Doanh nghiệp cát liên tục sai phạm
Mới đây, UBND huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An đã ra quyết định xử lý hành chính đối với Công ty TNHH Đầu tư phát triển tài nguyên Thái Cực có địa chỉ tại xã Nghĩa Hoàn, huyện Tân Kỳ. Người đại diện pháp luật là ông Bùi Xuân Hải (SN 1976, trú Tp. Vinh) làm giám đốc. Cùng một lúc, công ty khai thác cát này bị 3 quyết định xử phạt với số tiền gần 70 triệu đồng.
Theo các quyết định thì công ty này bị phạt 3 triệu đồng về hành vi không có giấy chứng nhận đăng ký phương tiện theo quy định; 30 triệu đồng về hành vi đưa phương tiện hoán cải vào hoạt động, khai thác khi chưa được đăng kiểm theo quy định; 15 triệu đồng về hành vi giao người không đủ sức khoẻ, tuổi, không có giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn hoặc giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn không phù hợp theo quy định điều khiển phương tiện, làm việc trên phương tiện mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
Ngoài ra, đơn vị này còn bị phạt 15 triệu do vi phạm không đăng ký nội quy lao động theo quy định của pháp luật. Đặc biệt hơn, công ty Thái Cực còn bị phạt 4 triệu đồng do vi phạm hành chính về hoá đơn khi lập hoá đơn không đúng thời điểm nhưng không dẫn đến chậm thực hiện nghĩa vụ thuế.
Điều đáng nói, vào năm 2021, người dân địa phương cũng đã có kiến nghị lên cơ quan chức năng về việc nhiều diện tích đất sản xuất đã bị sạt lở xuống sông do doanh nghiệp Công ty TNHH Đầu tư phát triển tài nguyên Thái Cực tiến hành hút cát tại xã Nghĩa Dũng, huyện Tân Kỳ.
Trước tình trạng bị sạt lở mất đất sản xuất, bà Cao Thị Tám, một người dân xóm Dương Hạp, xã Nghĩa Dũng có diện tích đất bị mất nhiều nhất đã làm đơn gửi các cơ quan ban, ngành địa phương, để yêu cầu phía doanh nghiệp bồi thường cho phần đất đã mất.
Đơn đã nhận được chữ ký của đông đảo người dân trong xóm, và xác nhận của Ban chỉ huy xóm Dương Hạp. Chính quyền địa phương sau đó đã yêu cầu doanh nghiệp đình chỉ khai thác 1 tháng để khắc phục hậu quả bằng cách bồi đắp chân bờ sông sau đó đóng cọc tre, đan tấm phên để ngăn chặn tình trạng sạt lở.
Trước đó, vào ngày 20/7/2021, cơ quan công an phát hiện công ty Thái Cực do ông Bùi Xuân Hải làm giám đốc công ty, đang tập kết 2000m³ cát và 50m³ sỏi tại bãi tập kết cát sỏi tại xã Bắc Sơn, huyện Đô Lương. Tại thời điểm tổ công tác kiểm tra, các cá nhân có liên quan của công ty chưa xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh tính hợp pháp của số khoáng sản trên.
Ngoài ra, tổ công tác phát hiện tại bến của Công ty Thái Cực có hoạt động bán khoáng sản nhưng không xuất hóa đơn chứng từ cho người mua. Tổ công tác tiến hành lập biên bản sự việc và tạm giữ 2000m³ cát và 50m³ sạn, 1 điện thoại di động và 1 đầu camera chứa các tài liệu liên quan đến việc mua bán khoáng sản cùng một số tài liệu có liên quan.
Xử phạt 14/16 doanh nghiệp tại “thủ phủ cát”
Được biết, trên địa bàn huyện Tân Kỳ hiện có 16 doanh nghiệp khai thác cát, sỏi được cấp phép. Mỗi năm, trung bình khai thác hơn 400.000m3. Do cát, sỏi ở huyện Tân Kỳ có giá trị cao trong xây dựng các công trình hạ tầng, bởi hạt đều, đẹp và độ sạch cao, nên địa phương này được xem là “thủ phủ cát” tại tỉnh Nghệ An.
Tuy nhiên, tình trạng khai thác ồ ạt, lộn xộn cũng đã tồn tại trong suốt nhiều năm qua. Kết quả kiểm tra cho thấy, doanh nghiệp nào cũng có vi phạm. Do đó, chỉ trong 1 ngày, UBND huyện Tân Kỳ đã ban hành 44 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 14 doanh nghiệp, với tổng số tiền phạt hơn 1 tỷ đồng.
Các doanh nghiệp khai thác cát bị xử phạt đợt này gồm: Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và Thương mại Vũ Trường Giang bị xử phạt 53 triệu đồng; Công ty trách nhiệm hữu hạn Hồng Bảo Ngọc bị xử phạt 63 triệu đồng; Công ty trách nhiệm hữu hạn Hoàng Hải bị xử phạt 120 triệu đồng; Công ty trách nhiệm hữu hạn Thành Phát Nghệ An và Công ty trách nhiệm hữu hạn Vật liệu xây dựng Đức Hoàng cùng bị phạt 125 triệu đồng;…
Nguyên nhân là do tất cả doanh nghiệp này đang vi phạm những vấn đề liên quan đến hoạt động trên lĩnh vực khai thác cát, sỏi. Cụ thể, về thuê đất hoạt động khoáng sản, có 7 doanh nghiệp lấn chiếm đất để sử dụng làm bãi tập kết, nhà điều hành khi chưa hoàn thiện thủ tục thuê đất; 2 doanh nghiệp chưa thực hiện thủ tục đăng ký đất đai lần đầu đối với khu vực mỏ khai thác.
Về an toàn lao động, có 4 doanh nghiệp không đăng ký nội quy lao động theo quy định của pháp luật; 1 doanh nghiệp không khai báo khi đưa vào sử dụng các máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, lao động; có 5 doanh nghiệp không tổ chức huấn luyện về an toàn vệ sinh lao động cho người lao động theo quy định của pháp luật.
Đáng nói hơn cả, đó là về quy trình quy phạm khai thác, tất cả 14 doanh nghiệp đều vi phạm quy định trong lĩnh vực bến thủy nội địa, đơn cử như: Không đăng ký phương tiện khai thác; không đăng kiểm lại phương tiện; đưa phương tiện hoán cải vào hoạt động, khai thác khi chưa được đăng kiểm; không có văn bản thỏa thuận của cơ quan có thẩm quyền trước khi xây dựng cải tạo nâng cấp bến thủy nội địa…
Ông Phạm Hồng Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Kỳ cho biết, do 1 doanh nghiệp vừa dừng hoạt động và 1 doanh nghiệp vừa được Sở TN&MT tỉnh Nghệ An kiểm tra, nên vừa qua, UBND huyện đã lập đoàn liên ngành, kiểm tra hoạt động khai thác cát, sỏi ở 14 doanh nghiệp còn lại.
Sau khi có kết quả kiểm tra, UBND huyện Tân Kỳ đã ban hành thông báo gửi các doanh nghiệp, trong đó giao đơn vị tiến hành khắc phục các tồn tại hoàn thành trước ngày 30/1/2024; đồng thời giao các phòng ban, đơn vị liên quan thường xuyên kiểm tra đôn đốc giám sát việc khắc phục tồn tại của các doanh nghiệp.
Link nội dung: https://saigonmoi24.com/diem-mat-sai-pham-tai-thu-phu-cat-nghe-an-trach-nhiem-thuoc-ve-ai-a91254.html