“Giải mã” nguyên nhân
Theo thông tin từ Sở Tài nguyên & Môi trường Thanh Hóa, trên địa bàn tỉnh này hiện có hơn 300 điểm khai thác khoáng sản. Trong đó, có 41 mỏ đất với tổng trữ lượng được khai thác khoảng 33 triệu m3; công suất khai thác khoảng 3 triệu m3/năm; mỏ cát còn hạn là 27 mỏ, tổng công suất: 562.012 m3/năm; tổng trữ lượng được cấp: 6.590.194 m3; mỏ đá còn hạn 221 mỏ, với công suất: 8.005.882 m3/năm; tổng trữ lượng cấp phép 168.288.806 m3; số dự án, công trình được UBND tỉnh cho phép thu hồi khoáng sản đất san lấp, đất làm gạch là 22 dự án, tổng khối lượng được thu hồi: 1.016.872,36 m3; Số dự án nạo vét được thu hồi cát, sỏi, đất sét còn hạn là 7 dự án với tổng khối lượng cát, bùn, sét được thu hồi là 1.898.502,9 m3.
Với số lượng điểm khai thác khoáng sản nhiều, trải dài địa bàn rộng, nhiều lĩnh vực mỏ khác nhau, đi kèm nhu cầu ngày càng lớn phục vụ xây dựng cơ sở hạ tầng, đã khiến Thanh Hóa dần trở thành một điểm nóng về vi phạm trong hoạt động khoáng sản.
Trong bức tranh vi phạm ở lĩnh vực khoáng sản, "nhận diện" nhiều trường hợp khác nhau, có những vi phạm vì lý do khách quan “lịch sử để lại”, nên vướng vi phạm đã được lực lượng chức năng tỉnh Thanh Hóa kiểm tra hướng dẫn nhắc nhở, hoặc xử phạt nhằm răn đe, đúng bản chất sự việc. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp, các cá nhân tổ chức cố tình thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, trong thời gian dài nhằm trục lợi, đã bị Công an tỉnh Thanh Hóa điều tra làm rõ.
Theo đó, một số trường hợp, có thể nói do nhận thức hạn chế, chưa ý thức được mức độ hành vi vi phạm của mình mà dẫn tới hậu quả đáng tiếc. Đơn cử, như trường hợp ông Nguyễn Xuân Phượng - Giám đốc Công ty TNHH xây dựng và thương mại Tân Hải, là chủ đầu tư mỏ đá tại xã Hà Tân, huyện Hà Trung đã bị Công an tỉnh Thanh Hóa khởi tố về hành vi “vi phạm về nghiên cứu, thăm dò và khai thác tài nguyên”.
Theo chia sẻ từ ông Phượng với Người Đưa Tin, cũng do nhận thức hạn chế, trong quá trình cấp phép mở rộng khu vực mỏ vướng một số thủ tục khiến việc cấp phép bị đình trệ, kéo dài, cùng với áp lực khó khăn từ công việc khiến ông sa chân vào vòng “lao lý” lúc nào không hay.
“Tôi làm nghề này từ lâu rồi, cả đời gắn bó với nó. Chỗ mỏ này khi tôi xin giấy phép mở rộng phạm vi mỏ, cơ bản đã được phía tỉnh chấp thuận khai thác, tuy nhiên sau rà soát phát hiện còn thiếu một vài bước thủ tục hành chính liên quan nên chờ. Cũng bởi vì nôn nóng, nghĩ trước sau thì mỏ này cũng là của mình khi các thủ tục đã gần như hoàn thành, một phần lo cho anh em công nhân không có việc làm cùng áp lực kinh tế, nên tôi nghĩ cứ cho anh em làm trước mà không lường được mức độ vi phạm của hành vi đó. Đây cũng là kinh nghiệm xương máu cho tôi, cũng như anh em khác về việc tuân thủ chấp hành pháp luật trong lĩnh vực khai thác khoáng sản”, ông Phượng chia sẻ.
Ngoài các lý do xuất phát từ yếu tố chủ quan, nhiều năm qua, tỉnh Thanh Hóa luôn duy trì tốc độ phát triển kinh tế ở mức cao như GRDP năm 2021 đạt gần 9%; năm 2022 12,35%; năm 2023 ước đạt 7,72% thuộc top tỉnh thành có mức tăng trưởng cao của cả nước. Vì vậy, công tác đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng tại địa phương phát triển bùng nổ, kéo theo nhu cầu về các loại vật liệu xây dựng như đất, đá, cát, sỏi… trên địa bàn tăng mạnh.
Theo chia sẻ từ một giám đốc doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây lắp huyện Hoằng Hóa, hiện tại, giá vật liệu xây dựng tăng cao quá, như cát xây giá trúng thầu khoảng trên dưới 200.000 đồng/m3 nhưng thực tế mua ở bên ngoài tại chân công trình là 400.000-450.000 đồng/m3, giá đá, giá đất san lấp, xi măng, sắt thép… cũng tăng cao từ 50 tới 100% tùy mặt hàng.
Từ thực trạng đó, cho thấy tình trạng khan hiếm vật liệu khoáng sản trong xây dựng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa là có thật. Vì vậy, việc tăng cường các điểm mỏ mới vừa giải bài toán giá thành xây dựng, ổn định kinh tế vĩ mô trên địa bàn, vừa hạn chế các hành vi vi phạm trong khai thác khoáng sản như vượt công suất, ngoài phạm vi, khai thác tặc…. dẫn tới nguy cơ thất thoát nguồn thu cho ngân sách nhà nước, ảnh hưởng môi trường sống của người dân và tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự trên địa bàn.
Đánh giá về thực trạng trên, đại diện Sở TNMT Thanh Hóa cho biết, thực hiện công văn số 14848/UBND-CN của UBND tỉnh Thanh Hóa về việc tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước trong hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh.
Từ đầu năm 2023, Sở TNMT đã tổ chức nhiều đợt thanh tra, kiểm tra, Sở đã phát hiện và xử lý hoặc kiến nghị xử lý kịp thời nhiều tổ chức, cá nhân vi phạm góp phần ngăn chặn, đẩy lùi các hoạt động khai thác, vận chuyển và kinh doanh khoáng sản trái phép trên địa bàn tỉnh.
Để đáp ứng kịp thời về nguồn cung vật liệu san lấp trong năm 2024 và các năm tiếp theo, từ đầu năm 2023, Sở TNMT đã trình UBND tỉnh phê duyệt phương án đấu giá đối với 84 mỏ. Đến nay, UBND tỉnh đã phê duyệt phương án đối với 50 mỏ. Sở đã tổ chức đấu giá thành công 5 đợt với tổng số mỏ là 36. Trong đó có 20 mỏ đất với tổng trữ lượng và tài nguyên dự báo khoảng 4 triệu m3. Các đơn vị đang hoàn thiện hồ sơ để được cấp phép theo quy định.
Kiên quyết đảm bảo thực thi pháp luật trong hoạt động khoáng sản
Theo thông tin từ Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu và môi trường (Phòng Cảnh sát Kinh tế - PC03) Công an tỉnh Thanh Hóa, thời gian qua, với sự chỉ đạo, lãnh đạo của Ban Giám đốc Công an tỉnh, đơn vị đã thực hiện và phối hợp cùng các cơ quan hữu quan tiến hành nhiều đợt kiểm tra việc thực thi pháp luật trong lĩnh vực môi trường.
Trong đó, tích cực tuyên truyền phổ biến tới từng người dân, các cơ sở trên địa bàn và cụ thể hóa chính sách bằng các văn bản tham mưu cho các cấp chính quyền địa phương tăng cường quản lý trong hoạt động khoáng sản, cũng như tham mưu cho tỉnh ra các quyết định xử phạt hành chính nhiều cơ sở vi phạm với số tiền lớn lên tới hàng trăm triệu đồng. Đáng chú ý, một số trường hợp vi phạm với mức độ nghiêm trọng, đủ yếu tố cấu thành đã bị Cơ quan CSĐT Công an tỉnh ra quyết định khởi tố hình sự.
Cũng theo chia sẻ từ Phòng Cảnh sát kinh tế, trước đây, tại các khu vực mỏ tương đối khó tiếp cận do địa hình phức tạp, nhân lực hạn chế trong khi địa bàn rộng, số lượng mỏ nhiều nên việc kiểm tra phát hiện xử lý sai phạm gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên hiện nay, nhờ các công nghệ tiên tiến như flycam, định vị GPS... nên việc tiến hành các hoạt động nghiệp vụ được thuận lợi hơn, nên số vụ việc sai phạm được phát hiện cũng nhiều hơn khoảng thời gian trước.
Đồng thời, xác định Thanh Hóa là địa bàn lớn, đang được nhiều nhà đầu tư quan tâm, tốc độ phát triển nhanh nên trong thời gian tới dự báo tình hình vi phạm trong hoạt động khai thác khoáng sản còn nhiều diễn biến phức tạp. Vì vậy, Phòng Cảnh sát Kinh tế cũng đã chủ động duy trì cường độ làm việc cao, tiếp tục xây dựng các phương án, biện pháp để kịp thời ngăn chặn, trấn áp tội phạm trong lĩnh vực này.
Cụ thể, trong thời gian tới, PC03 tiếp tục tham mưu các cấp thực hiện các chương trình, kế hoạch, chuyên án với các yêu cầu nội dung mang tình đột phá, phù hợp diễn biến thực tiễn. Trong đó, chú trọng tham mưu cho chính quyền địa phương tích cực tiến hành công tác thanh kiểm tra giám sát, gắn trách nhiệm việc để xảy ra vi phạm trong hoạt động khoáng sản với người đứng đầu các địa phương.
Tiếp đó, thực hiện triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ như làm tốt công tác điều tra cơ bản, khảo sát thực tế, trinh sát nắm tình hình. Từ đó, phân loại được các đối tượng địa bàn trọng điểm… từ đó xác lập chuyên án để đấu tranh triệt phá.
Đồng thời, xác định vai trò của chính quyền cơ sở, lực lượng công an xây dựng các chương trình phối hợp chặt chẽ với các lực lượng liên quan, nâng cao hiệu qủa đấu tranh phòng chống tội phạm. Có biện pháp xử lý nghiêm đối với các cá nhân tổ chức tại địa phương buông lỏng lãnh đạo chỉ đạo để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép kéo dài mà không có biện pháp đấu tranh xử lý kịp thời.
Ngoài ra, thời gian tới đơn vị tập trung xây dựng lực lượng chuyên trách vững mạnh, đủ sức hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ đấu tranh phòng chống tội phạm, đồng thời có chính sách đãi ngộ phù hợp kịp thời.
“Với chức trách nhiệm vụ, thời gian qua Phòng Cảnh sát Kinh tế đã triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, đồng thời đã tham mưu cho cấp trên, tiếp tục tham mưu sang các cấp chính quyền, đơn vị chuyên trách ban hành nhiều văn bản tăng cường công tác quản lý hoạt động khoáng sản.
Với sự vào cuộc quyết liệt, mang tính tiên phong của lực lượng Công an tỉnh Thanh Hóa, thời gian qua, chính quyền các cấp đã tăng cường đẩy mạnh đảm bảo thực thi pháp luật trong hoạt động khoáng sản trên địa bàn. Cụ thể, UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành nhiều văn bản như: Công văn tăng cường công tác quản lý khai thác khoáng sản cát, sỏi lòng sông; tăng cường quản lý hoạt động tận thu khoáng sản khi thực hiện các dự án…
Trong thời gian tới, Phòng PC03 sẽ tiếp tục chủ động thực hiện quyết liệt, đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, trong đó lấy tuyên tuyền để người dân, doanh nghiệp chấp hành tuân thủ là một trong những biện pháp chủ đạo, đồng thời kiên quyết tiến hành đấu tranh triệt phá, không có vùng cấm đối với các ổ nhóm, đối tượng có dấu hiệu hình sự, bảo kê, liều lĩnh trong các hoạt động khoáng sản, chủ yếu như cát tặc, đất tặc... hoặc lợi dụng việc tận thu tại các dự án để khai thác khoáng sản trái phép. Từ đó, đảm bảo tránh 'chảy máu khoáng sản', thất thu ngân sách Nhà nước, đồng thời giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn”, Thượng tá Mai Xuân Cần, Phó trưởng Phòng Cảnh Sát Kinh tế Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết.
Link nội dung: https://saigonmoi24.com/hoat-dong-khoang-san-xu-thanh-chu-dong-phuong-an-dam-bao-phap-luat-a89408.html