Fire Alarm - một ứng dụng báo cháy, được hình thành ý tưởng từ đầu tháng 10/2023. Sau vụ hoả hoạn đáng tiếc khiến nhiều người thiệt mạng tại một chung cư mini ở Hà Nội, đã nhấn mạnh tầm quan trọng trong việc cảnh báo sớm về hoả hoạn.
Quá trình thực hiện dự án bắt đầu từ ngày 13/10/2023. Trong giai đoạn khởi động, nhóm phát triển đã tập trung vào việc nghiên cứu và phân tích các ứng dụng báo cháy sẵn có trên thị trường để từ đó phát triển một sản phẩm vượt trội, có khả năng cảnh báo người dân kịp thời trong mọi tình huống, kể cả khi họ đang ngủ, nghe nhạc, hoặc ở trong những phòng có cách âm.
Từ cảnh báo động đất tại Nhật đến cảnh báo hoả hoạn tại Việt Nam
Trao đổi với Người Đưa Tin, đại diện dự án Fire Alarm, chị Nguyễn Hoà cho biết: "Một thảm kịch đã lấy đi sinh mạng của 56 người. Sự kiện này gây ra sự chấn động lớn và mở ra một tầm nhìn mới cho nhóm phát triển của chúng tôi. Qua việc xem video phỏng vấn những người dân may mắn thoát khỏi đám cháy, chúng tôi nhận ra hai vấn đề cốt lõi.
Đầu tiên, nhiều người trong nhà không nhận thức được mức độ nguy hiểm của đám cháy do nhầm lẫn tiếng hô hoán với tiếng cãi vã, từ đó không kịp thời thoát khỏi tòa nhà.
Thứ hai, thiếu hiểu biết về các phương pháp thoát hiểm khi có cháy. Một gia đình kể lại rằng họ chỉ thoát nạn nhờ kiến thức về cách thoát hiểm mà con họ học được ở trường, như việc tẩm ướt khăn để thở và luôn giữ người ở vị trí thấp để tránh ngạt khói.
Những trải nghiệm này, kết hợp với chuyến công tác tại Nhật Bản vào tháng 8/2023 của một thành viên trong nhóm, đã mở ra ý tưởng cho Fire Alarm.
Trong chuyến đi, thành viên đã chứng kiến cách cảnh báo động đất hiệu quả tại Nhật khi điện thoại của mọi người đồng loạt phát ra chuông báo động mạnh lúc 2h sáng.
Từ đó, Fire Alarm được phát triển như một ứng dụng cảnh báo cháy, có khả năng phát chuông báo động lớn trên điện thoại và hiển thị màn hình hướng dẫn người dùng thực hiện các phương pháp thoát hiểm khẩn cấp, giúp họ bình tĩnh và an toàn hơn trong tình huống nguy kịch".
Chị Nguyễn Hoà cho biết thêm, ứng dụng được phát triển bởi đội ngũ trẻ, đa số là các bạn Gen Z. Phát triển một ứng dụng gần gũi, có tính hiệu quả cao trong đời sống là động lực thúc giục những người trẻ gắn bó với Fire Alarm không nản lòng.
Ứng dụng Fire Alarm được thiết kế với giao diện dễ sử dụng cho tất cả mọi người, kể cả những người không am hiểu về công nghệ.
Người dùng bắt đầu bằng việc đăng ký tài khoản thông qua việc nhập số điện thoại của mình. Khi cần báo cháy, họ chỉ cần nhấn vào nút "Báo cháy" lớn và rõ ràng trên màn hình, sau đó chọn địa điểm xảy ra cháy để thông báo cho cộng đồng.
Một tính năng độc đáo của "Fire Alarm" là khi người dùng nhấn nút "Báo cháy", ứng dụng sẽ tự động gửi thông báo đến tất cả người dùng khác trong phạm vi 100m từ vị trí đám cháy, dựa trên dữ liệu GPS.
Thông báo này bao gồm thông tin về địa điểm cháy, hướng dẫn thoát hiểm cụ thể và âm thanh cảnh báo lớn, giúp người dùng nhanh chóng nhận thức được tình huống và có hành động phù hợp.
So sánh với ứng dụng dự đoán động đất tại Nhật Bản
Nói về điểm giống và khác nhau so với ứng dụng dự đoán động đất tại Nhật Bản, ông Aida Shinsuke - Giám đốc Genki System - người đứng đầu dự án Fire Alarm cho biết:
"Về mặt tương đồng, cả Fire Alarm và ứng dụng báo động đất ở Nhật đều sử dụng âm thanh lớn và chế độ rung để cảnh báo người dùng về một sự kiện khẩn cấp. Tính năng này giúp đảm bảo rằng cảnh báo được truyền tải một cách hiệu quả, ngay cả trong môi trường ồn ào hoặc khi người dùng không chú ý đến màn hình điện thoại. Ngoài ra, cả hai loại ứng dụng này cũng có khả năng cảnh báo đồng thời cho một lượng lớn người dùng, tăng cường khả năng phát hiện và phản ứng nhanh chóng trong cộng đồng.
Tuy nhiên, có những điểm khác biệt giữa Fire Alarm và ứng dụng báo động đất tại Nhật.
Đầu tiên, về phần cài đặt, các ứng dụng báo động đất ở Nhật thường được cài đặt sẵn trên điện thoại di động, trong khi đó, Fire Alarm được người dùng tải về và cài đặt từ CH Play hoặc App Store. Điều này có nghĩa là Fire Alarm cần người dùng phải chủ động tìm kiếm và cài đặt ứng dụng.
Thứ hai, về nguồn thông tin cảnh báo, ứng dụng báo động đất ở Nhật Bản nhận thông tin từ các cảm biến địa chấn chính xác, còn Fire Alarm lại dựa vào thông tin được nhập bởi người dùng. Điều này có nghĩa là "Fire Alarm" phụ thuộc vào sự chủ động và tính chính xác của thông tin do người dùng cung cấp.
Cuối cùng, về yêu cầu kết nối internet, các ứng dụng báo động đất tại Nhật có thể hoạt động mà không cần kết nối internet, trong khi Fire Alarm cần kết nối internet để nhận và truyền tải thông tin cảnh báo".
Link nội dung: https://saigonmoi24.com/cau-chuyen-phia-sau-fire-alarm-ung-dung-bao-chay-do-gen-z-phat-trien-a93600.html