Công tác xã hội hóa trồng rừng đang ngày càng được người dân và các doanh nghiệp, tổ chức quan tâm, hưởng ứng, góp phần thực hiện các chỉ tiêu trồng rừng và phát triển kinh tế lâm nghiệp. Hơn lúc nào hết, việc đẩy mạnh công tác phát triển rừng, trồng thêm nhiều cây xanh là một trong số các giải pháp hữu hiệu, là hành động vô cùng quan trọng và cần thiết để đảm bảo phát triển bền vững kinh tế, xã hội, môi trường của đất nước
Đây là những thông tin được chia sẻ tại Tọa đàm “Xã hội hóa trồng rừng – Vì một Việt Nam xanh hơn” chiều ngày 20/11.
Phát biểu sự kiện, ông Triệu Văn Lực - Cục Phó Cục lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) cho biết: “Trong nhiều năm qua, Nhà nước đã khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển rừng, thông qua nhiều chính sách quan trọng như giao đất giao rừng, các chính sách đặc thù khuyến khích đầu tư, phát triển hợp tác, liên kết sản xuất, hỗ trợ vốn vay ưu đãi.
Từ đó đã huy động tổng lực, đa dạng các nguồn vốn để thực hiện, trong đó nguồn vốn từ ngân sách nhà nước chiếm khoảng 17%, còn lại 83% là nguồn vốn xã hội hóa từ huy động đầu tư, đóng góp, hỗ trợ của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân”.
Chia sẻ về khái niệm xã hội hóa rừng trồng, ông Cao Văn Cường - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa cho rằng: “Xã hội hóa trồng rừng được hiểu là huy động mọi nguồn lực của người dân, cộng đồng, doanh nghiệp làm công tác trồng rừng. Trồng rừng từ khâu chọn giống đến trồng, chăm sóc, bảo vệ sơ chế cây trồng gắn với rừng”.
Đồng thời, ông Cường nhấn mạnh việc cần có điều kiện, cơ chế để các bên liên quan cùng thực hiện xã hội hóa rừng trồng. Cuối cùng là lợi ích của các bên trong quá trình xã hội hóa rừng trồng được hài hòa từ kinh tế, môi trường, xã hội và cao hơn là trật tự và an ninh khu vực.
Báo cáo về phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng, ông Trần Nho Đạt - Phó Trưởng phòng Quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ, Cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) đã chia sẻ một số khó khăn thách thức của hệ sinh thái rừng Việt Nam.
Từ những khó khăn trên, từ quan điểm chỉ đạo của Bộ trưởng Lê Minh Hoan, ông Đạt đã trình bày về ý tưởng rừng đa dụng với mục tiêu nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng bền vững tài nguyên rừng; tạo việc làm, tăng thu nhập, ổn định và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số, người dân miền núi, người làm nghề rừng và người dân sống gần rừng.
Đồng thời, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống, danh lam thắng cảnh và tri thức bản địa của cộng đồng địa phương; góp phần bảo đảm an ninh, quốc phòng.
Việc hình thành và tổ chức hoạt động hiệu quả hệ thống Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng từ trung ương đến địa phương cũng là một điển hình thành công của ngành lâm nghiệp trong việc huy động hiệu quả, bền vững nguồn lực xã hội cho quản lý, bảo vệ rừng và phát triển rừng. Các nguồn thu dịch vụ môi trường rừng sẽ tiếp tục được mở rộng trong thời gian tới, trước mắt là dịch vụ các-bon rừng, kinh doanh tín chỉ các-bon rừng.
Là một thí điểm chi trả các-bon, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa cho biết, tín chỉ này như làn gió mới để bà con góp sức nâng cao, bảo vệ và phát triển giá trị rừng. Tuy nhiên, ngoài rừng tự nhiên, diện tích rừng phòng hộ cũng là diện tích rừng lớn có thể chi trả được. Chính vì vậy, ông Cường đề xuất nên có các chính sách để các chủ rừng tham gia trồng rừng gỗ lớn.
Nêu ý kiến về giá trị của rừng, ông Cường nhấn mạnh: “Giá trị của rừng cần được lượng hoá, đưa lên sàn thương mại điện tử của toàn quốc, tiến tới là sàn thương mại điện tử quốc tế”.
Kết luận tọa đàm, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nhận định, cần có một tư duy mới về rừng trong bối cảnh phải cân đối giữa sứ mệnh giữ rừng và tạo ra giá trị từ rừng. Quan điểm thuê người dân giữ rừng cần chuyển đổi sang làm thế nào để tạo ra được nhiều việc làm, nhiều sinh kế dưới tán rừng thì mới bền vững, hiệu quả.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Lê Minh Hoan chỉ ra thực tế, giá trị của rừng đem lại vẫn chưa xứng đáng với tiềm năng của rừng. Do đó, mở cửa rừng là mở một tư duy mới về rừng và tạo ra không gian giá trị nhiều hơn cho rừng.
“Rừng không chỉ là kinh tế, giá trị môi trường mà còn giá trị về cộng đồng, giá trị về văn hóa, tín ngưỡng ngàn đời của bà con. Chúng ta phải có tư duy mới về rừng, với sứ mệnh giữ rừng. Nhìn rừng không chỉ có rừng, không chỉ có gỗ mà còn là văn hóa, là tín ngưỡng và đó là những giá trị to lớn hơn rất nhiều”, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT nói.
Từ đó, Bộ trưởng Hoan cho rằng,không chỉ người dân mà các lực lượng chức năng đang làm công tác giữ rừng cũng yên tâm hơn để hoàn thành nhiệm vụ.
Đồng thời, Bộ trưởng đề cao sự góp sức của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn cần có thêm sự thay đổi, thay vì quan hệ mua - bán với người trồng rừng, có lẽ cần ngồi lại với nhau để xem đó là sự đầu tư, hợp tác với người dân. Cụ thể, các doanh nghiệp có thể phối hợp với người dân, tạo nên một chuỗi liên kết, hình thành các hợp tác xã, tạo ra sự ưu tiên cho những cộng đồng, tạo ra không gian để bà con có thể giữ rừng một cách tự nguyện và hiệu quả.
Link nội dung: https://saigonmoi24.com/gia-tri-cua-rung-can-duoc-luong-hoa-dua-len-san-thuong-mai-quoc-te-a84801.html