Dựng cây nêu là một phong tục cổ truyền trong ngày Tết Nguyên đán của người Việt được tái hiện tại đình Kim Ngân (quận Hoàn Kiếm) nhằm giới thiệu đến cho du khách và nhân dân Thủ đô những phong tục lâu đời trong Tết Việt.
Theo đó, dựng cây nêu là một trong những phong tục cổ truyền trong ngày Tết Nguyên đán của người Việt, mang ý nghĩa là biểu tượng bảo vệ người dân khỏi ma quỷ xâm nhập, mang đến bình yên cho người dân ở vùng đất được dựng câu nêu.
Chia sẻ về tục dựng câu nêu, TS. Trần Đoàn Lâm, thành viên Câu lạc bộ Đình Làng Việt cho biết, dựng cây nêu ngày Tết là một phong tục lâu đời của người Việt Nam. Thông thường, cây nêu được dựng vào ngày 23 tháng Chạp là ngày tiễn ông Công - ông Táo, sau đấy cây nêu được hạ vào ngày mùng 7 tháng Giêng.
Cây nêu được dựng lên trong không khí phấn khởi của người dân, báo hiệu một năm mới sắp đến. Dựng cây nêu vào ngày 23 tháng Chạp âm lịch còn có ý nghĩa biểu tượng ngăn ngừa ma quỷ tới quấy rầy gia chủ trong những ngày ông Công - ông Táo lên chầu trời.
Cây tre được chọn dựng cây nêu là cây khỏe mạnh, đã chặt hết các cành, chỉ để lại ngọn và lá phía trên. Theo TS. Trần Đoàn Lâm, không phải ngẫu nhiên người dân ta chọn cây tre để dựng cây nêu, bởi lẽ cây tre phổ biến ở làng quê Việt Nam, đặc biệt là vùng đồng bằng Bắc Bộ. Cây tre cũng tượng trưng cho người Việt Nam, mềm dẻo nhưng rất cứng rắn, bất khuất.
Thân cây nêu có thể được trang trí bằng các loại cờ, phướn, đèn lồng, câu đối, niêu đất chứa vôi, chuông gió, giỏ tre…
Những biểu tượng treo trên cây nêu cũng có những ý nghĩa riêng, đó là hướng về bảo vệ, tạo lập hạnh phúc cho con người. Trên ngọn cây nêu, người ta treo những đồ vật tùy theo phong tục của từng địa phương, như trên ngọn còn có một vòng tròn nhỏ, được treo những chiếc khánh đất, hay linh vật để khi gió thổi, va đập nhau kêu leng keng trong gió với ý nghĩa để trừ ma quỷ.
Viết chữ thư pháp lên băng vải đỏ rồi treo trên cây nêu là tượng trưng cho sức sống của mùa Xuân, cũng là mong ước của sự mạnh khỏe, bình an. Cây nêu cũng được treo chùm lá thường có gai như biểu tượng vũ khí bảo vệ vùng đất dựng cây nêu.
Những con cá chép bằng gỗ được treo lên cây nêu tượng trưng cho ngũ hành: Kim - Mộc - Thủy - Hỏa - Thổ. Lý do chọn cá chép bởi truyền thuyết cá chép có năng lực biến thành rồng bảo vệ cho muôn loài. Trên cây nêu còn treo bùa tứ tung ngũ hoành với ý nghĩa cấm quỷ dữ đến xâm phạm gia đình trong ngày Tết. Cờ treo trên cây nêu cũng theo nguyên tắc ngũ hành: Kim - Mộc - Thủy - Hỏa - Thổ, ngọn lửa tượng trưng cho sức sống, cũng là biểu tượng vũ khí đuổi tà quỷ, mang bình an đến với người dân.
Tái hiện dựng cây nêu ngày Tết tại đình Kim Ngân, phố Hàng Bạc (Hà Nội) là hoạt động nhiều năm nay được Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội phối hợp với Câu lạc bộ Đình Làng Việt tổ chức. Theo ông Nguyễn Đức Bình, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Đình Làng Việt, cách đây 5 năm, Câu lạc bộ Đình Làng Việt bắt đầu phối hợp với Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội tổ chức chương trình Tết Việt - Tết phố. Đây là hoạt động có ý nghĩa của quận Hoàn Kiếm, Ban quản lý phố cổ Hà Nội để duy trì hoạt động văn hóa có ý nghĩa, có sức lan tỏa đến cộng đồng.
Cùng với việc tái hiện dựng cây nêu ngày Tết, nhiều hoạt động tại phố cổ Hà Nội trong chương trình Tết Việt - Tết phố cũng hướng tới giá trị tốt đẹp của văn hóa truyền thống, được cộng đồng nâng niu và gìn giữ, giới thiệu những nét đẹp văn hoá truyền thống trong phong vị đón Tết cổ truyền của người Việt
Còn theo Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể khu vực hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của quận Hoàn Kiếm giao cho Ban quản lý triển khai. Dịp Tết Nguyên đán này, Ban quản lý mang đến nhiều hoạt động văn hóa trong khu phố cổ để giới thiệu với công chúng các giá trị di sản văn hóa tiêu biểu, cũng là cơ hội để quảng bá văn hóa của các địa phương, các hoạt động văn hóa dân gian mỗi dịp Tết đến, Xuân về.
Gia Huy
Link nội dung: https://saigonmoi24.com/cay-neu-ngay-tet-mang-phong-tuc-co-truyen-den-voi-pho-co-a94084.html