Quảng Nam: Kiểm tra, xử lý vi phạm trong khai thác khoáng sản

Tại thời điểm kiểm tra, đa số các doanh nghiệp đều có lắp đặt camera, trạm cân, nhưng nhiều nơi không đảm bảo yêu cầu theo quy định.

Phạt nhiều tỷ đồng sai phạm trong khai thác khoáng sản

Ngày 25/2, theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Nam, trong năm 2023, các Sở, ngành, địa phương đã tổ chức và phối hợp tổ chức nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các đơn vị được cấp phép hoạt động khoáng sản.

Thanh tra tỉnh Quảng Nam đã tiến hành 2 cuộc thanh tra liên quan đến công tác quản lý nhà nước về khoáng sản.

Thứ nhất, Thanh tra việc chấp hành pháp luật về thuế đối với các doanh nghiệp khai thác, mua bán khoáng sản cát trên địa bàn các huyện: Thăng Bình, Tiên Phước, Hội An, Nông Sơn, Tây Giang, Phước Sơn từ năm 2020 – 2022.

Qua thanh tra đã phát hiện tổng sai phạm về thuế là 561,178 triệu đồng, kiến nghị thu hồi ngân sách nhà nước toàn bộ số tiền vi phạm này. Trong đó, xử lý vi phạm liên quan đến hoạt động khoáng sản với số tiền 33,47 triệu đồng.

Ngoài ra, kiến nghị các cơ quan liên quan xem xét xử lý vi phạm hành chính đối với trường hợp mua cát đầu vào không rõ nguồn gốc, không có hóa đơn, chứng từ và không lắp đặt trạm cân, camera giám sát.

Môi trường - Quảng Nam: Kiểm tra, xử lý vi phạm trong khai thác khoáng sản

Một bãi cát trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.

Thứ hai, Thanh tra việc chấp hành các quy định của nhà nước về hoạt động khoáng sản của các đơn vị khai thác khoáng sản trên địa bàn các huyện, thành phố: Nam Trà My, Phú Ninh, Đông Giang, Duy Xuyên, Quế Sơn, Tam Kỳ giai đoạn 2015 – 2022. Đến nay, đang dự thảo Kết luận thanh tra đối với cuộc thanh tra này.

Bên cạnh đó, Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì triển khai 3 cuộc thanh tra, kiểm tra đối với 4 đơn vị khai thác khoáng sản.

Thanh tra Sở đã ban hành và tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh ban hành 12 Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 8 tổ chức đang hoạt động trong lĩnh vực khoáng sản với tổng số tiền phạt 3,486 tỷ đồng.

Tính đến ngày 12/1, 7 đơn vị đã chấp hành nộp phạt với tổng số tiền 2,241 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 88% số tiền xử phạt.

Ngoài ra, Thanh tra Sở đã kiến nghị thu hồi số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính đối với 3 tổ chức với số tiền hơn 513,37 triệu đồng. 3 đơn vị đã chấp hành nộp lại số lợi bất hợp pháp theo quy định.

lắp camera, trạm cân nhưng tìm cách né tránh

Cũng theo đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Nam, trong năm qua, Cục Thuế tỉnh Quảng Nam đã chủ trì, phối hợp tổ chức kiểm tra thực tế tình hình lắp đặt, sử dụng trạm cân, camera giám sát, đầu ghi dữ liệu của các doanh nghiệp khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh.

Tại thời điểm kiểm tra, đa số các doanh nghiệp đều có lắp đặt camera, trạm cân. Tuy nhiên, nhiều nơi không đảm bảo yêu cầu theo quy định.

Môi trường - Quảng Nam: Kiểm tra, xử lý vi phạm trong khai thác khoáng sản (Hình 2).

Khai thác khoáng sản luôn là vấn đề nhạy cảm. 

Theo đó, doanh nghiệp có lắp đặt camera nhưng không lưu trữ dữ liệu dưới dạng số hóa; có doanh nghiệp lưu trữ trực tuyến trên đầu ghi (xem được qua internet) chỉ vài ngày trước khi đoàn kiểm tra làm việc; trạm cân không kết nối internet.

Một số mỏ, vị trí camera giám sát đưa khoáng sản ra khỏi mỏ không quan sát hết phương tiện ra vào; đa số vị trí lắp đặt không có cơ quan địa phương giám sát, thỏa thuận.

Một số mỏ cơ quan địa phương có kiểm tra nhưng không ghi nhận và phản ánh cụ thể về việc lắp đặt vận hành camera 24/24 giờ, về dữ liệu hình ảnh lưu trữ dưới dạng số hóa, về kết nối internet.

Ngoài ra, UBND các huyện, thị xã, thành phố đã chỉ đạo các phòng, đơn vị liên quan, các tổ kiểm tra liên ngành tổ chức các đợt kiểm tra định kỳ và đột xuất về tình hình chấp hành pháp luật trong hoạt động khoáng sản của các đơn vị được cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản.

Liên quan đến vấn đề này, trước đó, ông Nguyễn Hồng Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã có yêu cầu, đối với các đơn vị khai thác khoáng sản phải tổ chức khai thác khoáng sản đảm bảo công suất theo giấy phép được cấp; nghiêm cấm việc khai thác cầm chừng, gây khan hiếm vật liệu để tăng giá bán.

Môi trường - Quảng Nam: Kiểm tra, xử lý vi phạm trong khai thác khoáng sản (Hình 3).

Ông Nguyễn Hồng Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam. 

Doanh nghiệp phải kê khai nộp thuế đúng với sản lượng khai thác thực tế, xuất hóa đơn bán hàng đúng với giá thanh toán.

Ngoài ra, các đơn vị phải niêm yết công khai giá bán khoáng sản tại mỏ theo từng thời điểm; gửi thông báo giá niêm yết về UBND cấp huyện, cơ quan Thuế, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng để theo dõi, giám sát và bán đúng với giá niêm yết.

Các doanh nghiệp phải lắp đặt đầy đủ trạm cân, hệ thống camera giám sát, đầu ghi dữ liệu có dung lượng đủ lớn, truyền dữ liệu về các cơ quan chức năng và kiểm tra, rà soát, có quy trình quản lý, vận hành thông suốt. Đồng thời, công ty cần theo dõi, lập sổ ghi chép số liệu khoáng sản khai thác trong ngày, trong tuần, số liệu xe qua trạm cân và số liệu khoáng sản xuất bán thực tế.

Trong quá trình khai thác khoáng sản tại mỏ, doanh nghiệp phải đảm bảo vệ sinh môi trường, không để gây ảnh hưởng đến sinh hoạt và sản xuất của Nhân dân trong vùng. Việc bốc xếp đất, đá, cát lên xe vận chuyển không được vượt quá tải trọng cho phép và thực hiện đầy đủ các yêu cầu về cắm mốc ranh giới khu mỏ.

Không chỉ thế, chủ mỏ phải lập hồ sơ thiết kế khai thác mỏ, bổ nhiệm giám đốc điều hành mỏ đúng tiêu chuẩn quy định; lập đầy đủ bản đồ hiện trạng mỏ và các sổ sách, chứng từ, tài liệu xác định sản lượng khai thác hàng tháng, hàng năm.

Doanh nghiệp phải thực hiện việc báo cáo định kỳ hoạt động khai thác khoáng sản đúng thời hạn và đầy đủ thông tin theo biểu mẫu quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Trường hợp hết thời gian khai thác, công ty phải chấp hành thực hiện nghiêm việc hoàn thổ, phục hồi môi trường sau khai thác theo đúng quy định.

 

 

 

Link nội dung: https://saigonmoi24.com/quang-nam-kiem-tra-xu-ly-vi-pham-trong-khai-thac-khoang-san-a95380.html