Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam vừa có thông tin cụ thể về tình hình đón và phục vụ khách du lịch trong dịp Tết Dương lịch 2024 vừa qua. Theo đó, trong 3 ngày nghỉ lễ (từ 30/12/2023 đến 1/1/2024), ước tính cả nước đã phục vụ khoảng 3,2 triệu lượt khách du lịch (tăng 6,6% so với cùng kỳ năm 2023). Công suất phòng trung bình tại các cơ sở lưu trú du lịch đạt gần 50%, tại một số trung tâm du lịch trên cả nước ghi nhận công suất cao hơn, khoảng 70%.
Tín hiệu tích cực từ khách tàu biển - dòng khách du lịch cao cấpCụ thể với từng phân khúc khách du lịch cho thấy, đối với khách inbound: Việc triển khai Nghị quyết số 127/NQ-CP và Nghị quyết số 128/NQ-CP đã tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Tại một số địa bàn du lịch trọng điểm tiếp tục ghi nhận tín hiệu tích cực, đặc biệt là khách tàu biển - dòng khách du lịch cao cấp. Nguồn khách quốc tế đến chủ yếu từ các thị trường Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Australia, châu Âu, Thái Lan, Ấn Độ.
Trong đó, Hà Nội ước đón 72.000 lượt khách, tăng 2,1 lần so với năm 2023; TPHCM ước đón 46.528 lượt khách quốc tế, tăng 86,1% so với cùng kỳ 2023; Lào Cai ước đón 20.500 lượt; Đà Nẵng ước đón 434 chuyến bay quốc tế, tăng 100% so với cùng kỳ năm 2023; Khánh Hòa ước đón 169 chuyến bay quốc tế với khoảng 31.000 hành khách; Quảng Ninh đón 2 siêu du thuyền với 3.700 khách quốc tế trong ngày 31/12/2023 và 1/1/2024;…
Đối với khách outbound: Trong kỳ nghỉ năm nay, khách đi tour outbound đang chia sẻ bớt lại thị phần khách nội địa. Lượng tour khởi hành và điểm đến khá đa dạng như Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Nhật Bản... Đặc biệt, hình thức du lịch trong ngày qua các cửa khẩu, khu vực giáp biên giới được lựa chọn nhiều. Các tuyến Đông Nam Á phổ thông như Thái Lan, Singapore-Malaysia,... chiếm ưu thế về giá và được du khách Việt quan tâm lựa chọn.
Các sản phẩm du lịch mới được đầu tư tạo điểm nhấn ấn tượngĐể đáp ứng nhu cầu tham quan, vui chơi nghỉ dưỡng của khách du lịch, các địa phương đã chủ động làm mới, xây dựng sản phẩm du lịch đa dạng, đồng thời triển khai nhiều chương trình khuyến mại, gói dịch vụ đi kèm,… nhằm thu hút và tăng chi tiêu, thời gian lưu trú.
Điểm sáng của kỳ nghỉ lễ năm nay là nhiều địa phương đã thử nghiệm và đưa sản phẩm du lịch đêm vào phục vụ du khách. Các sản phẩm du lịch gắn với nét đặc trưng văn hóa của đồng bào dân tộc được tập trung đầu tư và là điểm nhấn ấn tượng trong dịp nghỉ Tết Dương lịch 2024.
Trong đó có một số tour nổi bật được du khách ưa chuộng, gồm: Tour đêm tham quan, trải nghiệm di tích (Hoàng Thành Thăng Long, nhà tù Hỏa Lò, Văn Miếu-Quốc Tử Giám…); tour sáng tạo (nhạc nước, trình diễn ánh sáng,…); tour ẩm thực gắn với hoạt động phố đi bộ về đêm, tour đạp xe đêm qua các điểm di tích… Ngoài ra còn có Lễ hội đua thuyền đuôi én lần thứ IX và Giải vô địch các câu lạc bộ dù lượn quốc gia lần thứ IV diễn ra trong khuôn khổ khai mạc Năm Du lịch quốc gia 2024 tại tỉnh Điện Biên.
Bên cạnh đó, nhu cầu trải nghiệm văn hóa bản địa với các tour vùng cao đặc sắc của du khách cũng tăng, đặc biệt là đối với nhóm du khách khu vực miền Trung, miền Nam. Các tour du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng gần nhà cũng được đông đảo du khách ưu tiên lựa chọn.
Các chỉ tiêu phục vụ khách và tổng thu từ khách du lịch tại các tỉnh, thành phố đều cơ bản tương đương so với cùng kỳ năm trước, một số địa phương ghi nhận số lượng tăng khá.
TPHCM đón lượt khách du lịch lớn nhất cả nướcCục Du lịch quốc gia Việt Nam cho biết, tổng lượt khách trong đợt nghỉ Tết Dương lịch 2024 tại một số địa bàn du lịch trọng điểm ước đạt như sau:
TPHCM: Ước đón và phục vụ 1,65 triệu lượt khách; công suất phòng trung bình ước đạt 87%; tổng thu từ khách du lịch ước đạt 6.400 tỷ đồng, tăng hơn 7% so với cùng kỳ năm 2023.
Khánh Hòa: Ước đón và phục vụ khoảng 465.900 lượt khách; công suất phòng ước đạt 73%; tổng thu từ khách du lịch ước đạt 498 tỷ đồng.
Hà Nội: Ước đón và phục vụ khoảng 402.000 lượt khách, tăng 65% so với cùng kỳ năm 2023.
Ninh Bình: Ước đón và phục vụ khoảng 319.000 lượt khách, tổng thu từ khách du lịch ước đạt 420 tỷ đồng.
Quảng Ninh: Ước đón và phục vụ khoảng 170.000 lượt, đạt 160% so với cùng kỳ; tổng thu từ khách du lịch ước đạt 340 tỷ đồng.
Lâm Đồng: Ước đón và phục vụ hơn 160.000 lượt khách, tăng khoảng 33% so với cùng kỳ năm 2023; công suất phòng trung bình ước đạt 75%.
Lào Cai: Ước đón và phục vụ khoảng 155.600 lượt khách, tăng 27% so với cùng kỳ năm 2023; tổng thu từ khách du lịch ước đạt 467 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ.
Bình Định: Ước đón và phục vụ gần 130.000 lượt khách, tăng 85% so với năm 2023.
Kiên Giang: Ước đón và phục vụ 120.700 lượt khách; công suất phòng trung bình ước đạt khoảng 63%; tổng thu từ khách du lịch ước đạt 369 tỷ đồng.
Cần Thơ: Ước đón và phục vụ 110.000 lượt khách; công suất phòng trung bình đạt khoảng 85%; tổng thu từ khách du lịch ước đạt 133 tỷ đồng.
Thanh Hóa: Ước đón và phục vụ 105.000 lượt khách, tăng 38,6% so với cùng kỳ; công suất phòng trung bình ước đạt 21%; tổng thu từ khách du lịch ước đạt 142 tỷ đồng, tăng 43,7% so với cùng kỳ.
Quảng Nam: Ước đón và phục vụ 103.000 lượt, tăng 130% so với cùng kỳ; công suất phòng trung bình ước đạt 80-90%.
Nghệ An: Ước đón và phục vụ 90.000 lượt khách, tăng 12% so với cùng kỳ; tổng thu từ khách du lịch ước đạt hơn 200 tỷ đồng.
Xu hướng lựa chọn khách sạn, khu nghỉ dưỡng gầnTheo Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, hoạt động kinh doanh du lịch tại các doanh nghiệp, cơ sở lưu trú du lịch diễn ra nhộn nhịp nhưng không bùng nổ như cùng kỳ năm 2023. Tại các khu, điểm du lịch, nhiều sự kiện diễn ra sôi nổi, thu hút đông đảo lượng khách tham quan, trải nghiệm.
Các sự kiện chào đón năm mới, bắn pháo hoa tầm cao cùng chuỗi các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, lễ đón đoàn khách du lịch "xông đất" đầu năm 2024 cũng là điểm nhấn, thu hút sự quan tâm của du khách và nhân dân.
Hoạt động kinh doanh dịch vụ lữ hành có sự chuẩn bị từ sớm cùng với tiếp tục áp dụng chương trình giảm giá theo combo, trọn gói tập trung vào các sản phẩm du lịch đường thuỷ, mua sắm, lưu trú, thư giãn,... Một số tour nghỉ dưỡng cao cấp, tour free & easy (combo vé máy bay, khách sạn cao cấp) được nhiều du khách lựa chọn tại các điểm đến là Đà Lạt (Lâm Đồng), Đồng bằng sông Cửu Long, Sapa (Lào Cai), Hà Nội, Quảng Ninh, Ninh Bình,…
Hệ thống khách sạn 4-5 sao cũng đưa ra nhiều hình thức khuyến mại, không phụ thu dịp lễ để thu hút du khách, nhưng vẫn ghi nhận lượng phòng trống nhiều, công suất sử dụng phòng không có sự đột biến so với các kì nghỉ trước.
Năm nay, du khách có xu hướng lựa chọn khách sạn, khu nghỉ dưỡng ngay gần nhà để tận hưởng, trải nghiệm thay vì đi chơi xa, vì vậy các trọng điểm du lịch như Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng ghi nhận công suất phòng tăng.
Đối với doanh nghiệp vận chuyển khách (Vietnam Airlines, Bamboo Airways, Vietravel Airlines…), tổng số chuyến bay cung ứng trong dịp nghỉ lễ đạt khoảng hơn 5.300 chuyến với tổng số ghế phục vụ là 1,06 triệu ghế. Giá vé máy bay có sự tăng cao nhưng số ghế trống còn nhiều. Ngành đường sắt đã thêm 30 đoàn tàu tăng cường từ Hà Nội đi Lào Cai, Hải Phòng, Vinh, Đồng Hới... dịp nghỉ Tết Dương lịch 2024.
Các địa phương, doanh nghiệp nghiêm túc chấp hành và đảm bảo an toàn trong hoạt động du lịch; một số địa phương tổ chức các đoàn thanh, kiểm tra liên ngành, xử lý nghiêm các vi phạm trong chấp hành pháp luật về kinh doanh du lịch, bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm; nâng cao chất lượng và tính chuyên nghiệp trong phục vụ du khách.
Cục Du lịch quốc gia cho rằng, kết quả hoạt động du lịch dịp nghỉ Tết Dương lịch 2024 cho thấy hiệu quả của chính sách thị thực mới, lượng khách du lịch quốc tế tiếp tục ghi nhận kết quả tích cực. Đây là tín hiệu khả quan cho kỳ vọng đón từ 17-18 triệu lượt khách quốc tế của toàn ngành trong năm 2024.
Diệp Anh
Link nội dung: https://saigonmoi24.com/tet-duong-lich-2024-diem-sang-la-nhieu-san-pham-du-lich-moi-hap-dan-a90707.html