Ngày 21/12, Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư Đà Nẵng - IPA Đà Nẵng phối hợp Viện Nghiên cứu quốc tế về Trí tuệ nhân tạo và Khoa học dữ liệu Đại học Đông Á tổ chức hội thảo quốc tế chủ đề "Trí tuệ nhân tạo có trách nhiệm và các ứng dụng trong ngành công nghiệp mạch tích hợp, sản xuất và chăm sóc sức khoẻ".
Hội thảo diễn ra theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến ở các điểm cầu Việt Nam và quốc tế. Trong đó, 10 báo cáo chuyên đề được trình bày bởi các chuyên gia đến từ 7 quốc gia trên thế giới: Hoa Kỳ, Pháp, Bỉ, Anh, Đức, Trung Quốc và Việt Nam.
Đồng thời, hội thảo cũng có sự tham gia của các doanh nghiệp AI tại Việt Nam, các học giả từ các viện nghiên cứu, giảng viên các trường đại học, sinh viên các khoa chuyên ngành về Trí tuệ nhân tạo và Khoa học dữ liệu (AI&DS).
Thạc sĩ Lê Hoàng Phúc, Phó Giám đốc Ban Xúc tiến và Hỗ trợ Đầu tư Đà Nẵng cho rằng, thành phố Đà Nẵng có rất nhiều ưu thế để phát triển ngành trí tuệ nhân tạo và vi mạch, bán dẫn. Thành phố này có thế mạnh cơ sở hạ tầng với cảng biển Tiên Sa, cảng biển Liên Chiểu đang hoàn thiện, sân bay quốc tế, FPT Complex, Khu công nghệ cao, Đà Nẵng It Park…
Thành phố Đà Nẵng với rất nhiều trường đại học đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Mỗi năm có khoảng 1.000 kỹ sư tốt nghiệp với các chuyên ngành kỹ thuật điện tử viễn thông, công nghệ thông tin, kỹ thuật máy tính, kỹ thuật cơ điện tử, kỹ thuật điều khiển và tự động hóa…
Lãnh đạo thành phố Đà Nẵng cũng có quyết tâm cao trong sự phát triển trí tuệ nhân tạo và vi mạch, bán dẫn. Đồng thời, thành phố Đà Nẵng đã và sẽ có những chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư trong lĩnh vực này.
Đặc biệt, dự kiến năm 2024, Thành phố này xây dựng chiến lược riêng để phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp và bán dẫn. Ngoài ra, thành phố Đà Nẵng còn có cuộc sống an lành, chi phí không quá cao…
Theo ông Lê Hoàng Phúc, thành phố Đà Nẵng đáp ứng đầy đủ, có nhiều nguồn lực để tương lai trở thành nơi phát triển lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, vi mạch, bán dẫn.
Bên cạnh đó, bà Nguyễn Thị Anh Đào, Hiệu trưởng Đại học Đông Á nhận định: “Cùng với những cơ hội và tiềm năng to lớn mà các thuật toán trí tuệ nhân tạo (AI) mang đến trong định hình lại các ngành công nghiệp và mở ra cánh cửa dẫn đến hiệu quả, độ chính xác và các khả năng chưa từng có, AI cũng đặt ra những thách thức không nhỏ cho xã hội.
Cần đảm bảo AI không bị lạm dụng vào mục đích xấu, không đe dọa quyền riêng tư và an toàn của con người, do vậy, sự phát triển của AI cần được kiểm soát chặt chẽ bởi các quy định về quản trị dữ liệu, đạo đức, minh bạch và triển khai AI một cách có trách nhiệm.”
Dưới sự chủ trì của các giáo sư đầu ngành trong lĩnh vực Trí tuệ nhân tạo và Khoa học dữ liệu, xuyên suốt hội thảo là những phân tích vừa tổng quan vừa chuyên môn sâu về các ứng dụng của trí tuệ nhân tạo có trách nhiệm trong 3 lĩnh vực công nghiệp mạch tích hợp, sản xuất, chăm sóc sức khoẻ, từ đó thảo luận và đưa ra các khuyến nghị, đề xuất chính sách nhằm định hướng cho sự phát triển của AI trong thời đại mới.
Link nội dung: https://saigonmoi24.com/lam-sao-de-tri-tue-nhan-tao-khong-bi-lam-dung-vao-muc-dich-xau-a89377.html