến chân núi được trải bê-tông khá bằng phẳng, ông Phúc tranh thủ giới thiệu với chúng tôi về địa danh sắp đến.
Rừng kim giao là khu vực rộng hơn 7 ha khá bằng phẳng nằm ở độ cao chừng 150 m so với mực nước biển. Nơi đây bạt ngàn những kim giao là kim giao. Những cây nhỏ có tuổi đời 50 - 70 năm, cây lớn hàng trăm năm tuổi.
Đi tiếp là đỉnh Ngự Lâm nằm ở độ cao hơn 200 m so với mực nước biển, một trong số ít điểm cao có thể quan sát toàn bộ phong cảnh quần đảo Cát Bà. “Nơi này trước không có tên, sau khách du lịch tò mò hỏi nhiều quá, có người nói đùa tên là Ngự Lâm nghĩa là nơi thần rừng ngự, sau quen dần thành tên như ngày nay”, ông Phúc chia sẻ.
Đến chân núi, chúng tôi bắt đầu hành trình chinh phục rừng kim giao, đỉnh Ngự Lâm. Mặc dù ông Phúc liên tục động viên, chỉ một chút nữa là tới nơi, nhưng thói quen ít vận động cùng những cái bụng “dân văn phòng” núng nính, khiến cứ chừng dăm bảy mươi mét, lại có tiếng đề nghị, rồi năn nỉ, ỉ ô để được dừng chân nghỉ ngơi.
Chẳng thế mà cung đường được giới thiệu đi về chỉ trong 2 giờ, chúng tôi kết hợp cả đi lẫn lăn lê, bò nhoài, ngót nghét 4 tiếng. Bù lại, những lúc nghỉ chân, được nghe ông Phúc giới thiệu rất nhiều địa danh đẹp, hấp dẫn của VQG Cát Bà và quần đảo Cát Bà.
Trong đó, được biết đến nhiều nhất là động Thiên Long ở xã Phù Long - nơi lưu giữ dấu tích người Việt sinh sống cách đây hàng nghìn năm, được chia 3 tầng ứng với địa ngục - hạ giới - thiên đường. Tiếp đến hang đá lớn tới mức chứa được cả một bệnh viện dã chiến (hang Quân Y).
Đặc biệt là vịnh Lan Hạ, nơi có hàng trăm bãi tắm, hòn đảo đơn độc và những dãy núi bao bọc. Xưa kia, cứ đến mùa hạ, loài lan phi điệp quý hiếm lại nở trắng các vách núi. Đây là nguồn cơn cho cái tên Lan Hạ (hoa lan nở mùa hạ).
Sau gần 1 cây số chinh phục các bậc thang bám theo vách đá đầy đá tai mèo lởm chởm nghiêng 40 - 50 độ, chúng tôi đến rừng kim giao. Theo lời giới thiệu của ông Phúc, kim giao là loại cây lá cứng và thuộc loại cây quý, ra hoa vào tháng 4, tháng 5, thành quả, kết đài vào tháng 6, tháng 7.
Kim giao có bộ rễ to, khỏe bám chặt vào vách đá, những rễ nhỏ vươn dài, trải khắp mặt đất để hút chất dinh dưỡng, cây nào cây nấy thẳng tắp như tâm tính ngay thẳng của người quân tử, tán lá mọc đều tứ phía tạo thành hình tháp nhìn rất đẹp mắt. Hoa kim giao màu trắng muốt, hình tròn cỡ ngón chân cái người trưởng thành, hương thơm dịu nhẹ hấp dẫn ong bướm khắp đảo Cát Bà về hút mật.
Liên quan đến cánh rừng kim giao, trong vùng lưu truyền câu chuyện, xưa có một đôi trai tài, gái sắc yêu nhau say đắm nhưng bị đôi bên gia đình ngăn cấm. Để muôn đời, muôn kiếp được ở bên nhau, họ cầu trời, khấn phật cho hóa thành cây kim giao. Tình yêu son sắt của đôi trẻ cảm động đất trời.
Rời cánh rừng kim giao, chúng tôi tiếp tục hành trình dài hơn 500 m, nhiều đoạn chỉ vừa một người luồn lách, để đến đỉnh Ngự Lâm. Từ độ cao hơn 200 m so với mực nước biển, khung cảnh trước mắt hiện ra đẹp như tranh vẽ.
Không ai nói với ai lời nào, chúng tôi lặng đi trước vẻ đẹp mà thiên nhiên ban tặng cho Cát Bà. Trên nền rừng, biển xanh ngắt, bầy chim ưng nghiêng cánh chao liệng kiếm mồi. Từng vạt rừng, khoảnh trời, vụng biển cùng hàng trăm hòn đảo lớn nhỏ hợp nhau lại tạo thành bức tranh thiên nhiên kỳ vĩ, thơ mộng làm ngơ ngẩn lòng người.
Link nội dung: https://saigonmoi24.com/tham-canh-rung-kim-giao-bau-vat-cua-vuon-quoc-gia-cat-ba-a96826.html