Lịch sử và cú bứt phá ngoạn mục
Mở đầu câu chuyện bằng cách mà "môn thể thao quý tộc" đến với Việt Nam, TS. Nguyễn Ngọc Chu chia sẻ, năm 1922, kiến trúc sư Hébrard và các 3 cộng sự Pineau, Mondet và Lagisquet đã lập bản đồ quy hoạch tổng thể TP. Đà Lạt.
Trong đó, bình đồ-bản vẽ thể hiện mặt chiếu bằng địa hình của một khu vực sân golf Đà Lạt đã được thể hiện, nằm giữa bình đồ của TP. Đà Lạt. Nhưng phải đến 10 năm sau, năm 1932, sân golf 9 lỗ đầu tiên mới xuất hiện tại Việt Nam. So với sân golf đầu tiên ở Thailand, Royal Hua Hin xuất hiện năm 1924, thì có thể cho là "thuở sơ khai" của nước ta và nước láng giềng có cùng khoảng thời gian.
"Tôi nhắc đến Thái Lan để thấy, xuất phát điểm không lệch nhau, nhưng hiện tại Thái Lan đã vượt xa các nước trong khu vực về vị thế của nền công nghiệp golf", ông Chu cho biết.
Hiện nay, ngành công nghiệp golf của Thái Lan phát triển ở quy mô và chất lượng cao, thể hiện ở số lượng sân golf, người chơi golf, kinh tế golf, du lịch golf và đặc biệt thành tích golf chuyên nghiệp. Đáng chú ý, golf nữ Thái Lan nằm trong top 5 thế giới.
Tại Việt Nam, do điều kiện lịch sử, đất nước rơi vào chiến tranh liên miên từ 1939, môn thể thao này bị đứt quãng, mãi đến năm 1993-đúng 30 năm về trước, golf Việt Nam mới hồi sinh. Lúc đó, sân golf Đồng Mô ở phía bắc, sân Golf Vũng Tàu, Thủ Đức, sông Bé ở phía nam ra đời gần như cùng lúc.
Trong khoảng 10 năm đầu tiên, nước ta có 8 sân golf với khoảng 5.000 người chơi. 10 năm tiếp theo, chúng ta có 40 sân golf với khoảng 30.000 người chơi golf. Và 10 năm tiếp theo nữa, ở thời điểm hiện tại, chúng ta có khoảng 80 sân golf với khoảng 100.000 người chơi golf. Nghĩa là 10 năm cuối, chúng ta có cú bứt phá ngoạn mục về quy mô phát triển, bao gồm sân golf và số lượng người chơi.
Tuy nhiên, 30 năm phát triển, về giải golf chuyên nghiệp, chúng ta vỏn vẹn chỉ có 5 giải ASEAN (1998 Heineken, 2007-2011 Mercedes), 6 giải Asian Tour ( 2004 Carlsberg, 2005 Carlsberg, 2007 HanaBank, 2008 HanaBank, 2015 HoTram, 2023 LIV golf), và 2 giải phát triển của Asian Tour (2022, 2023 BRG).
"Một tay golf thi đấu chuyên nghiệp PGA tour (Tour Player) một năm trung bình thi đấu 40 giải golf. Thế mà trong suốt 30 năm, Việt Nam chỉ có 13 giải golf chuyên nghiệp", nguyên Tổng Thư ký Hiệp hội Golf Việt Nam nêu vấn đề.
Năm 2017, golf Việt Nam một bước sang một chặng đường quyết định khi thành lập giải đấu nhà nghề VN VGA TOUR, khởi đầu là VN FLC Master tại sân golf Sầm Sơn. Và từ đó, golf chuyên nghiệp Việt Nam chính thức khai sinh, các tay golf Việt Nam có thể dấn thân, cống hiến vì nghiệp golf. Đến thời điểm hiện tại, hằng năm, nước ta có 5-8 giải VGA Tour với khoảng 100 tay golf chuyên nghiệp. Đây là mức khởi đầu khiêm tốn nhưng vô cùng quan trọng.
"Chúng ta đang có bước chuyển mình đầy phấn khích. Đó là tăng về số lượng sân golf; tăng về số người chơi golf; thành lập giải đấu golf chuyên nghiệp, và đặc biệt là có bước tiến đến gần hơn golf đỉnh cao", ông Nguyễn Ngọc Chu chia sẻ.
Thành tựu golf trẻ và niềm hy vọng
Trong xu hướng phát triển chung của golf Việt Nam, golf trẻ đã tạo ra nhiều điểm nhấn. Golf Việt Nam đang có một thế hệ các vận động viên trẻ đầy tiềm năng, nhiều người có đủ điều kiện lên chuyên nghiệp chỉ trong một vài năm tới.
Đội tuyển golf Việt Nam tham dự SEA Games 31 đã đạt thành tích ngoài mong đợi với Huân vàng của Lê Khánh Hưng, golfer Việt Nam đầu tiên trong lịch sử giành chức vô địch tại đại hội thể thao Đông Nam Á; Huân chương bạc về đồng đội.
Cùng với đó là thành tích đáng hy vọng của Nguyễn Anh Minh và các tay golf trẻ Việt Nam tại các giải như: Giải nghiệp dư châu Á, Faldo Serie châu Á,...vừa quan, golfer Nguyễn Anh Minh cũng được chọn là thành viên đội tuyển 12 golf trẻ châu Á-Thái Bình Dương để đấu với đội tuyển golf trẻ châu Âu tranh Bonallac Trophy ở Tây Ban Nha trong tháng 8/2023. Tại trận đấu đơn ngày cuối, Nguyễn Anh Minh đã dành nửa điểm quý giá góp phần giúp đội tuyển châu Á- Thái Bình Dương thắng đội tuyển châu Âu với tỷ số 17-15.
Cách đây một tuần, tại chung kết Grand Final Faldo Serie toàn cầu tại UAE, Nguyễn Anh Minh về nhì (-2 gậy)/57 tây golf xuất sắc nhất thế giới.
Theo ông Nguyễn Ngọc Chu, thành tích của các vận động viên trẻ đang thắp lên ngon lửa hy vọng cho golf chuyên nghiệp Việt Nam trong các năm tới.
Vinpearl DIC Legends Vietnam 2023: Nâng tầm vị thế golf Việt Nam
Theo đánh giá của các vận động viên, các tay golf chuyên nghiệp thế giới, Việt Nam có nhiều tiềm năng với vị trí đẹp, đặc biệt phù hợp để phát triển du lịch golf. Nguyên Tổng Thư ký Hiệp hội Golf Việt Nam cho rằng, dù đã có những tiến bộ đáng khích lệ trong thời gian qua, nhưng so với thực lực, golf Việt Nam cần có một trị trí tương xứng hơn trên trường quốc tế, cả về thể thao golf chuyên nghiệp, về du lịch golf, về kinh tế golf và về công nghiệp golf.
"Đây chính là sứ mệnh của giải thi đấu Vinpearl DIC Legends Vietnam 2023. Lần đầu tiên tại Việt Nam cũng như khu vực Đông Nam Á, Vinpearl DIC Legends Vietnam 2023-một giải đấu nằm trong khuôn khổ Legends Tour (giải golf chuyên nghiệp của châu Âu) sẽ diễn ra từ ngày 26/11 đến ngày 2/12/2023 tại Vinpearl Nha Trang", ông Nguyễn Ngọc Chu nhấn mạnh.
Cũng theo ông Chu, châu Âu là quê hương của golf với các tay golf cự phách lừng danh đã đưa Ryder Cup lên một tầm cao mới, là động lực lớn cho sự phát triển của golf. Trong hàng ngũ của Lends Tour, họ là các tay golf huyền thoại, lừng danh. Thi đấu với các golf thủ thành danh của châu Âu và thế giới sẽ là một động lực lớn cho golf trẻ và golf chuyên nghiệp Việt Nam.
Bởi thế, Vinpearl DIC Legends Vietnam 2023 có ba "sứ mệnh đặc biệt: Là đòn bẩy quan trọng để thúc đẩy golf trẻ, tạo đà cho golf chuyên nghiệp Việt Nam; phát triển du lịch golf Việt Nam và góp phần đưa Nha Trang đến với bạn bè quốc tế.
Giải đấu do European Legends Tour phối hợp với Công ty cổ phần Việt Challenge (Viet Challenge JSC) tổ chức. Vinpearl DIC Legends Vietnam 2023 sẽ tạo ra một sân chơi kết nối, trải nghiệm và tranh tài giữa các golfer nghiệp dư với các golfer chuyên nghiệp.
Đặc biệt, giải đấu lần này có sự góp mặt của 60 "huyền thoại" đã chinh phục hàng loạt giải thưởng danh giá. Trong đó, phải kể đến Michael Campbell-cựu vương US Open 2005 cùng 8 lần vô địch European Tour; Ian Woosnam-nhà vô địch Masters 1991, đội trưởng Ryder Cup 2006; Paul McGinley-đội trưởng Ryder Cup 2004, chủ nhân của 4 chiếc cúp European Tour hay Mark James-đội trưởng Ryder Cup 1999 với 18 lần giành chiến thắng tại European Tour;...
Link nội dung: https://saigonmoi24.com/su-menh-dac-biet-cua-vinpearl-dic-legends-vietnam-2023-a86165.html