Theo hồ sơ bệnh án, sức khỏe của Châu Hải My có dấu hiệu xấu đi từ khoảng 2 tuần nay. Cô bị ho, khó thở. Nữ diễn viên có tiền sử bị cao huyết áp và Lupus ban đỏ gây suy yếu hệ miễn dịch. Bác sĩ kết luận, Châu Hải My qua đời vì bạo bệnh.
Một số người bạn của nữ diễn viên cũng cho biết, Châu Hải My mắc bệnh Lupus ban đỏ từ năm 1999. Cô phải sử dụng thuốc điều trị nhiều năm qua.
ThS.BS Trần Thiên Tài, Trưởng Đơn vị Dị ứng – Miễn dịch lâm sàng (Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM) cho biết, Lupus ban đỏ hệ thống là một trong những bệnh tự miễn dịch hệ thống thường gặp nhất, nằm chung nhóm với các bệnh lý tự miễn khác như: xơ cứng bì, viêm da cơ, bệnh mô liên kết hỗn hợp, thuộc nhóm bệnh lý chuyên khoa Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng.
Lupus ban đỏ hệ thống đặc trưng bởi sự xuất hiện của các tế bào lympho B và T tự phản ứng, chịu trách nhiệm sản xuất ra hàng loạt tự kháng thể bệnh lý nhằm vào các kháng nguyên đích ở trong nhân, bào tương, màng tế bào, các protein nền hoặc trong huyết tương.
Châu Hải My tại sự kiện hồi tháng 6. Ảnh: Weibo/Zhou Haimei Studio.
Đây là bệnh lý của mô liên kết có tổn thương nhiều cơ quan do rối loạn đáp ứng miễn dịch của cơ thể. Các cơ quan hay bị tổn thương bao gồm khớp, da, thận, tế bào máu, tim, phổi, thần kinh… Bệnh thường gặp ở nữ giới, nhiều nhất ở độ tuổi sinh đẻ.
Bác sĩ Tài cho biết: "Cho đến nay căn nguyên của bệnh Lupus ban đỏ hệ thống vẫn còn nhiều vấn đề chưa thể hiểu rõ, nhưng nhiều nghiên cứu khác nhau đã gợi ý rằng các yếu tố di truyền, miễn dịch, hormone giới tính và môi trường là những yếu tố tăng nguy cơ mắc bệnh".
Theo những nghiên cứu gần đây, bệnh có độ lưu hành ước tính trong khoảng 20 - 150 ca/ 100.000 dân, riêng ở phụ nữ là khoảng 164 - 406 ca/ 100.000 người. Tại Mỹ, tỷ lệ mắc bệnh là từ 15 - 50 ca/100.000 dân.
Dấu hiệu cảnh báo bệnh
Theo bác sĩ Tài, bệnh Lupus ban đỏ hệ thống có thể gây ra một số triệu chứng như: mệt mỏi, sốt, ăn uống kém, sụt cân, ban đỏ cánh bướm ở mặt, ban dạng đĩa ở da, da dễ nhạy cảm với ánh sáng, loét miệng, rụng tóc và đau các khớp.
Khi mắc Lupus ban đỏ hệ thống người bệnh có thể bị tổn thương ở các cơ quan nội tạng như:
- Thận: Với tình trạng viêm cầu thận, hội chứng thận hư, suy thận;
- Phổi: Với tình trạng viêm phổi kẽ, xuất huyết phổi;
- Hệ huyết học: Với tình trạng giảm tiểu cầu, giảm hồng cầu, giảm bạch cầu;
Ngoài ra, khi bệnh gây tổn thương thanh mạc, bệnh có thể dẫn đến tình trạng tràn dịch màng phổi, tràn dịch màng bụng, tràn dịch màng ngoài tim…
"Những người thuộc nhóm có yếu tố nguy cơ như phụ nữ trẻ, trong độ tuổi từ 16 – 40, có các triệu chứng kể trên cần đến thăm khám tại chuyên khoa Dị ứng – Miễn dịch lâm sàng để được bác sĩ kiểm tra, tư vấn, chẩn đoán chính xác bệnh", bác sĩ Tài nói.
Điều trị bệnh Lupus ban đỏ cần phải sử dụng thuốc điều trị đầy đủ, đúng theo liều lượng của bác sĩ chỉ định. Một số thuốc sẽ được giảm hoặc tăng liều theo diễn biến của bệnh. Do đó bạn nên đọc kỹ đơn và tuân thủ chặt chẽ.
Lupus ban đỏ là bệnh mạn tính, do đó quá trình điều trị cần lâu dài, cần tái khám thường xuyên để điều chỉnh thuốc và kiểm tra các xét nghiệm. Mọi người cũng không nên chủ quan, bỏ qua việc tái khám khi thấy không có bất kỳ biểu hiện bất thường ở da hay khớp vì bệnh có thể xuất hiện các tổn thương khác như huyết học, thận âm thầm và chỉ khi làm xét nghiệm mới phát hiện ra được.
Chuyên gia khuyến cáo, người bệnh không tự ý dùng thêm các thuốc khác: một số bệnh nhân có thói quen sử dụng thêm các thuốc bổ, thuốc nam, thuốc bắc không rõ nguồn gốc đề kết hợp điều trị bệnh. Tuy nhiên, việc sử dụng tuỳ tiện các loại thuốc này có thể tương tác với thuốc điều trị lupus ban đỏ hoặc gây ra các tác dụng phụ không mong muốn như: dị ứng thuốc, tăng men gan…
https://soha.vn/can-benh-dien-vien-chau-hai-my-mac-truoc-khi-qua-doi-o-tuoi-57-nguy-hiem-ra-sao-20231214092147189.htm
Link nội dung: https://saigonmoi24.com/can-benh-dien-vien-chau-hai-my-mac-truoc-khi-qua-doi-o-tuoi-57-nguy-hiem-ra-sao-a88369.html