Chiều 7/3, UBND tỉnh Bắc Giang đã tổ chức thông tin về Lễ hội kỷ niệm 140 năm Khởi nghĩa Yên Thế.
Lễ hội Yên Thế 2024 gồm nhiều nghi lễ và hoạt động thiết thực, góp phần bảo tồn và phát huy di sản văn hóa các dân tộc trong công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển, tăng cường tình đoàn kết các dân tộc; cụ thể hóa Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về "Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước"; tuyên truyền, giới thiệu truyền thống lịch sử-văn hóa, những giá trị đặc sắc của vùng đất, con người, thành tựu phát triển kinh tế-xã hội của huyện Yên Thế nói riêng và tỉnh Bắc Giang nói chung, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh.
Điểm nhấn của Lễ hội Yên Thế 2024 là chương trình khai mạc lễ hội diễn ra vào sáng 16/3 tại Khu Di tích lịch sử Hoàng Hoa Thám (thị trấn Phồn Xương, huyện Yên Thế) có chương trình nghệ thuật với chủ đề "Bản hùng ca Yên Thế".
Chương trình khai mạc lễ hội được dàn dựng quy mô hoành tráng, công phu, mang tính sử thi nhằm ca ngợi công lao của thủ lĩnh Lương Văn Nắm, anh hùng dân tộc Hoàng Hoa Thám, cùng các nghĩa quân Yên Thế đã anh dũng chiến đấu, chống Thực dân Pháp trong những năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX.
Bên cạnh đó là hàng loạt các nghi lễ, hoạt động diễn ra trong suốt quá trình tổ chức lễ hội như: Lễ cắt băng khánh thành công trình tu bổ, tôn tạo đình Hả và dâng hương tại đền thờ Lương Văn Nắm (xã Tân Trung, huyện Tân Yên); lễ cắt băng khánh thành công trình đền thờ Hoàng Hoa Thám và nghĩa quân Yên Thế, đình Ba tầng mái (thị trấn Phần Xương, huyện Yên Thế); khai mạc trưng bày Khởi nghĩa Yên Thế; lễ tế, lễ dâng hương, lễ phóng ngư-thả điểu; các giải thể thao: Bóng đá, cầu lông, bóng chuyền hơi, đẩy gậy, bắn nỏ, kéo co,...
Sự kiện khai mạc giải vô địch anh tài vật dân tộc quốc gia, khai mạc hội trại thanh niên cũng được tổ chức nhân dịp này.
Những địa điểm Khởi nghĩa Yên Thế (gồm 23 điểm di tích) trải rộng trên địa bàn 4 huyện (Yên Thế, Tân Yên, Việt Yên và Yên Dũng) đã Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt.
Năm 2012, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành quyết định công bố danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cho 33 di sản văn hóa phi vật thể, trong đó có Lễ hội Yên Thế (thị trấn Cầu Gồ, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang).
Trong những năm qua, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử quốc gia đặc biệt những địa điểm Khởi nghĩa Yên Thế luôn được các cấp, các ngành quan tâm, trong đó có một số công trình tiêu biểu, như: Đình Ba mái, đền thờ Hoàng Hoa Thám và nghĩa quân Yên Thế, đồn Phồn Xương, động Thiên Thai, đình Dĩnh Thép, chùa Thông (huyện Yên Thế), đình làng Chuông, đền Gốc Khế, đình Nội, chùa Vồng, đình Hả, đền thờ Lương Văn Nắm (huyện Tân Yên), đình Đông (thị xã Việt Yên), chùa Kem (huyện Yên Dũng)…
Các địa điểm di tích trên đã và đang trở thành địa điểm giáo dục truyền thống cách mạng, tinh thần yêu nước, mỗi năm thu hút hàng trăm nghìn lượt du khách tham quan, chiêm bái; từng bước hình thành kết nối các điểm di tích về cuộc khởi nghĩa Yên Thế với các di tích khác trong vùng, góp phần làm phong phú thêm hệ thống di tích của tỉnh Bắc Giang.
Diệp Anh
Link nội dung: https://saigonmoi24.com/nhieu-hoat-dong-dac-sac-tai-le-hoi-yen-the-2024-a96799.html