Với trung bình 200 bệnh nhân mỗi ngày, các bác sĩ tại Khoa Cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội) luôn phải căng mình, chạy đua với thời gian để giành sự sống cho người bệnh.
Nơi ranh giới sự sống mỏng manh
Sáng sớm, tiết trời se lạnh của những ngày cuối năm dường như cũng không làm cho không khí tại Khoa Cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn bớt “nóng” đi phần nào. Với số lượng trung bình 200 bệnh nhân một ngày, đây là nơi “đầu sóng, ngọn gió”, tiền tuyến của Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn trong “cuộc chiến” cứu chữa người bệnh.
“Chờ anh chút, đang bận quá”. Đó là những lời vội vàng mà BSCKI Nguyễn Viết Đăng nói với chúng tôi trong khoảng 2 giờ đồng hồ chờ anh có thời gian trả lời phỏng vấn, dù đã hẹn trước.
Cái bận của bác sĩ Đăng dường như cũng là cái bận chung của tất cả nhân viên, điều dưỡng và các bác sĩ của Khoa Cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn. Bác sĩ Đăng tâm sự: “Bệnh nhân vào Khoa Cấp cứu thường diễn biến rất nhanh. Ở đây, thời gian được tính bằng giây, bằng phút và có thể quyết định sự sống chết của bệnh nhân trong tích tắc”.
Bác sĩ Đăng kể, ngay sau khi ra trường, anh được phân về Bệnh viện Xanh Pôn. Tới nay, đã hơn 10 năm kể từ khi ra trường, anh vẫn gắn bó tại bệnh viện. Trong đó, 2 năm đầu, anh công tác tại Khoa Hồi sức tích cực. Bởi, thời điểm đó, bệnh viện chưa có Khoa Cấp cứu.
“Khi đó, phòng cấp cứu trực thuộc các phòng khác nhau. Ví dụ, cấp cứu nội thuộc Phòng Khám nội, cấp cứu ngoại thuộc Phòng Khám ngoại, cấp cứu nhi trực thuộc Phòng Khám nhi”, bác sĩ Đăng chia sẻ. Sau đó, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn thành lập đơn nguyên cấp cứu trực thuộc Phòng Khám nội, gồm khám cấp cứu nội và cấp cứu nhi và thành lập Khoa Cấp cứu. Tới nay, bác sĩ Đăng gắn bó với Khoa Cấp cứu được 7 năm.
Bác sĩ Đăng chia sẻ, công việc cứu chữa người bệnh tại Khoa Cấp cứu luôn đi kèm với áp lực. Phần lớn bệnh nhân và người nhà khi bước chân vào khoa thường rất hoảng loạn. Không chỉ cấp cứu, các bác sĩ ở đây còn cần trấn an để bệnh nhân và người nhà an tâm hơn.
Trong khi đó, bệnh nhân vào Khoa Cấp cứu thường diễn biến rất nhanh. Số lượng bệnh nhân đông, cùng với bệnh cảnh đa dạng, các bác sĩ luôn phải chẩn đoán và xử trí một cách nhanh cũng như chính xác nhất để giành sự sống cho bệnh nhân.
“Về nhân lực, bệnh viện cũng cố gắng làm sao cho đủ người trong các ca trực. Song, số lượng bệnh nhân ngày càng tăng, nhất là trong các đợt dịch. Điển hình là thời điểm dịch Covid-19, cúm, sốt xuất huyết bùng phát, số lượng bệnh nhân vào Khoa Cấp cứu rất đông.
“Anh em ở khoa hay nói đùa với nhau rằng, làm cấp cứu là vì đam mê. Chúng tôi đều có lòng nhiệt huyết. Các bác sĩ, nhân viên tại khoa đều là các bạn trẻ, mới ra trường và vô cùng đam mê công việc”, bác sĩ Đăng nói.
Mỗi ngày, Khoa Cấp cứu tiếp nhận trung bình 200 bệnh nhân.
Đam mê cháy bỏng
Thực vậy, có lẽ chỉ có niềm đam mê cháy bỏng với nghề và khát khao được cứu sống người bệnh mới có thể giúp các nhân viên y tế giữ được lòng nhiệt huyết. Chúng tôi trò chuyện với chị Đỗ Thị Ngọc Anh - Phụ trách điều dưỡng tại Khoa Cấp cứu, để hiểu thêm về công việc ở đây. Điều đặc biệt là chị Anh được các đồng nghiệp đặt biệt danh “điều dưỡng nội trú”.
“Một tuần, trung bình, chúng tôi trực 2 buổi. Cứ 4 ngày, chúng tôi sẽ có một buổi trực. Cuối tuần, chúng tôi trực 24 giờ. Thời gian tôi dành cho gia đình cũng là những buổi tối không có lịch trực. Với riêng tôi, do là phụ trách điều dưỡng, khối lượng công việc rất nhiều. Do đó, bất kể là ngày trực hay không, tôi cũng đều có mặt ở bệnh viện. Vì lý do đó, mọi người hay trêu tôi là điều dưỡng nội trú”, chị Anh chia sẻ.
Theo nữ điều dưỡng, thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, lượng bệnh nhân tại Khoa Cấp cứu tăng dần từ 150, 180 cho đến 200 người một ngày. Có những ngày đỉnh điểm, khoa ghi nhận 270 bệnh nhân một ngày. Trong khi đó, thời điểm dịch sốt xuất huyết bùng phát thời gian vừa qua, mỗi ngày, khoa cũng tiếp nhận khoảng 200 - 210 bệnh nhân.
Theo chị Ngọc Anh, hiện tại chị có rất ít thời gian dành cho gia đình. Theo quy định, 7 giờ 15 phút hàng ngày chị phải có mặt tại khoa để đi buồng, bàn giao bệnh nhân.
“Lúc bé nhà tôi chưa dậy thì mẹ đã đi làm rồi. Nhiều khi mình đi, khép cửa lại là con biết, con tỉnh và khóc thét lên. Đôi khi, tôi cũng nghĩ ngợi về điều đó, nhưng dần rồi cũng quen. Bởi, đó là công việc mà tôi phải làm, phải hết lòng vì bệnh nhân”, chị Anh chia sẻ.
Chị Ngọc Anh cho biết, ngay từ khi mới ra trường, chị đã về Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn. Thời điểm đó, Bệnh viện mới thành lập Khoa Cấp cứu. Chị Ngọc Anh cùng nhiều nhân viên khác được tuyển về làm nhân lực nòng cốt.
Ban đầu, đây chỉ là đơn nguyên cấp cứu. Sau thời gian phát triển, đơn nguyên nay đã trở thành Khoa Cấp cứu. Thời điểm đầu tiên, cơ sở vật chất, nhân lực cũng như mọi thứ tại đơn nguyên đều thiếu thốn.
“Đúng là nghề chọn người, người chọn nghề. Lúc mới ra trường, tôi không nghĩ sẽ về làm việc ở Khoa Cấp cứu. Tuy nhiên, khi về khoa, mọi người đều cuốn theo công việc”, chị Ngọc Anh cho biết.
Nói về nguyện vọng trong công việc, chị Ngọc Anh chia sẻ: “Chỉ mong Khoa Cấp cứu sẽ có thêm nhân sự, để cùng san sẻ công việc. Chúng tôi cũng mong bệnh nhân và người nhà thấu hiểu hơn những khó khăn của nhân viên y tế”.
Link nội dung: https://saigonmoi24.com/nhung-bac-si-chay-dua-voi-than-chet-a88560.html