Lầm tưởng mắc bệnh ngoài da
PGS.TS Đỗ Trung Dũng, Trưởng khoa Ký sinh trùng, Viện Sốt rét-ký sinh trùng-côn trùng Trung ương chia sẻ với Người Đưa Tin, có khoảng 70% người bệnh đến bệnh viện Đặng Văn Ngữ thăm khám nhiễm ấu trùng, giun đũa từ chó mèo.
Nguyên nhân nhiễm ấu trùng giun đũa chó mèo là do ăn phải trứng của giun đũa thải ra từ chó, mèo bao gồm cả thú cưng không xử lý phân tốt.
Ông Dũng cho biết, khi người ăn phải trứng giun đũa từ chó mèo, trứng sẽ chỉ phát triển thành ấu trùng và di chuyển khắp cơ thể người. Trong đó, bộ phận dễ gặp ấu trùng là gan, gây ra những tổn thương, những ổ áp-xe ở gan… hay ấu trùng có thể đi vào tim, phổi, não… và gây ra hiện tượng dị ứng kéo dài.
“70-90% người nhiễm giun đũa chó mèo có biểu hiện ngứa ở ngoài da hoặc có nổimẩn, phát ban ngoài da. Nhiều người lầm tưởng đi khám khắp các bệnh viện da liễu nhưng không tìm ra được nguyên nhân bệnh”, ông Dũng cho hay.
Đối với những trường hợp bệnh nhân này khi đến điều trị đều có kết quả khả quan. Có những bệnh nhân điều trị 2-3 đợt, mỗi đợt 15 ngày là các triệu chứng có thể mất đi. Nhưng, cũng có trường hợp điều trị 5-7 đợt và thay đổi nhiều loại thuốc nhưng không hoặc ít đáp ứng điều trị.
Theo ông Dũng, quá trình dùng thuốc điều trị cũng có thể ảnh hưởng đến chức năng gan, thận.
“Do đó, trước khi điều trị, chúng tôi phải đánh giá chức năng gan, thận của người bệnh để có phác đồ điều trị phù hợp theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế đã ban hành”.
Cần truyền thông tới các gia đình nuôi thú cưng
Theo ông Dũng, cần có hoạt động giáo dục và truyền thông với các gia đình nuôi thú cưng, nuôi chó mèo.
Thực tế, nhiều người tiếp xúc, ôm ấp, ngủ cùng chó mèo sẽ có nguy cơ ăn phải trứng giun đũa hoặc có thể ăn phải trứng giun đũa qua thức ăn, quan bàn tay bẩn, qua nước uống …
Bên cạnh đó, vị chuyên gia cho biết, chúng ta có thể vô tình nhiễm phải trứng giun truyền qua đất (Giun đũa, giun tóc, giun móc) do tay vệ sinh không sạch sẽ, do nước hay do ăn rau sống, ăn thức ăn không đảm bảo và ruồi mang mầm bệnh đậu vào thức ăn. Trứng khi vào cơ thể người sẽ phát triển thành ấu trùng, ký sinh và phát triển thành giun trưởng thành trong ruột của người.
Hằng ngày, một con giun đũa có thể ăn rất nhiều chất dinh dưỡng, bao gồm tinh bột, sắt, kali… dẫn đến tình trạng còi xương, suy dinh dưỡng, chậm phát triển trí tuệ, thiếu hụt kali.
Ngoài ra, khi tiếp xúc với đất mà không có bảo hộ lao động, hay trẻ em nghịch đất, cát… có thể bị ấu trùng của giun móc, giun mỏ xuyên qua da, qua gan bàn chân, bàn tay và đi vào đường tuần hoàn trong cơ thể.
Các bác sĩ khuyến cáo cần vệ sinh cá nhân, quản lý môi trường, vệ sinh sạch sẽ giường, chiếu, với trẻ cần đặc biệt lưu ý về vệ sinh trường học, đồ chơi cho trẻ để hạn chế nhiễm giun đũa, giun tóc, giun móc, giun kim.
Qua điều tra 28 tỉnh thành ở phía Bắc, hiện nay, các bệnh nhiễm giuntruyền qua đất (giun đũa, giun tóc, giun móc/mỏ) vẫn còn. Điều tra năm 2023 tại Huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang, học sinh tiểu học có tỉ lệ nhiễm ở mức caolên tới 75%. Đây là tình trạng báo động.
“Chúng tôi tiến hành tẩy giun 2 lần/năm, đồng thời chuyển thuốc đến tận tay các thầy cô giáo và các bác sĩ tuyến xã để cho trẻ uống thuốc. Nhưng tỉ lệ nhiễm vẫn ở mức cao, tuy nhiên, cường độ nhiễm, lượng giun trong người đã giảm đi khá tốt. Tỉ lệ nhiễm cao ghi nhận ở Hà Giang, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu…
Trong khi ở các tỉnh thuộc đồng bằng sông Hồng tỉ lệ nhiễm đã giảm dần đi và giảm xuống khoảng 10-20%. Ở các tỉnh miền Trung và miền Nam, tỉ lệ nhiễm giun móc nhiều hơn do điều kiện khí hậu và điều kiện nước sinh hoạt”, ông Dũng nói.
Với các loại rau thuỷ sinh, con người khi ăn không chỉ nhiễm trứng giun mà còn có khả năng nhiễm ấu trùng sán lá gan lớn, thường ở trong thân cây và lá cây rau thuỷ sinh (rau muống, rau ngổ, rau cần, dấp cá…).
Khi ăn rau thuỷ sinh không được nấu chín, ăn lẩu nhúng qua… ấu trùng cũng sẽ không bị tiêu diệt. Việc rửa rau qua loa cũng khó loại bỏ ấu trùng… Do vậy, khi ăn rau không được rửa sạch, không được nấu chín đảm bảo sẽ có nguy cơ nhiễm sán lá gan lớn và trứng giun đũa, giun tóc.
Sán lá gan lớn có thể gây ra những ổ áp-xe trong gan và ấu trùng có thể đi khắp cơ thể người gây ra tổn thương và các tổ áp-xe ngoài gan ở nách, cơ thành bụng, đầu gối, đùi, bắp chân…
Với các loại trứng giun bám trên bề mặt, thân, cây rau có thể rửa dưới vòi nước để rửa trôi sạch trứng, thay vì rửa trong chậu và ngâm nước muối. Với ấu trùng của sán lá gan lớn cũng khó xử lý sạch, do vậy cách phòng ngừa vẫn là nấu chín, ăn chín.
Link nội dung: https://saigonmoi24.com/vi-sao-nhieu-benh-nhan-nhiem-au-trung-giun-dua-tu-cho-meo-a94694.html